Đánh sập đường dây tín dụng đen lớn nhất từ trước tới nay
Ngày 29/11, Công an tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị phối hợp tuyên truyền kết quả đấu tranh với tổ chức tín dụng đen hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa thay mặt Bộ Công an trao thưởng cho Ban chuyên án.Ảnh báo Thanh Hóa |
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Công an tỉnh Thanh Hóa đã báo kết quả điều tra ban đầu chuyên án triệt xóa tổ chức tín dụng đen hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Theo đó, khoảng 11h30 phút ngày 19/7/2018, khoa cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận một bệnh nhân nam trong tình trạng nguy kịch và tử vong ngay sau đó, khi biết nạn nhân tử vong, người đưa nạn nhân đi cấp cứu bỏ đi.
Sau khi tiếp nhận vụ việc, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa xác minh nạn nhân là Nguyễn Văn Minh, sinh năm 1999, trú tại thôn Liên Tân, Xã Bố Hạ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, là nhân viên “Công ty tài chính Nam Long” có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh.
Từ tháng 4/2018, anh Minh làm việc cho công ty này tại chi nhánh Bắc Kạn, nhiệm vụ chính của nạn nhân là đi thu tiền nợ mà khách vay của của “Công ty tài chính Nam Long” về nộp cho công ty. Do thu tiền nợ nhưng không nộp lại, đồng thời cầm cố xe máy của công ty để tiêu xài cá nhân (tổng giá trị khoảng 20 triệu đồng) nên Minh đã bị xử theo “luật công ty” dẫn đến tử vong.
Quá trình điều tra xác minh, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến tội phạm hoạt động có tổ chức, hoạt động tín dụng đen có tính chất chuyên nghiệp, phạm vi rất rộng, quan hệ phức tạp, có sự phân công tổ chức chặt chẽ, hoạt động núp bóng doanh nghiệp, có nhiều phương thức thủ đoạn hoạt động mới, tinh vi.
Ngay sau đó, Công an Thanh Hóa đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo xác lập chuyên án, thành lập Ban chuyên án, Ban chỉ đạo chuyên án của Bộ Công an để tập trung lực lượng, biện pháp đấu tranh triệt xóa.
Các đối tượng đã bị bắt giữ. |
Sau 4 tháng tổ chức điều tra, đến nay cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã quyết định khởi tố vụ án hình sự cố ý gây thương tích, giữ người trái pháp luật, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; khởi tố 9 bị can trong tổ chức tội phạm trên do Nguyễn Đức Thành là đối tượng chủ mưu, cầm đầu (hiện nay Cơ qua điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đang tạm giam 4 tháng đối với 7 bị can và truy nã 2 bị can).
Kết quả điều tra ban đầu xác định: Nguyễn Đức Thành, sinh năm 1988, ở phường Cầu Kho, Quận 1, TP Hồ Chí Minh bàn bạc với Nguyễn Cao Thắng, sinh năm 1984, ở phường 15, quận 10, TP Hồ Chí Minh thống nhất với nhau mở “công ty chung” để hoạt động tín dụng đen, lấy tên là “Công ty Nam Long”, tuy nhiên không đăng ký kinh doanh với cơ quan chức năng, đặt tại 393/5 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, Quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Bộ máy của “công ty” này gồm 26 chi nhánh (khu vực) ở 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc; mỗi chi nhánh phụ trách địa bàn từ 2 đến 5 tỉnh, do 1 người quản lý được chi trả tiền công, số điện thoại, tiền thuê nhà làm trụ sở giao dịch, làm việc và sinh hoạt cho cả quản lý và nhân viên.
Công ty kinh doanh cho vay tài chính dưới các hình thức hợp đồng trả góp trong thời hạn 41 ngày, mỗi ngày người vay phải trả tiền gốc và lãi là 3% tổng số tiền vay; hợp đồng trả góp trong thời hạn 51 ngày, mỗi ngày người vay phải trả cả gốc và lãi là 2,5% tổng số tiền vay; ngoài ra còn hợp đồng “lãi đứng” với mức lãi từ 15-30%/ngày.
Đối tượng cho vay là cá nhân có tài sản đảm bảo, hộ kinh doanh và các doanh nghiệp. Thắng là người chịu trách nhiệm huy động vốn cho tổ chức tín dụng, còn Thành làm giám đốc chỉ đạo toàn bộ hoạt động của bộ máy “Công ty Nam Long”, lợi nhận thu được chia làm 2 phần, trong đó 50% sử dụng quay lại để công ty cho vay, 50% lợi nhuận còn lại Thành và Thắng chia nhau.
Theo thống kê, các tài khoản ngân hàng của “Công ty Nam Long” có số tiền giao dịch lên tới trên 510 tỷ đồng với 200 khách hàng.
Đối tượng cầm đầu tổ chức tín dụng đen. |
Thủ đoạn hoạt động của Công ty tài chính Nam Long đó là được tổ chức hoạt động rất chuyên nghiệp, huấn luyện bằng hính thức “cầm tay chỉ việc”, người đi trước hướng dẫn người đi sau, tập huấn bằng các giáo án thẩm định, giáo trình xử lý nợ, sổ sách ghi chép phân loại khách hàng, đưa ra cách xử lý tình huống đòi nợ khi gặp khách hàng chống trả, tấn công, yêu cầu nhân viên không bỏ chạy, không dùng vũ lực mà tìm cách chuyển hóa tiền vay của khách hàng quá hạn bằng cách tố cáo với cơ quan công an dưới dạng đơn “đơn vu khống”, “đơn lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, hướng dẫn cách “xử lý” khai báo với cơ quan công an, luôn có người cảnh giới, sử dụng sim điện thoại riêng để phục vụ cho vay, sim để đe dọa…
Đồng thời tổ chức in ấn biểu mẫu hợp đồng cho vay, giấy tờ mua bán tài sản (phục vụ việc chuyển hóa khi đòi nợ, xử lý hợp đồng quá hạn); sử dụng hàng trăm tài khoản cá nhân khác nhau ở nhiều ngân hàng, tạo thuận lợi cho việc khách hàng nộp lãi; mặt khác chia nhỏ rủi ro khi bị phát hiện…
Mặc dù quy chế công ty được xây dựng theo hướng không dùng bạo lực để đòi nợ nhưng thực tế lại khác, việc sử dụng cách thức đe dọa bạo lực, thậm chí sẵn sàng sử dụng bạo lực như: Gây rối, cưỡng chế thu hồi nợ khi cần thiết diễn ra phổ biến.
Hiện nay, Công an tỉnh Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố trong cả nước để tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, làm rõ quy mô, tính chất, mức độ, hậu quả và vai trò của từng đối tượng trong vụ án để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật./.
Ý kiến ()