Đang triển khai chụp 'lồng bàn' khổng lồ che Chernobyl
Mạng tin Euronews ngày 15/11 đưa tin công việc di chuyển và "chụp" một mái vòm bằng thép nặng 36.000 tấn lên lò phản ứng số 4 của Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl đang được triển khai.
Dự kiến, việc di chuyển khối thép khổng lồ này sẽ kéo dài 5 ngày. Giám đốc an toàn hạt nhân thuộc Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) Vince Novak cho biết đây là công việc vô cùng phức tạp với sự tham gia của Ukraine và nhiều nước trên thế giới trong nhiều năm qua. Chế tạo mái vòm thép này là một kỹ thuật phức tạp chưa từng có và nó được dựng lên tại khu vực bị nhiễm xạ. Đây là cấu trúc bằng thép có thể di chuyển lớn nhất trên Trái Đất.
Theo tính toán, còn khoảng 200 tấn urani trong lò phản ứng hạt nhân bị nổ 30 năm trước. Để ngăn cản chất phóng xạ rò rỉ và bay ra từ lò phản ứng số 4, người ta đã xây dựng mái vòm bằng bê tông bao quanh lò phản ứng này.
Đến năm 2010, lo ngại về mái vòm nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã quá cũ nát và có thể đổ sập bất kỳ lúc nào, Ukraine đã bắt tay vào xây dựng một mái vòm thép khác thay thế mái vòm cũ.
Số tiền chế tạo mái vòm thép này được hơn 40 quốc gia và Ngân hàng EBRD đóng góp. Ngoài ra, nhóm G7 và Hội đồng châu Âu (EC) sẽ đóng góp thêm khoảng 165 triệu USD. Mái vòm mới này được trang bị rất nhiều công nghệ hiện đại để bảo đảm rằng nếu có chuyện gì xảy ra với Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, mái vòm này đủ khả năng ngăn chặn các chất phóng xạ độc hại rò rỉ ra ngoài.
Mái vòm khổng lồ
Mái vòm mới bằng thép cho lò số 4 ở Chernobyl cao 105 m, dài 165 m, rộng 260 m và nặng 38.000 tấn, tức nặng hơn tháp Eiffel ở Paris khoảng 4 lần, cao hơn tượng Nữ thần Tự Do ở New York và có thể “đậy” được 4 máy bay Airbus A380, theo tờ Le Figaro.
Công trình bằng thép này dự kiến được sử dụng trong ít nhất 100 năm, có thể chống chịu điều kiện khắc nghiệt như nhiệt độ từ -43°C đến 45°C, gió bão với vận tốc 250-330 km/giờ và động đất đến 7 độ Richter.
Kích thước và trọng lượng khủng của mái vòm nhằm bảo đảm 2 mục tiêu cực kỳ quan trọng là trùm xung quanh vỏ bọc cũ để tiếp tục cô lập gần 200 tấn nhiên liệu phóng xạ của lò số 4, đồng thời tạo điều kiện an toàn để bắt đầu quá trình tháo dỡ, phá hủy lò này và dần đưa nhiên liệu phóng xạ đến khu vực lưu trữ an toàn.
Sau thảm họa hạt nhân, hơn 300.000 cư dân của Chernobyl phải di tản. Toàn bộ vùng bán kính 30 km xung quanh nơi xảy ra sự cố trở thành “vùng cấm”, không có người sinh sống.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()