Danh thắng Nhị - Tam Thanh – Điểm đến hấp dẫn của hành trình “Qua miền di sản Việt Bắc”
LSO-“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa – Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”. Từ xa xưa, danh thắng Nhị – Tam Thanh đã đi vào ca dao, trở thành lời mời gọi, hấp dẫn du khách đến với Xứ Lạng. Với những giá trị danh thắng và lịch sử văn hóa tiêu biểu, danh thắng Nhị – Tam Thanh được chọn là điểm đến của các đoàn khảo sát trong hành trình du lịch “Qua miền di sản Việt Bắc” lần thứ V, năm 2013, được tổ chức tại thành phố Lạng sơn từ ngày 4 – 6/11.
Du khách tham quan khu nhà bia di tích chùa Tam Thanh |
Theo kế hoạch, sau khi đi khảo sát các điểm du lịch nổi tiếng của 5 tỉnh Việt Bắc (Bắc Cạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên), đoàn khảo sát gồm các doanh nghiệp lữ hành, phóng viên, cán bộ quản lý du lịch sẽ trở về tỉnh Lạng Sơn, tham quan khu du lịch Mẫu Sơn và khu danh thắng Nhị – Tam Thanh, một trong những di tích nổi tiếng bậc nhất của tỉnh ta, hàng năm thu hút rất nhiều khách đến tham quan, du lịch. Nằm trong dãy núi đá vôi phía Tây Bắc thành phố Lạng Sơn, thuộc phường Tam Thanh với diện tích 50 ha, khu danh thắng Nhị – Tam Thanh có những hang động tự nhiên kỳ thú, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia năm 1962 (trong đợt xếp hạng những di tích quốc gia đầu tiên của nước ta) với những giá trị danh thắng và lịch sử văn hóa tiêu biểu. Khu di tích bao gồm: động Nhị Thanh, động Tam Thanh, thành Nhà Mạc và Núi Vọng Phu. Bốn nét đẹp riêng kết hợp lại tạo thành một vẻ quyến rũ đặc biệt cho quần thể di tích được mệnh danh là “Đệ nhất trấn doanh bát cảnh” của Xứ Lạng. Không chỉ có cảnh đẹp, đến thăm động Nhị, Tam Thanh, mỗi người còn nhớ tới vị quan đốc trấn Ngô Thì Sỹ đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với tỉnh Lạng Sơn. Hàng năm, lễ hội Chùa Tam Thanh được mở vào ngày 15 tháng Giêng, thu hút rất nhiều khách hành hương, tham quan, du lịch. Với giá trị danh thắng và lịch sử văn hóa tiêu biểu, danh thắng này không chỉ là điểm tham quan du lịch mà còn là điểm đến cho các đoàn khảo sát, nghiên cứu, học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh. Hàng năm, khách du lịch với với quần thể khu di tích này khá đông, nhất là vào dịp đầu năm và cuối năm. Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung (Đông Hưng, Thái Bình) cho biết, nhà chị làm kinh doanh nên thường xuyên đi lễ chùa, cầu tài cầu lộc. Hàng năm, chị và những người bạn cùng nghề đều tổ chức đi chùa Tam Thanh 2 lần, đầu năm xin lộc, cuối năm trả lễ, mong muốn công việc làm ăn mua bán được thuận buồm xuôi gió. Em Trần Văn Linh, học sinh lớp 11A1, Trường THPT Vân Nham (Hữu Lũng) phấn khởi kể, hai ngày nghỉ cuối tuần, em và các bạn cùng lớp tổ chức lên thành phố Lạng Sơn tham quan và điểm đến đầu tiên trong lịch trình của chúng em là động Tam Thanh. Em đã được đến đây nhiều lần nhưng vẫn cảm thấy rất thích không khí, cảnh đẹp nơi đây.
Cùng với các điểm du lịch nổi tiếng khác của tỉnh như: đền Bắc Lệ (Hữu Lũng), đền Kỳ Cùng – Tả Phủ, chùa Thành (thành phố Lạng Sơn)… quần thể di tích Nhị – Tam Thanh được coi là một điểm đến lý tưởng trong hành trình du lịch của phần lớn du khách khi đến với Lạng Sơn. Theo thống kê của Ban quản lý di tích tỉnh, từ năm 2000 đến nay, di tích này đã đón trên 3,2 triệu lượt khách du lịch đến tham quan. Riêng từ đầu năm 2013 đến nay đã đón gần 190.000 lượt khách. Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là khai mạc chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”. Sự kiện này tổ chức đúng vào mùa du lịch của Lạng Sơn nên lượng khách đến thăm quần thể di tích này theo dự kiến sẽ rất đông. Khi lượng khách đến ngày càng đông thì công tác quản lý, bảo vệ, khai thác các giá trị di tích càng cần phải chú trọng hơn. Vì thế, Ban quản lý di tích tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết hơn để tăng cường khả năng và các điều kiện phục vụ du khách, khách mời đến từ các tỉnh. Đơn cử như: chỉnh trang lại hệ thống điện chiếu sáng, cảnh quan môi trường, vệ sinh, an ninh trật tự, cán bộ phục vụ…
Ông Nguyễn Bá San, Trưởng Ban quản lý di tích tỉnh cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, sẵn sàng phục vụ khách du lịch và đoàn khảo sát, khách mời của các tỉnh thành. Các tổ quản lý di tích Tam Thanh luôn có 2, 3 hướng dẫn viên chính, ngoài ra những nhân viên khác cũng đều có thể hướng dẫn khách tham quan. Hy vọng qua chuyến khảo sát này, đoàn công tác của 6 tỉnh và Tổng cục Du lịch sẽ xây dựng thành công các tua, tuyến du lịch mới, khuyến khích phát triển dịch vụ du lịch gắn liền với các điểm di tích tiêu biểu trên địa bàn, khuyến khích đầu tư phát triển du lịch, thu hút ngày càng đông khách du lịch, các nhà đầu tư tham gia liên kết, hợp tác đầu tư và phát triển du lịch trong vùng Việt Bắc.
Ý kiến ()