Đảng Xanh chiếm ưu thế, thị trưởng Paris tái đắc cử
Bà Anne Hidalgo, 61 tuổi, tái đắc cử Thị trưởng Paris. (Ảnh: AP)
Vòng 1 của cuộc bầu cử đã diễn ra vào ngày 15-3, với khoảng 47 triệu cử tri đủ tư cách đi bỏ phiếu, ở 30 nghìn địa phương của Pháp, thông thường vòng 2 sẽ diễn ra một tuần sau đó nhưng do đại dịch Covid-19 hoành hành nên chính phủ Pháp đã quyết định hoãn cuộc bầu cử đến ngày 28-6. Tỷ lệ cử tri tham gia tại vòng một chỉ đạt 45%, thấp hơn nhiều so con số 63% của cuộc bầu cử năm 2014.
Các địa điểm bỏ phiếu mở cửa vào 8 giờ sáng, đóng cửa lúc 18 giờ tại các thành phố, thị trấn nhỏ, các thành phố lớn đóng cửa muộn hơn hai giờ sau đó. Riêng vùng lãnh thổ hải ngoại Guyana, cuộc bỏ phiếu đã bị hoãn do các ca lây nhiễm Covid-19 vẫn ở mức cao.
Nhằm bảo đảm an toàn cho cuộc bầu cử, các biện pháp vệ sinh dịch tễ được tăng cường, cử tri đi bỏ phiếu được yêu cầu bắt buộc phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn 1m khi xếp hàng, rửa tay bằng dung dịch tiệt trùng và mang theo bút…
Theo Bộ Nội vụ Pháp, tính đến 17 giờ, tỷ lệ cử tri đi bầu thấp, chỉ đạt 34,67% so 38,8% ở vòng bầu cử thứ nhất diễn ra ngày 15-3 và thấp hơn nhiều so mức 52,4% cùng thời điểm diễn ra bầu cử địa phương năm 2014.
Sau khi có kết quả sơ bộ, đảng châu Âu Sinh thái-đảng Xanh (EELV) đã ăn mừng chiến thắng, các ứng của đảng này này dự kiến giành chiến thắng tại một số thành phố lớn như Bordeaux, Strasbourg, Lyon…
Đáng chú ý nhất là cuộc bầu cử Thị trưởng Paris giữa ba ứng cử viên nữ, theo hãng thăm dò Ipsos/Sopra Steria thực hiện cho kênh FranceTV và Radio France, thị trưởng sắp mãn nhiệm Anne Hidalgo, 61 tuổi, thuộc Đảng Xã hội (PS), được đảng EELV, ủng hộ đã giành được 48,7% số phiếu, chính thức được bầu lại làm Thị trưởng Paris nhiệm kỳ 2, xếp thứ 2 là bà Rachida Dati, Đảng Những người Cộng hòa (LR) giành được 33,8% số phiếu và bà Agnès Buzyn, Đảng cầm quyền Nền Cộng hòa Tiến bước (LREM) xếp thứ ba với 13,3%.
Tại thành phố cảng miền bắc Le Havre, đương kim Thủ tướng Edouard Philippe đã giành thắng lợi áp đảo với 58,83% số phiếu. Chiến thắng của ông Edouard Philippe có thể dẫn đến một cuộc cải tổ chính phủ, mặc dù hiến pháp của Pháp cho phép ông được bổ nhiệm người khác làm thị trưởng trong khi ông vẫn là Thủ tướng.
Theo nhận định của giới phân tích, đa số các ứng cử viên từ đảng LREM không thể vượt qua vòng bỏ phiếu đầu tiên ở các thành phố lớn, quan trọng như Paris và Marseille, Lyon… LREM là một đảng mới, được Tổng thống Emmanuel Macron thành lập một năm trước khi được bầu làm Tổng thống năm 2017, do đó, LREM chưa có nhiều cử tri lâu đời, trung thành tại các địa phương như các đảng Xã hội hay Những người Cộng hòa. Người phát ngôn của chính phủ Sibeth Ndiaye thừa nhận kết quả khiêm tốn của đảng LREM trong cuộc bầu cử, nhấn mạnh, việc tạo dựng được uy tín từ địa phương cần phải có thời gian.
Tại Bordeaux, ứng cử viên Đảng EELV Pierre Hurmic xếp thứ nhất với 46,2% phiếu bầu, xếp thứ hai là Nicolas Florian (LR) với 43,9%. Tại Lyon, ứng cử viên liên minh EELV-PS-PCF-LFI, Grégory Doucet dẫn đầu với hơn 50% số phiếu ủng hộ. Tại Marseille, ứng cử viên liên minh cánh tả Michèle Rubirola đã giành thắng lợi trước ứng cử viên đảng LR Martine với 40% số phiếu.
Tại Saint-Denis, ứng cử viên Mathieu Hanotin (PS) giành được 59,04% số phiếu. Tại thành phố Choisy-le-Roi, ứng cử viên Tonio Panetta (LR) dẫn đầu với 55,31% số phiếu.
Dù cuộc bầu cử địa phương không ảnh hưởng trực tiếp đến Tổng thống và chính phủ nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến uy tín đời sống chính trị tại Pháp sắp tới và được coi là một chỉ số chính trị quan trọng trước cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2022.
Ý kiến ()