Đảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quy hoạch
Nhằm nâng cao chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp T.Ư luôn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ thuộc diện quy hoạch. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quy hoạch cấp ủy và cán bộ lãnh đạo quản lý được thực hiện liên thông, để cán bộ vừa am hiểu nghiệp vụ công tác đảng, vừa nâng cao trình độ chuyên môn.
* Nam Định gắn dạy nghề với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp
Theo đó, cán bộ quy hoạch Ban chấp hành Đảng bộ Khối, trưởng, phó các ban, đơn vị của cơ quan Đảng ủy Khối và cán bộ quy hoạch cấp ủy, lãnh đạo, quản lý các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, đơn vị trong Khối được đào tạo bằng các hình thức phù hợp để có trình độ cao cấp lý luận chính trị và trình độ đại học chuyên ngành; phấn đấu ít nhất 50% số cán bộ quy hoạch có trình độ trên đại học chuyên ngành phù hợp với chức danh quy hoạch. Việc đào tạo, bồi dưỡng được áp dụng nhiều hình thức, đào tạo ngắn hạn, dài hạn, trong nước, hoặc liên kết với nước ngoài,…
Hằng năm, các cấp ủy trực thuộc Đảng ủy Khối rà soát quy hoạch, xây dựng kế hoạch, bố trí cán bộ trong quy hoạch đi học; đồng thời đẩy mạnh luân chuyển, tạo điều kiện cho cán bộ quy hoạch trải qua các cương vị quản lý, môi trường công tác, nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn.
★Tỉnh Nam Định có kế hoạch đào tạo nghề cho gần 4.500 lao động nông thôn trong năm 2014 theo hướng gắn dạy nghề với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Trong đó có 3.000 lao động học nghề phi nông nghiệp và 1.470 lao động học nghề nông nghiệp, với tổng kinh phí chín tỷ đồng. Đối tượng dạy nghề là người trong độ tuổi lao động ở nông thôn thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công; hộ nghèo, cận nghèo; người tàn tật; hộ bị thu hồi ít nhất 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp; lao động nữ thành thị.
Tỉnh Nam Định thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp để định hướng chọn nghề cho người lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; phấn đấu 85% số lao động có việc làm sau học nghề.
Qua ba năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Nam Định đã tổ chức gần 900 lớp dạy nghề cho 24.477 lao động nông thôn. Trong đó, số lao động học nghề phi nông nghiệp là hơn 18.000 người, chiếm gần 74%; lao động học nghề nông nghiệp hơn 6.400 người. Hơn 85% số lao động sau học nghề phi nông nghiệp có việc làm ổn định, với thu nhập từ hai đến bốn triệu đồng/người/tháng.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()