Đánh giá tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam
Ngày 30/7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc gia đánh giá tiềm năng xuất khẩu do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Hội thảo được tổ chức nằm trong khuôn khổ Chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV) thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương”, gọi tắt là Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, được ký kết tại Hà Nội. Đây là dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng nguồn ODA không hoàn lại do Chính phủ Thụy Sỹ tài trợ, được thực hiện trong 04 năm (2013 – 2017). Cơ quan quản lý dự án là Bộ Công Thương, giao cho Cục Xúc tiến thương mại là đơn vị chủ trì thực hiện theo phương thức Quốc gia điều hành. Chương trình được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát huy kết quả bền vững của Dự án VIE 61/94 “Hỗ trợ xúc tiến thương mại (XTTM) và Phát triển Xuất khẩu tại Việt Nam” do Chính phủ Thụy Sỹ và Chính phủ Thụy Điển đồng tài trợ trong giai đoạn 2004-2010.
Hình ảnh tại hội thảo. (Ảnh: A.N) |
Chương trình được triển khai trên phạm vi cả nước, tập trung vào một số tỉnh/thành phố được lựa chọn theo các tiêu chí như năng lực xúc tiến thương mại, tiềm năng phát triển xuất khẩu bền vững và nằm trong ba vùng kinh tế trọng điểm Bắc, Trung, Nam. Mục tiêu chung của Chương trình còn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của DNNVV Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu và phát triển các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam thông qua hệ thống XTTM trên phạm vi toàn quốc. Mục tiêu này cũng góp phần cụ thể hóa các chính sách của Chính phủ, Nhà nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng hàng tồn kho, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, nhất là các DNNVV.
Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam, ông Đỗ Kim Lang – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Giám đốc quốc gia Chương trình cho biết: Hoạt động đánh giá tiềm năng xuất khẩu do Chương trình hỗ trợ DNNVV Việt Nam tập trung vào 05 lĩnh vực và ngành hàng chính là nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, thủ công mỹ nghệ và thủy sản. Đây là một trong những hoạt động trọng điểm, với mục tiêu là xác định các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu ở cấp quốc gia và của từng khu vực nêu trên, để từ đó xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển xuất khẩu ở cấp vùng trong giai đoạn chính của Chương trình.
Với mục tiêu xác định các ngành hàng, dịch vụ có tiềm năng xuất khẩu trong tương lai, bên cạnh việc tái khẳng định những ngành hàng đã có thành tích xuất khẩu tốt, báo cáo đánh giá còn phát hiện những mặt hàng chưa có thống kê xuất khẩu hoặc đã xuất khẩu với số lượng hạn chế, nhưng có tiềm năng và điều kiện cần thiết để có thể xúc tiến xuất khẩu trong thời gian tới.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng được nghe một số kết quả nghiên cứu đánh giá tiềm năng xuất khẩu Việt Nam. Theo báo cáo, các ngành hàng xuất khẩu quan trọng có tiềm năng xuất khẩu cao, trên 1 tỷ USD là cà phê, cao su, sắn và sản phẩm từ sắn, hàng may mặc, giầy vải, thể thao, máy tính xách tay, máy in, điện thoại di động, dây cáp điện, bảng mạch điện tử, philê cá đông lạnh, tôm đông lạnh, xuất khẩu lao động và du lịch.
Gạo, mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam mặc dù vẫn được xếp vào nhóm có tỷ trọng xuất khẩu quan trọng nhưng được đánh giá có tiềm năng thấp. Tuy xuất khẩu gạo tăng liên tục về sản lượng trong những năm qua, song giá trị thu được chưa tăng tương xứng.
Báo cáo tại Hội thảo cũng nêu ra một số khuyến nghị với xuất khẩu Việt Nam như xây dựng hệ thống thông tin thị trường cập nhật cho từng ngành, xúc tiến triển khai các chính sách ưu đãi với công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng, xây dựng thương hiệu riêng, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải tiến kỹ thuật công nghệ, đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()