Đánh giá 20 năm huy động và sử dụng ODA tại Việt Nam
Sáng 7-8, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội thảo “Đánh giá 20 năm huy động và sử dụng ODA tại Việt Nam”, tại TP Đà Nẵng.
Hội thảo tập trung đánh giá tác động, thực trạng, những khó khăn vướng mắc trong việc huy động, các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài và các nguồn vốn khác trong 20 năm qua; đưa ra những kiến nghị, đề xuất, giải pháp nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng hiệu quả vốn ODA tại Việt Nam, phục vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016-2020. Các ý kiến tham luận tại hội thảo thống nhất đánh giá: ODA là nguồn lực quan trọng để Việt Nam vượt qua khó khăn, khắc phục những bất ổn, yếu kém để đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế xã hội.
Nguồn vốn ODA tại Việt Nam được thực hiện dưới ba hình thức, gồm ODA viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 10-12%; ODA vay ưu đãi chiếm khoảng 80% và ODA hỗn hợp chiếm khoảng 8-10%. Đến cuối năm 2014, tổng giá trị vốn ODA cam kết cho Việt Nam đạt 89,5 tỷ USD, tổng vốn đã ký kết đạt 73,68 tỷ USD, trong đó đã giải ngân 53,89 tỷ USD, chiếm trên 73,2% tổng vốn ODA đã ký kết.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, đồng chí Vũ Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, Chính phủ Việt Nam liên tục đổi mới, hoàn thiện khung pháp lý và phương thức quản lý, sử dụng vốn ODA. Từ hoạch định chủ trương đến quá trình quản lý, sử dụng, giám sát và báo cáo kết quả thực hiện các chương trình, dự án ODA được Chính phủ quy định chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả cao nhất, hướng dòng vốn đến đúng địa chỉ, các chương trình, các dự án, các địa bàn và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu chỉ đạo hội thảo.
Hiệu quả sử dụng vốn ODA cũng được các nhà tài trợ đánh giá tích cực, Việt Nam tiếp tục là nước sử dụng nguồn vốn ODA tốt. Gần 90 tỷ USD mà các nhà tài trợ đã cam kết dành cho Việt Nam trong 20 năm qua đã mang đến cho Việt Nam nguồn vốn bổ sung quan trọng phục vụ quá trình phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực…
Nhờ đó, Việt Nam đã từ một nước nghèo đã vươn lên nhanh chóng, trở thành nước có thu nhập trung bình. Hệ thống hạ tầng về giao thông, điện, thủy lợi, y tế… có sự phát triển mạnh mẽ. Việt Nam đã hoàn thành nhiều mục tiêu thiên niên kỷ, trong đó có mục tiêu xóa 50% hộ nghèo trong cả nước.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư cho rằng: Việc huy động và sử dụng các nguồn vốn ODA trong những năm qua còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém, thậm chí là sai phạm, cả về phía khách quan của nhà tài trợ và chủ quan của đơn vị tiếp nhận, sử dụng vốn ODA.
Vì thế, thời gian tới, nguồn vốn ODA cần được sử dụng với sự điều chỉnh theo hướng phù hợp hơn. Trong đó, vốn ODA không hoàn lại dành cho các chương trình, dự án hỗ trợ chính sách, phát triển thể chế, tăng cường năng lực con người; hỗ trợ trực tiếp cải thiện đời sống kinh tế, xã hội, môi trường cho người dân, nhất là người nghèo ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc; nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; chuẩn bị chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi và các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Vốn vay ưu đãi sẽ được sử dụng để đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia, có nguồn thu và khả năng trả nợ chắc chắn như xây dựng các nhà máy điện, các tuyến đường cao tốc thu phí, tàu điện ngầm, đường sắt trên cao ở các thành phố lớn, hệ thống thông tin liên lạc viễn thông, các công trình sản xuất có hàm lượng công nghệ và kỹ thuật cao,…
Những đánh giá, kiến nghị, đề xuất của đại biểu tại hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để Đảng, Chính phủ xem xét, có sự điều chỉnh, thay đổi kịp thời, phù hợp, mang lại hiệu quả tốt hơn trong việc huy động và sử dụng nguồn ODA phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()