Đánh giá tích cực từ hai phía
LSO-Trong những năm qua, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không ngừng tăng trưởng. Hiện tổng dư nợ trong lĩnh vực này hơn 2.883 tỷ đồng, chiếm 25% tổng dư nợ toàn địa bàn. Nguồn vốn này đã đem lại hiệu quả rất thiết thực, trở thành nguồn động lực lớn, giúp cho bà con nông dân vượt qua khó khăn, đầu tư vốn phát triển kinh tế có hiệu quả và nâng cao đời sống.
Người dân xã Gia Lộc sử dụng vốn mở dịch vụ thu mua nông sản |
Ông Lý Văn Thường, thôn Nà Mần, xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng cho biết: Xã có điều kiện tự nhiên để chăn thả đàn gia súc. Vì thế, cũng như gia đình tôi, nhiều hộ gia đình rất muốn mở rộng phát triển đàn trâu, bò, không chỉ phục vụ sức kéo mà phát triển hàng hóa, tăng nguồn thu nhập… Tuy nhiên, để mua một con bò thì cần một số tiền lớn, từ 15-20 triệu đồng/con. Với nhà nông, tiết kiệm cả năm cũng khó mà có được số tiền đó, nên gia đình vẫn chỉ làm kinh tế chăn nuôi lợn, gà và gieo trồng là chính. Năm 2012, thông qua hội nông dân xã, gia đình ông thường được tiếp cận với chính sách hỗ trợ lãi suất của tỉnh về phát triển đàn trâu, bò nên đã đầu tư mua đôi bò sinh sản. Sau hai năm chăm sóc, đến nay, đàn bò phát triển lên 6 con. Với giá trị 20-30 triệu đồng/con, đây thực sự là nguồn động lực giúp gia đình tiếp tục tái đàn lớn, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Nếu có chương trình cho vay nữa, gia đình ông sẽ tiếp tục vay để tăng cường đàn trâu, bò và chăn nuôi đàn lợn nái. Khác với gia đình ông Thường, hộ chị Hoàng Thị Lan (cùng xã) lại vay vốn đầu tư mở đại lý thu mua hồi và hàng hóa nông sản khác. Chị cho biết: để làm được đại lý như này phải có đến hàng trăm triệu vốn đầu tư và vốn lưu động, nhưng tự gia đình thì không thể có số vốn đó. May được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tạo điều kiện, gia đình đã được vay vốn nhiều lần nên mới mua được máy chưng cất dầu hồi, xe ô tô chuyên chở hàng hóa nông phẩm. Hiện dư nợ vốn vay đang sử dụng trong kinh doanh dịch vụ gần 200 triệu đồng, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thu mua các mặt hàng nông sản hồi, thóc, ngô… Trong 3 năm qua, riêng từ phát triển dịch vụ này, gia đình có nguồn thu nhập đến 70 triệu đồng/năm, ổn định đời sống gia đình và giúp được bà con trong việc mua bán nông sản kịp thời.
Không chỉ hộ gia đình ông Thường, chị Lan ở xã Gia Lộc, mà trong các thôn, xã toàn tỉnh đã có hàng nghìn hộ dân được tiếp cận chính sách vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tính đến nay, tổng dư nợ vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của toàn tỉnh là 2.883 tỷ đồng, tăng 471 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2013, tăng 123 tỷ đồng so với đầu năm 2014. Đánh giá về hiệu quả nguồn vốn, ông Nông Văn Như, Phó giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: qua kiểm tra các hộ vay, nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong trồng rừng, chăn nuôi, mua máy móc sản xuất, phát triển dịch vụ… đã có nhiều mô hình hiệu quả như nuôi trâu, bò ở Chi Lăng, Văn Quan; trồng rừng ở Tràng Định, Đình Lập; phát triển dịch vụ ở Hữu Lũng… Hiện, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm đến 80% tổng dư nợ của chi nhánh, nhưng tỷ lệ thu nợ đến hạn, thu lãi luôn đạt cao so với kế hoạch hàng năm, đặc biệt nợ xấu trong lĩnh vực này chỉ chiếm tỷ lệ thấp do gặp rủi ro, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay, nhu cầu sử dụng vốn ở vùng nông thôn còn rất lớn, nhất là đối với các hộ trồng rừng, phát triển đàn gia súc và kinh doanh dịch vụ. Vì vậy, để phát huy hiệu quả nguồn vốn này hơn nữa, hệ thống các ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo đúng chủ trương của Chính phủ và bám sát các dự án của UBND tỉnh về hỗ trợ lãi suất cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các cấp, ngành, tổ chức của tỉnh cần vào cuộc tích cực hơn trong việc tuyên truyền, chuyển tải chính sách vốn đến các thôn, bản, hộ dân, nhất là ở các vùng còn nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Học Cường, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Ngân hàng Nhà nước tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo sát sao đối với các ngân hàng thương mại trong công tác cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, không ngừng cải cách thủ tục, tạo điều kiện cho vay và nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng dư nợ hơn nữa trong lĩnh vực này. Cùng với đó, kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng vốn của hộ vay để phát huy cao hiệu quả chính sách vốn.
LÂM NHƯ
Ý kiến ()