Đánh giá, phân tích kỹ để tìm ra các giải pháp đột phá cho tăng trưởng giai đoạn tới
Chiều 26/3, tại Trụ sở Chính phủ, đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban Kinh tế-xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, chủ trì Phiên họp thứ hai của Tiểu ban.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ…
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhiệm vụ của Tiểu ban là xây dựng Báo cáo 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030); Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, giai đoạn 2026-2030 trình Đại hội XIV của Đảng. Sản phẩm cuối cùng của Tiểu ban là Báo cáo có chất lượng được Đại hội XIV của Đảng thông qua, được “Đảng chấp nhận, nhân dân phấn khởi, quốc tế đánh giá cao”, tạo được khí thế phấn khởi, huy động được mọi nguồn lực, sức mạnh để đưa đất nước ta tiến lên, phát triển nhanh và bền vững.
Nhấn mạnh đây là Báo cáo chuyên đề phục vụ cho Tiểu ban Văn kiện của Đại hội lần thứ XIV của Đảng, do đó để tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Báo cáo, trên cơ sở Phiên họp Tiểu ban này, Thủ tướng lưu ý một số nội dung: yêu cầu rà soát lại giai đoạn 2021-2026 cần bám sát các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng để đánh giá những gì đã làm được, chưa làm được, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp, các động lực tăng trưởng.
Thủ tướng lưu ý phải làm mới lại các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; bổ sung các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, chống biến đổi khí hậu…
Mục tiêu thì không thay đổi, nhưng vấn đề là giải pháp cần bổ sung để tạo ra động lực mới, xung lực mới, chuyển động mới, thí dụ như hoàn thành mục tiêu đầu tư phát triển đường cao tốc, triển khai dự án đường sắt tốc độ cao… Trong đó, giai đoạn 2026-2030 có gì mới cần phải bổ sung gì? Hay như mục tiêu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đây là mục tiêu rất cao và có đạt được mục tiêu này thì mới có đà để đến năm 2045 là nước phát triển có thu nhập cao. Tầm nhìn đã rõ thì phải có các giải pháp đột phá.
Theo Thủ tướng, thời gian qua, tình hình thay đổi và khác rất nhiều so dự báo từ đầu nhiệm kỳ xem có còn phù hợp không? Nếu không tạo được sự “xoay chuyển tình hình” thì khó đạt kết quả. Do đó cần phải thay đổi tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận phải thay đổi sát tình hình trong nước và thế giới; trong quá trình này phải bám sát các định hướng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thủ tướng đề nghị cần phân tích kỹ thêm tình hình từ nay đến năm 2026, nhất là vấn đề đại dịch Covid-19, khắc phục hậu quả đại dịch, tình hình thế giới xảy ra các xung đột, chiến tranh, làm ảnh hưởng các nguyên vật liệu đầu vào (xăng dầu…) đều tăng giá; liên quan điều hành kinh tế vĩ mô, các nước đang điều chỉnh chính sách tiền tệ, tăng giá trị đồng tiền của họ làm giảm giá trị đồng tiền của ta; rồi vấn đề phát triển hạ tầng; vấn đề phải chi nguồn lực lớn chống dịch làm cản trở tăng trưởng kinh tế; rồi phải tích lũy nguồn bổ sung cho việc tăng lương trong điều kiện kinh tế khó khăn...
Thủ tướng nêu rõ một số thành tựu và điều kiện thuận lợi hiện nay như quy mô nền kinh tế tăng, thương hiệu quốc gia tăng; các chỉ số liên quan con người đều được quốc tế đánh giá tăng; an sinh xã hội làm rất tốt trong điều kiện khó khăn. Những điều này cần phải được phân tích kỹ để thấy được nỗ lực của cả hệ thống chính trị trên tinh thần “không tô hồng, nhưng cũng không bôi đen”; cái gì làm được thì phải phân tích để khẳng định để xem có phải “đã xoay chuyển được tình thế, chuyển đổi được trạng thái” không? Làm như thế để chúng ta tự tin, tự hào, có bản lĩnh để tiếp tục vươn lên.
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị dự báo, phân tích, đánh giá sát thực tế, sâu hơn về bối cảnh bởi tình hình sắp tới không thể chủ quan, có nhiều diễn biến nhanh, khó lường; rút ra các bài học kinh nghiệm, đó là phải bám sát tình hình, phản ứng chính sách phải nhanh, kịp thời, hiệu quả; chú ý những nhân tố mới có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế-xã hội nước ta trong 10 năm tới và hệ quả các cuộc xung đột, cạnh tranh giữa các nước lớn, tác động toàn diện sâu rộng đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các vấn đề như già hóa dân số, chống biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên… cần có đánh giá thực chất, trên cơ sở đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp.
Về quan điểm, mục tiêu phát triển, Thủ tướng đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung các quan điểm mục tiêu phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 vừa có tính khả thi, sát thực tế, có cả tính phấn đấu để nỗ lực.
Giai đoạn 2026-2030, phát triển kinh tế-xã hội đất nước đòi hỏi phải có tư duy phát triển mới, quan điểm, giải pháp đột phá; chú ý các giải pháp mới như tăng cường phân cấp, phân quyền, giảm thủ tục hành chính; cần phải phát huy dư địa về vĩ mô nhất là nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trên tinh thần cân đối, bảo đảm ổn định vĩ mô; cân nhắc việc phát hành thêm trái phiếu Chính phủ để làm thêm các công trình trọng điểm mới; cách thức huy động nguồn lực từ nhân dân; giải pháp để khuyến khích đầu tư từ doanh nghiệp và nhân dân; có cơ chế, chính sách để huy động số tiền lớn đang nằm trong ngân hàng.
Nhấn mạnh sự cần thiết việc định hình kinh tế vĩ mô, Thủ tướng cho rằng những năm vừa qua, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm có thể bổ sung cho giai đoạn tới; bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu, chắt lọc những kinh nghiệm hay của thế giới.
Thủ tướng lưu ý, tình hình sắp tới có nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng có cả thời cơ thuận lợi, nếu chúng ta không biết tranh thủ thì sẽ bị bỏ lỡ thời cơ; không lơ là chủ quan, do đó phải luôn có các phương án dự phòng; cách huy động nguồn lực phải đổi mới. Vừa qua, chúng ta đã đổi mới về hoàn thiện thể chế nhưng điểm nghẽn về thể chế vẫn còn, do đó phải nỗ lực hơn nữa; rồi phải đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược để đạt hiệu quả cao hơn.
Thời gian tới, Thủ tướng lưu ý Tổ Biên tập của Tiểu ban cần nỗ lực tiếp tục theo dõi, bám sát nhiệm vụ, chuẩn bị thêm các báo cáo chuyên đề kèm theo các số liệu, phụ lục để chứng minh, trong đó cần coi trọng việc tìm ra những giải pháp đột phá để “xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái”.
Ý kiến ()