Đánh giá sâu sắc hơn về đường lối kinh tế của Đảng
Dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng đã đánh giá toàn diện những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém về phát triển kinh tế trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và 30 năm đổi mới. Tuy nhiên, ở phần III: Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, dự thảo Báo cáo chính trị nêu nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém “chủ yếu là do nhận thức” thì chưa thật sự thuyết phục.
Bởi vì, sự lãnh đạo của Đảng là then chốt, đường lối kinh tế của Đảng là yếu tố quyết định đến quá trình nhận thức về xây dựng kinh tế thị trường định hướng XHCN cũng như quyết định tốc độ phát triển kinh tế của nước ta. Cùng một xuất phát điểm như nhau, nhưng kinh tế của nhiều nước châu Á đã vượt xa nước ta. Do đó, cần có đánh giá sâu sắc hơn về đường lối kinh tế trong 5 năm qua cũng như trong từng thời kỳ. Cụ thể, đánh giá việc xác định đường lối phát triển kinh tế nước ta đã đúng đắn chưa, đường lối đó đã phát huy hết được sức mạnh nội sinh chưa, thu hút đầu tư từ bên ngoài tương xứng với tiềm năng đất nước chưa. Theo tôi có những giai đoạn, việc xác định đường lối phát triển kinh tế còn lúng túng, công tác điều hành của Nhà nước về kinh tế ở nhiều lĩnh vực chưa hiệu quả. Nhiều bộ, ngành, địa phương còn bị động, phụ thuộc trong phát triển kinh tế, hiệu quả không cao, chưa phát huy tối đa tiềm năng, tiềm lực của đất nước. Do đó, tôi đề nghị sửa và bổ sung vào phần nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém như sau: “Những hạn chế, yếu kém nêu trên chủ yếu là do năng lực lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ trong lĩnh vực kinh tế còn nhiều hạn chế, nhất là trong việc xác định đường lối phát triển kinh tế đúng đắn cho từng thời kỳ, chậm đổi mới công tác điều hành nền kinh tế. Chưa tạo được đột phá trong phát triển kinh tế”.
HOÀNG TỊNH
(Số nhà 190, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội)
Cần cụ thể hóa mục tiêu phát triển nguồn nhân lực đất nước
Đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Đại hội Đảng lần thứ XI đã xác định một trong ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2020 là “phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ”.
Chúng tôi nhận thức sâu sắc và đồng thuận với mục tiêu tổng quát, tinh thần chủ đạo được nêu trong dự thảo Báo cáo Chính trị của BCH Trung ương Đảng khóa XI trình Đại hội XII của Đảng là: Tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Giáo dục là quốc sách hàng đầu.
Tuy nhiên, hiện nay, hiệu quả, chất lượng giáo dục, đào tạo của chúng ta còn nhiều bất cập với yêu cầu phát triển, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Theo đánh giá mới đây của một số tổ chức trong và ngoài nước, lực lượng cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học, số cán bộ công chức ở nước ta đông nhưng không mạnh, năng suất lao động thấp; số sản phẩm khoa học và công nghệ được ứng dụng trong thực tiễn ít.
Trong 5 năm tới là thời kỳ Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết trong cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nhiều so với trước. Điều đó cho thấy tính cấp bách của yêu cầu đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam, đáp ứng CNH, HĐH và hội nhập quốc tế.
Tại phần V, của dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng về “Đổi mới căn bản toàn diện, giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực”, ở mục 2, về phương hướng nhiệm vụ ghi rõ “phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với tiến bộ khoa học và công nghệ, với quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực”. Chúng tôi nhất trí với nội dung nêu trên, nhưng cần bổ sung cụm từ “đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Như vậy sẽ làm rõ, cụ thể mục tiêu, yêu cầu, nội hàm quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực đất nước thời gian tới. Đây cũng là nhân tố đáp ứng, mục tiêu được nêu ngay từ tiêu đề của văn kiện là “… xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()