Đánh giá kết quả triển khai các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
LSO-Sáng nay (7/2), Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/1/2019 quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước; Quyết định số 28/2018/QĐ– TTg ngày 12/7/2018 về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước; Quyết định số 274/QĐ– TTg ngày 12/3/2019 phê duyệt đề án cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG).
Đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Nguyễn Long Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố.
Hội nghị đã đánh giá kết quả thực hiện 3 văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thời gian qua.
Cụ thể, về Nghị định số 09/2019/NĐ-CP, đến nay, toàn quốc có 18/22 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành thông tư quy đinh chế độ báo cáo theo phương án đã được phê duyệt và 38/63 địa phương ban hành quyết định quy định chế độ báo cáo theo phương án đơn giản hóa đã được phê duyệt.
Về thực hiện Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg, cả nước đã có 95/95 đơn vị (100%) các bộ, ngành, địa phương và văn phòng Trung ương Đảng kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử của hai cấp chính quyền với trục liên thông văn bản quốc gia.
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ khai trương (ngày 12/3/2019) đến ngày 4/2/2020 đã có gần 1,25 triệu văn bản, trong đó có 298.000 văn bản gửi và 945.000 văn bản nhận trên trục liên thông văn bản quốc gia; số lượng văn bản điện tử được gửi, nhận trong tháng thứ 10 so với tháng đầu tiên khi vận hành đã tăng gấp hai lần.
Về thực hiện Quyết định 274/QĐ-TTg, tính đến nay, cả nước có 9/22 bộ, ngành, cơ quan kết nối, tích hợp và 63/63 tỉnh, thành phố hoàn thành việc kết nối, tích hợp cổng DVCQG. Cả nước đã có gần 42.000 tài khoản, trong đó 221 tài khoản của người dân đăng ký; có hơn 12,7 triệu lượt truy cập, trên 664.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái trên DVCQG. Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tiếp nhận, xử lý hơn 4.100 phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp và hỗ trợ trên 3.600 cuộc gọi qua tổng đài hỗ trợ.
Tại Lạng Sơn, việc thực hiện 3 nhiệm vụ trên đảm bảo đúng tiến độ và có hiệu quả. Cụ thể, tỉnh đã xây dựng 6 chế độ báo cáo định kỳ giữa các cơ quan hành chính nhà nước phục vụ mục tiêu quản lý trên địa bàn. Đồng thời thực hiện kết nối với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.
Cùng đó, địa phương triển khai việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Trong năm 2019, Lạng Sơn đã nhận được 355 văn bản của Văn phòng Chính phủ gửi đến, 2.801 văn bản của tỉnh gửi trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước trong tỉnh đạt trên 90% (trừ văn bản mật).
Về cổng DVCQG, Lạng Sơn đã triển khai kết nối, tích hợp cổng DVC của tỉnh với cổng DVQG đối với các dịch vụ đổi giấy phép lái xe, thông báo hoạt động khuyến mại đồng thời đã tích hợp đồng bộ dữ liệu của 1.581 thủ tục hành chính trên cổng DVC và hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh với cổng DVCQG; cung cấp 1.744 DVC mức độ 2, 3, 4 trên cổng DVC của tỉnh.
Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ngành, địa phương đã trao đổi, làm rõ hơn kết quả, thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và hạn chế trong triển khai thực hiện 3 văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu: Các bộ cần ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện chế độ báo cáo đối với ngành mình quản lý. Các cơ quan, đơn vị phải xây dựng các báo cáo đảm bảo chất lượng và được chuẩn hóa về dữ liệu, số liệu.
Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính phối hợp hướng dẫn các địa phương về việc đầu tư thuê dịch vụ triển khai ứng dụng hệ thống cổng DVC; hệ thống thông tin, báo cáo và trục liên thông văn bản quốc gia.
Các bộ, ngành, địa phương tích cực đẩy mạnh ứng dụng DVCQG, hệ thống thông tin, báo cáo và xử lý văn bản điện tử trên môi trường mạng, không sử dụng trao đổi văn bản giấy đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, người dân và doanh nghiệp ứng dụng các hệ thống dịch vụ trên; tăng cường hiện đại hóa, cải cách hành chính để chung tay cùng Chính phủ triển thực hiện hiệu quả Chính phủ điện tử.
Ý kiến ()