Đánh giá toàn diện kết quả triển khai yêu cầu của Quốc hội
Theo Chủ tịch Quốc hội, đây là phiên cuối cùng về hoạt động chất vấn của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV để đánh giá lại toàn diện kết quả triển khai các yêu cầu của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Ngày 6/11, Quốc hội bắt đầu tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Đây là nội dung đặc biệt quan trọng của kỳ họp, được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Quốc hội dành hai ngày rưỡi (từ 06/11 đến hết sáng ngày 10/11/2020) để tiến hành chất vấn việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
Đây là lần thứ 2 trong nhiệm kỳ, Quốc hội tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.
Đây cũng là phiên cuối cùng về hoạt động chất vấn của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV nhằm đánh giá lại một cách toàn diện kết quả triển khai các yêu cầu của Quốc hội được nêu trong các nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã nghe: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí trình bày các báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII; Tổng Thư ký Quốc hội-Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
Trong ngày chất vấn đầu tiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng; Giáo dục và Đào tạo; Thông tin và Truyền thông; Tư pháp; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công an; Lao động-Thương binh và Xã hội; Nội vụ; Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường; Giao thông Vận tải; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã trả lời các câu hỏi chất vấn liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách.
Trả lời chất vấn của của một số đại biểu Quốc hội liên quan đến giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Việt Nam đã kiểm soát chặt chẽ các đối tượng nhập cảnh (cả trái phép và hợp pháp).
Việt Nam cũng đã đón khoảng 200.000 người nhập cảnh, gồm các chuyên gia, người lao động, người Việt Nam ở các nước, vùng lãnh thổ. Trong nước cũng triển khai nhiều giải pháp. Tất cả các cơ sở y tế (gồm bệnh viện công lập, phòng khám tư nhân, nhà dưỡng lão), trường học, cơ sở giáo dục, cơ sở lưu trú, nhà máy công xưởng… phải thực hiện đầy đủ quy định hướng dẫn, đảm bảo an toàn.
“Chúng tôi đã đưa lên Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19, sẽ có hàng triệu cơ sở phải tự chấm điểm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nếu mức xanh mới được tiếp tục hoạt động,” Phó Thủ tướng thông tin.
Đối với chất vấn về nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến phòng, chống thiên tai; đặc biệt tập trung xây dựng các nghị định hướng dẫn Luật Phòng, chống thiên tai; rà soát lại các kịch bản biến đổi khí hậu để từ đó làm cơ sở xây dựng các phương án ứng phó thiên tai, bão lũ, sạt lở đất.
Ngoài ra, tập trung xây dựng chiến lược phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2030; xây dựng các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch tỉnh gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.
Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, lựa chọn các dự án ưu tiên để đầu tư. Chính phủ xây dựng các bản đồ cảnh báo khu vực có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nguy hiểm với tỷ lệ thích hợp.
Vấn đề này đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đã thực hiện, nhưng mới chỉ xây dựng được bản đồ với tỷ lệ lớn, chưa xác định chính xác các điểm nguy hiểm để sơ tán dân. Đồng thời xây dựng hệ thống cảnh báo sớm để kịp thời sơ tán khẩn cấp trước khi có sạt lở đất, lũ quét.
Đặc biệt, Chính phủ sẽ kiểm soát chặt chẽ quá trình đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và chống thiên tai; yêu cầu phải đảm bảo đa mục tiêu, hạn chế tối đa việc sử dụng đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế, Phó Thủ tướng thông tin.
Tại phiên chất vấn, các đại biểu quan tâm tới nhiều nội dung trong các lĩnh vực giáo dục-đào tạo; thông tin và truyền thông; nông nghiệp và phát triển nông thôn; quốc phòng và an ninh; văn hóa, thể thao, du lịch, y tế; lao động, thương binh, xã hội; khoa học, công nghệ và môi trường; tư pháp.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được tiếp tục trong ngày thứ hai (9/11)./.
Ý kiến ()