Danh thắng Hang Gió - Di tích quốc gia xếp hạng đang bị lãng quên
Từ thực tế đó các nhà khảo cổ thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) và Bộ VHTTDL đã tiến hành nghiên cứu đánh giá tiềm năng của hang này, ngày 23/8/2004, Bộ VHTTDL đã ký Quyết định số: 77/2004/QĐ-BVHTT về xếp hạng di tích khảo cổ Hang Gió, xã Mai Sao, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn là di tích danh thắng cấp quốc gia. Suốt 10 năm khai thác danh thắng Hang Gió đến nay, nơi đây đang xuống cấp nghiêm trọng.
Ngày cuối tuần mà điểm di tích này không một khách du lịch |
Hang Gió còn có tên gọi: Động Thông Gió; hang nằm trên lưng chừng núi đá vôi có quy mô lớn, chiều dài hàng trăm mét, rộng đến 50- 70 m, chiều cao có chỗ lên đến 30- 40 m. Hang có 3 tầng; tầng hầm, ít ngách phụ, trong hang ít hiểm trở đi lại dễ dàng. Sàn hang tương đối bằng phẳng, vòm hang cao rộng, thoáng mát mang dáng dấp vòm nhà thờ. Vách hang có nhiều nhũ đá mang hình thù kỳ dị.
Nhằm khai thác Hang Gió thành điểm du lịch thu hút khách tham quan, tỉnh đã đầu tư nhà làm việc Ban quản lý; bậc lên xuống; hệ thống điện chiếu sáng trong hang tương xứng với điểm danh thắng quốc gia xếp hạng và in vé bán phục vụ khách tham quan. Từ những năm 2004- 2006, lượng khách đến thăm quan khá đông; đặc biệt vào những ngày nghỉ cuối tuần, dịp ngày nghỉ lễ, mỗi ngày hang này đón hàng trăm lượt khách đến chiêm ngưỡng. Từ năm 2008 đến nay, lượng khách đến tham quan danh thắng giảm dần; hiện nay mỗi tuần chỉ có vài chục người đến thăm. Theo ông Nông Văn Hiện, Trưởng Ban quản lý Di tích lịch sử và Danh thắng huyện Chi Lăng: Trong 2 năm gần đây, lượng khách đến Hang Gió giảm đáng kể; năm 2012 số khách đến tham quan là 2.100 lượt người; đến năm 2013 lượng khách giảm còn 1.300 lượt người; 6 tháng/2014, lượng khách giảm còn 360 lượt người; bình quân mỗi ngày có gần 2 người đến thăm hang.
Mỗi vé tại Hang Gió bán phục vụ khách thăm quan 20.000 đồng/người; với lượng khách như vậy, nguồn thu từ bán vé tại khu vực này đạt rất thấp không đủ trang trải; trong khi đó tại di tích Hang Gió có 5 biên chế bảo vệ và nhân viên thuyết minh. Bình quân mỗi tháng Ban quản lý phải chi trả lương, hợp đồng bảo vệ, chi phí tiền điện năng tiêu thụ và tiền mua bóng điện thay thế trong hang từ 20-22 triệu đồng.
Như vậy, sau 10 năm Hang Gió được Bộ VHTTDL xếp hạng danh thắng cấp quốc gia và giao cho huyện Chi Lăng quản lý khai thác, cho thấy tình trạng di tích này xuống cấp về mọi mặt. Vào một ngày nghỉ trung tuần tháng 6/2014, chúng tôi cùng cán bộ Ban quản lý Di tích lịch sử và Danh thắng huyện, có dịp xuống thăm Hang Gió chứng kiến cảnh hoang tàn về cơ sở hạ tầng. Từ khu kiểm soát vé lên đến cửa hang có 393 bậc; thì có đến hàng chục bậc đá kè bị sạt lở. Trong hang có một vài cột nhũ đá bị nứt, đổ vỡ; 2 khu nhà vệ sinh hư hỏng không thể sử dụng được. Hệ thống điện bao gồm: tủ điều khiển hư hỏng, đường dây tải điện được đấu nối không bảo đảm an toàn, trong hang có nhiều bóng đèn bị cháy. Tại điểm di tích này chưa được cơ quan chủ quản trang bị hệ thống loa mích cài cho nhân viên thuyết minh; không có máy điện thoại bàn liên lạc; không có tờ rơi quảng cáo…
Đứng trước tình trạng di tích danh thắng quốc gia Hang Gió đang xuống cấp nghiêm trọng, thiết nghĩ huyện Chi Lăng cần cứu lấy điểm danh thắng này. Trước mắt, huyện cần quan tâm đầu tư chống xuống cấp cơ sở hạ tầng bằng việc mua sắm các trang thiết bị còn thiếu trong khâu phục vụ; khắc phục lại số bậc lên xuống bị hư hỏng, lắp đặt hệ thống lan can đường lên xuống; thay thế cải tạo hệ thống điện chiếu sáng, khắc phục nhà vệ sinh. Tiến tới bàn giao di tích danh thắng này cho xã Mai Sao trực tiếp quản lý khai thác, nhằm khơi dậy tinh thần trách nhiệm, chủ động của xã trong việc giữ ranh giới quy hoạch, chống lấn chiếm đất di tích; giữ gìn vệ sinh môi trường. Ngành VHTTDL cần thiết lập các tour tuyến du lịch gắn kết điểm danh thắng Hang Gió với các điểm du lịch khác trên tuyến Quốc lộ 1A.
Ý kiến ()