Đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3
- Sáng 28/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn có đồng chí Nguyễn Quốc Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Theo báo cáo tại hội nghị, bão số 3 (tên quốc tế Yagi) đổ bộ trực tiếp vào nước ta, gây thiệt hại rất lớn đối với các địa phương ven biển, nhất là tại tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng. Sau bão, mưa lớn kéo dài trên diện rộng tại hầu hết khu vực Bắc Bộ tiếp tục gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Xác định đây là cơn bão có cường độ rất mạnh, sức tàn phá rất lớn, cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở đã tích cực, chủ động vào cuộc chỉ đạo, quyết liệt triển khai công tác ứng phó với bão, lũ theo đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được phân công; người dân cũng đã chủ động, tự giác phòng, chống, ứng phó.
Mặc dù cả hệ thống chính trị cùng người dân đã chủ động trong công tác phòng, chống, song bão số 3 có diễn biến phức tạp, tác động dồn dập các loại hình thiên tai đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Tính đến ngày 27/9/2024, mưa bão, sạt lở đất đã làm 344 người chết, mất tích (318 người chết, 26 người mất tích); 1.976 người bị thương; 281.966 nhà bị hư hỏng, tốc mái, 112.034 nhà bị ngập; gần 284,5 nghìn ha lúa, trên 61 nghìn ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; trên 35 nghìn ha và 11.832 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; trên 44 nghìn con gia súc, hơn 5,6 triệu con gia cầm bị chết.
Bên cạnh đó, hệ thống điện bị thiệt hại lớn với 14 sự cố đường dây 500kV, 40 sự cố đường dây 220kV, 190 sự cố đường dây 110kV, 1.678 sự cố đường dây trung thế, trên 6 triệu khách hàng bị mất điện. Ngoài ra, bão số 3 và mưa lũ sau bão còn gây hư hại 8.290 tuyến cáp quang; 3.755 điểm trường và 852 cơ sở y tế bị ảnh hưởng, thiệt hại; xảy ra 796 sự cố đê điều trên địa bàn 15 tỉnh, thành phố; 820 vị trí trên các tuyến đường quốc lộ bị ách tắc; 2.211 công trình thủy lợi bị hư hỏng...Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu trên 81.503 tỷ đồng.
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã trực tiếp đến khu vực bị ảnh hưởng của mưa, lũ, bão để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định trích dự phòng ngân sách Trung ương, xuất cấp gạo từ dự trữ quốc gia để các địa phương, cơ quan thực hiện các chính sách hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại và cứu trợ cho người dân có nguy cơ thiếu đói. Cùng với đó, các đoàn công tác của Trung ương, các địa phương, các tổ chức, cá nhân đã thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành, đơn vị liên quan đã huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân khôi phục nhà ở; tập trung triển khai các biện pháp khôi phục sản xuất nông nghiệp; nhanh chóng khắc phục các sự cố và cấp điện trở lại cho 99,7% khách hàng; tập trung thông tuyến giao thông; tổ chức vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; nhanh chóng khắc phục sự cố về đê điều...Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Tính đến hết ngày 25/9/2024, các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ, chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương với tổng số tiền 1.764 tỷ đồng...
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả công tác phòng, chống bão số 3. Đồng thời, chỉ ra những hạn chế, rút ra các bài học kinh nghiệm liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả do bão gây ra.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận sự nỗ lực của các cấp, ngành trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh các bài học kinh nghiệm rút ra qua cơn bão số 3 vừa qua gồm các nội dung: công tác dự báo, cảnh báo phải kịp thời, chính xác, từ sớm, từ xa; công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát tình hình thực tế, quyết liệt, quyết đoán, có trọng tâm, trọng điểm; đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân, Nhà nước lên trên hết, trước hết; các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão, lũ; coi trọng công tác thông tin, truyền thông kịp thời, chính xác.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thời gian tới, các cấp, ngành liên quan không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, đảm bảo chăm sóc sức khỏe, trẻ em được đến trường; tập trung khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống Nhân dân; tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện rà soát thiệt hại để có hỗ trợ kịp thời; tiếp tục rà soát khắc phục hạ tầng điện, nước, viễn thông, trường học, cơ sở y tế; hoàn thiện thể chế, hướng dẫn để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; hoàn thiện các tổ chức, nguồn nhân lực theo Luật Phòng thủ dân sự; nhanh chóng hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các trường hợp bị mất nhà cửa hoàn thành chậm nhất 31/12/2024; tổ chức sơ kết đánh giá công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3, biểu dương các tập thể, cá nhân làm tốt, đồng thời xử lý các trường hợp làm không tốt trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3...
Đối với tỉnh Lạng Sơn, trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm của bão số 3, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã chủ động vào cuộc triển khai quyết liệt, khẩn trương, cấp bách các biện pháp phòng, chống bão từ sớm. Tuy nhiên, cơn bão số 3 có diễn biến phức tạp, mưa lớn kéo dài đã gây thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước. Cụ thể, do ảnh hưởng của mưa bão, trên địa bàn tỉnh có 3 người chết, 10 người bị thương; 12.454 hộ gia đình bị thiệt hại về nhà ở; trên 18.000 ha lúa, hoa màu, trên 30.000 ha cây lâm nghiệp bị ảnh hưởng, gãy đổ; trên 250 công trình, hạng mục công trình thủy lợi bị hư hỏng; 1.445 vị trí tuyến quốc lộ, tuyến đường tỉnh, đường tuần tra biên giới, đường huyện bị sạt lở đất...Ước tính tổng thiệt hại trên 900 tỷ đồng. Ngay sau khi xảy ra thiên tai, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đến khu vực bị ảnh hưởng của mưa, lũ, bão để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại. Đồng thời, các cấp, ngành nhanh chóng triển khai các biện pháp để khắc phục hậu quả mưa bão, nhanh chóng ổn định đời sống người dân. |
Ý kiến ()