Đánh giá tình hình đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp
Ngày 14/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị đánh giá tình hình đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp. Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội nghị cho thấy, những năm gần đây, tổ hợp tác (THT) liên tục phát triển nhanh, tăng bình quân 3,3%. Năm 2013, cả nước có 61.571 THT trong nông nghiệp (bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, đánh bắt thủy sản, nuôi trồng thủy sản,…Các THT tập trung ở các vùng như: Bắc Trung bộ (39%), Đồng bằng sông Cửu Long (24%) và Đông Nam Bộ (10%).
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế. Trong đó, quy mô của THT nhỏ bé, quan hệ giữa các thành viên không chặt chẽ, ít chịu sự ràng buộc theo quy định của pháp luật. Do đó, việc quản lý, mở rộng quy mô hoạt động của tổ còn gặp nhiều khó khăn. Nội dung hợp tác giữa các thành viên chủ yếu theo các hoạt động cụ thể như chuyển giao kỹ thuật, áp dụng giống mới, dịch vụ thủy lợi,… Rất ít các THT có các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là sản xuất theo chuỗi, do đó, hiệu quả hoạt động của THT không cao.
Thêm vào đó, các HTX chưa thực sự phát huy vai trò quan trọng của kinh tế hợp tác trong nền kinh tế chung. Việc chuyển đổi hoạt động của nhiều HTX theo Luật còn gặp nhiều khó khăn do công nợ nhiều, tài sản vốn quỹ ít, trên 20% HTX đã dừng hoạt động nhưng chưa được chuyển đổi hoặc giải thể. Hoạt động của HTX đa phần còn hạn hẹp, mới chỉ thực hiện được một số dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Hiệu quả hoạt động nhìn chung thấp, ít có tác dụng thu hút xã viên tham gia. Số HTX hoạt động hiệu quả mới đạt khoảng 10%. Quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh trong cung cấp các dịch vụ rất hạn chế.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ kinh tế hợp tác trong nông nghiệp. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hợp tác xã, chủ trương, chính sách của Trung ương về phát triển kinh tế hợp tác cho các cấp ủy, đảng chính quyền, cơ quan liên quan nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động.
Đối với các địa phương, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật HTX và các chủ trương chính sách của Nhà nước ở các địa phương nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của kinh tế hợp tác. Tỉnh ủy, UBND các tỉnh cần ban hành Đề án, chương trình hành động, chính sách hỗ trợ đặc thù của địa phương cho tổ hợp tác HTX, chính sách hỗ trợ liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản làm cơ sở cho việc chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện hiệu quả. Cụ thể hóa chương trình đào tạo phù hợp với đặc thù của địa phương để tổ chức đào tạo, nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác, đội ngũ quản lý HTX, THT, chủ trang trại.
Bên cạnh đó, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Bá Ngãi, nhằm phát triển HTX lâm nghiệp, các HTX cần tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp để phát huy tiềm năng đất đai, khắc phục nhược điểm sản xuất kinh doanh lâm nghiệp có chu kỳ dài. Tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ nhu cầu cho cả xã viên và xã hội; đào tạo nâng cao trình độ của cán bộ, xã viên. Đồng thời, Nhà nước cần chuyển giao kỹ thuật trồng rừng thâm canh, kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn, kỹ thuật chuyển hàng hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn, các giống mới có năng suất cao nhằm nâng cao sản xuất, chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm lâm nghiệp.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()