Đắng vì cải ngọt, cải ngồng
LSO-Những năm gần đây biến đổi khí hậu đã tác động không nhỏ đến sinh hoạt, canh tác của người trồng rau. Năm nay do thời tiết nắng nóng vào dịp cận tết, rét hại sau tết đã làm cho rau đặc sản cải ngọt, cải ngồng giảm năng suất và người trồng rau ở các vùng rau đặc sản chỉ còn nước đứng nhìn thành quả lao động của mình cuốn theo thời tiết.
Nông dân xã Gia Cát, huyện Cao Lộc cắt bỏ cải ngồng |
Những cánh đồng hoa cải ngọt vàng như một bức tranh thiên nhiên hoành tráng trở thành cảm hứng sáng tác cho không ít văn nghệ sĩ. Thế nhưng sau cánh đồng rau ấy rất nhiều người trồng rau phải ngậm ngùi vì thành quả lao động của mình bị mất. Số là năm nay khi rau đặc sản như cải ngọt, cải ngồng bước vào vụ thu hoạch cũng đúng lúc thời tiết nắng nóng bất thường. Thế là chỉ trong 1 tuần, toàn bộ các cánh đồng trồng cải từ Tân Liên, Gia Cát, Nà Chuông, Phai Đeo, Phai Khẩu… đều vàng rực hoa. Mà hoa nở nghĩa là người nông dân không còn thu hoạch, họ đành chờ để nhổ cải làm vụ mới. Tần ngần trước ruộng cải ngọt đang nở hoa vàng rực, chị Dương Thị Ngoan, thôn Pắc Đông 2 xã Gia Cát, huyện Cao Lộc tâm sự: “Nhổ đi thì tiếc công sức lắm chú ạ, nhưng không nhổ cũng không xong. Năm nay chị và nhà cậu em trồng 4 sào để bán vào dịp tết. Thế nhưng trước tết 2 tuần do nắng nóng quá, cải nở hết, bán không kịp”. Nói rồi chị chấm chấm góc khăn vào mắt như không muốn nước mắt chảy ra.
Tính bình quân mỗi sào cải ngọt, cải ngồng người trồng rau phải đầu tư tầm 2 đến 3 triệu đồng, nếu đúng như dự kiến họ sẽ thu được 5 đến 6 triệu đồng. Cải ngọt chỉ có giá khi vừa lên ngồng, chưa có đài hoa, nếu thời tiết nóng chỉ sau 1 đến 2 ngày đài hoa sẽ mọc, và 1 ngày sau nó có thể nở bung, biến cả cánh đồng thành màu vàng, trắng. Khi đấy cải ngọt sẽ có vị đắng không còn dùng làm thực phẩm được. Với gia đình chị Ngoan, lỗ vốn tiền phân, tiền giống, công hàng chục triệu. Trong khi đó có những hộ đầu tư vài ha thì con số thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều. Hiện Lạng Sơn đang trở thành vùng trọng điểm rau của các tỉnh phía Bắc. Diện tích trồng rau hằng năm đạt trên 5.000 ha, năng suất đạt trên 108 tạ/1ha. Diện tích và năng suất rau không ngừng được tăng lên hằng năm khi trình độ canh tác, lựa chọn khung thời vụ của người trồng rau ngày càng được nâng cao. Thế nhưng do thời tiết biến động không thuận rau đặc sản trở thành nỗi lo canh cánh với người trồng rau.
Tâm sự với chúng tôi, chị Ngô Thị Lanh, Phó Chủ nhiệm hợp tác xã rau Nà Chuông, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn cho biết: thời tiết diễn biến thất thường làm người trồng rau rất lo. Trong khi đó bà con ở Lạng Sơn mới trồng rau theo cách học kinh nghiệm lẫn nhau, vì thế chưa có cách nào ứng phó với thời tiết. Ví như thời tiết nóng thì hãm cho cây chậm ra hoa, hoặc dự đoán được thời tiết trước vụ thì lùi thời vụ lại. Như thế sẽ ít gây thiệt hại cho người nông dân. Theo ước tính của những người trồng rau, vụ rau tết cả tỉnh có diện tích cải ngồng, cải ngọt lên đến gần 1.000 ha. Trong đó chiếm phần lớn là cải ngọt, vì cây cải ngọt đang được du khách rất ưa chuộng. Thế nhưng do thời tiết nắng nóng, cải ngọt, cải ngồng nở hoa nhanh khiến người làm rau không ứng phó kịp, thiệt hại lên tới cả tỷ đồng. Theo chị Dương Thị Ngoan, có hộ đầu tư cả nhà lưới, sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP thì mức độ thiệt hại còn lớn hơn: “Mà giống cải cũng lạ, thời tiết lạnh muốn nó lên đài hoa để nhìn đẹp cũng không được, nắng có vài ngày cả cánh đồng cải nở bung hết”- Chị Ngoan tâm sự.
Giờ đây nhìn những đồng cải ngọt nở vàng rực, chúng tôi mới hiểu và thông cảm với nỗi vất vả của người trồng rau đang khổ vì biến đổi khí hậu. Thế nhưng riêng người nông dân khó lòng mà ứng phó với biến đổi khí hậu. Lúc này cần nhất là nhà khoa học vào cuộc. Cụ thể là dự đoán đúng sự biến động về thời tiết trước vụ rau để khuyến cáo người dân có cách xử lý phù hợp. Thứ nữa là chế biến, bảo quản sau thu hoạch phải thật tốt, bởi nếu đáp ứng được bảo quản sau thu hoạch thì chắc chắn vụ rau tết sẽ đem lại niềm vui cho người trồng.
ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()