Đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP: Cần sự chủ động của chủ thể
- Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả quan trọng, qua đó, góp phần nâng cao giá trị nông sản. Tuy nhiên, đến nay, nhiều sản phẩm OCOP đã hết hạn chứng nhận sau 36 tháng chưa được đánh giá, phân hạng lại.
Trong những năm qua, việc thực hiện Chương trình OCOP được các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh triển khai và đạt được kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 153 sản phẩm được cấp chứng nhận đạt OCOP 3 sao và 4 sao. Tuy vậy, đến nay, toàn tỉnh có trên 40 sản phẩm OCOP đã hến hạn giấy chứng nhận OCOP sau 36 tháng kể từ ngày được cấp của cơ quan có thẩm quyền, trong đó, nhiều sản phẩm chưa được đánh giá, công nhận lại.
Việc các sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP thời gian qua đã mang lại nhiều lợi ích đối với các chủ thể. Đây được xem như “giấy thông hành” để sản phẩm có thương hiệu, mở rộng thị trường. Không chỉ vậy, việc có sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn hoặc tương đương còn thời hạn là chỉ tiêu quan trọng trong tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn để xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Do vậy, việc đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP có ý nghĩa quan trọng.
Theo Quyết định số 148 ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP, trong đó, có quy định về đánh giá, phân hạng sản phẩm sau khi hết thời hạn như sau: chậm nhất 30 ngày trước ngày hết thời hạn 36 tháng, cơ quan ban hành quyết định công nhận kết quả và cấp giấy chứng nhận đạt sao có văn bản thông báo cho các chủ thể OCOP về thời hạn của giấy chứng nhận; chủ thể OCOP (nếu có nhu cầu), chuẩn bị hồ sơ đề nghị công nhận lại sản phẩm, bao gồm phiếu đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP và báo cáo của chủ thể đánh giá về sản phẩm theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Theo đó, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có những chỉ đạo, quan tâm sát sao để đẩy mạnh công tác đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP.
Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Hằng năm, sở đều chỉ đạo các phòng, đơn vị chuyên môn rà soát các sản phẩm OCOP, qua đó, nắm bắt các sản phẩm sắp hết hạn và có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan thông báo đến chủ thể để lập hồ sơ đánh giá, công nhận lại sản phẩm. Cùng với đó, sở chỉ đạo các đơn vị, phòng, ban trực thuộc theo dõi đăng thông tin các sản phẩm OCOP sắt hết hạn lên trang thông tin điện tử của sở. Bên cạnh đó, hằng năm, thực hiện nhiệm vụ được giao, sở phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định đối với các sản phẩm OCOP, trong có việc tuân thủ sử dụng nhãn hiệu OCOP mà sản phẩm hết hạn chứng nhận.
Để đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP, Sở NN&PTNT đã ban hành văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thành phố thực hiện đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm chương trình OCOP, trong đó, có quy định về đánh giá, phân hạng lại sản phẩm sau khi hết thời hạn. Theo đó, UBND các huyện, thành phố đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các chủ thể chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP.
Mặc dù đã được thông báo và hướng dẫn các thủ tục, hồ sơ để thực hiện công tác đánh giá, phân hạng lại sản phẩm nhưng đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh mới có 4 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng lại.
Bà Nông Thị Hoa, Phó Trưởng Phòng Kinh tế thành phố cho biết: Từ năm 2019 đến nay, thành phố có 16 sản phẩm đã được công nhận OCOP, trong đó, có 4 sản phẩm đã hết thời hạn 36 tháng theo giấy chứng nhận OCOP. Thời gian qua, phòng thường xuyên tiến hành rà soát, theo dõi về thời hạn quy định các sản phẩm OCOP và đã tham mưu UBND thành phố ban hành thông báo cho các chủ thể có sản phẩm OCOP sắp hết hạn, hướng dẫn cho chủ thể chuẩn bị thủ tục, hồ sơ để thực hiện công tác đánh giá, phân hạng lại sản phẩm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các chủ thể của sản phẩm OCOP hết hạn chưa làm thủ tục đánh giá, chứng nhận lại.
Theo tìm hiểu từ một số phòng NN&NPTNT các huyện và chủ thể, việc thực hiện đánh giá, chứng nhận lại sản phẩm OCOP còn một số khó khăn, hạn chế như: các chủ thể phải tự thực hiện, chuẩn bị lại toàn bộ thủ tục, hồ sơ theo đúng quy trình như lần đánh giá, phân hạng ban đầu; việc chuẩn bị các thủ tục, hồ sơ không có hỗ trợ, chi phí khá tốn kém; một số sản phẩm còn hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ, mang tính thời vụ...
Bà Lý Thị Hiền, Giám đốc hợp tác xã (HTX) Thảo Lâm, huyện Văn Lãng cho biết: Tháng 10/2023, sản phẩm rượu Hội Hoan của HTX đã hết hạn chứng nhận sản phẩm OCOP sau 36 tháng. Việc được công nhận sản phẩm OCOP có ý nghĩa rất lớn trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã. Tuy nhiên, để được chứng nhận lại, chúng tôi phải tự chuẩn bị hồ sơ đánh giá lại như lần đầu. Hơn nữa, những chỉ tiêu liên quan đến kiểm nghiệm chất lượng cũng đã hết thời hạn, buộc chúng tôi phải thực hiện lại. Do vậy, chi phí để chuẩn bị hồ sơ khá cao (khoảng 20 triệu đồng) và mất nhiều thời gian, nên đến thời điểm này, HTX mới chuẩn bị xong hồ sơ để trình cấp có thẩm xem xét, đánh giá.
Để thúc đẩy các chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP, thời gian tới, các cấp, ngành chức năng tiếp tục tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các chủ thể hiểu rõ hơn về nội dung, mục đích, ý nghĩa và có trách nhiệm đối với việc duy trì, phát triển sản phẩm OCOP; tiếp tục rà soát, thống kê và gửi thông báo đến các chủ thể có sản phẩm sắp hết thời hạn và hết thời hạn công nhận sản phẩm OCOP đúng theo quy định. Qua đó, nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình OCOP.
Đến nay, toàn tỉnh có 153 sản phẩm được cấp chứng nhận đạt OCOP 3 sao và 4 sao. Tuy vậy, đến nay, toàn tỉnh có trên 40 sản phẩm OCOP đã hến hạn giấy chứng nhận OCOP sau 36 tháng kể từ ngày được cấp của cơ quan có thẩm quyền, trong đó, nhiều sản phẩm chưa được đánh giá, công nhận lại.
|
Ý kiến ()