Đằng sau việc Ukraine công bố kế hoạch chiếm lại Crimea
Ukraine mới đây đã công bố kế hoạch gồm 12 điểm phác thảo cách nước này sẽ tái sáp nhập Crimea nếu giành lại được vùng lãnh thổ này bằng quân sự. Trong kế hoạch này, Oleksiy Danilov, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine cho biết Crimea sẽ được đổi tên thành Mục tiêu 6.
Kế hoạch này cũng kêu gọi “phá hủy cây cầu qua eo biển Kerch nối Crimea với Nga, trục xuất tất cả công dân Nga định cư ở Crimea sau năm 2014 và vô hiệu hóa mọi giao dịch tài sản được thực hiện ở Crimea”.
Nói dễ hơn làm
Giới quan sát nhận định rằng, kế hoạch trên dường như không phải là một ưu tiên trước mắt trong chương trình nghị sự của Bộ Tổng tham mưu Ukraine, mà chủ yếu có mục đích chính trị trong nước.
Chuyên gia về các vấn đề an ninh của Nga và là một học giả tại Viện New Lines (Mỹ) Jeff Hawn cho rằng, kể từ khi cuộc tấn công của Nga vào Kiev thất bại và Ukraine đã thành công trong một số cuộc phản công đầu tiên, ý tưởng chiếm lại Crimea đã trở thành một phần không thể thiếu trong những tuyên bố chính thức của Ukraine.
Trong khi đó, theo chuyên gia về xung đột Nga-Ukraine tại Đại học Glasgow (Anh) Huseyn Aliyev, tất cả những điểm trong kế hoạch đặt ra cho vùng Donbass đều là những chính sách để Kiev trấn an dư luận bằng cách cho thấy họ nghiêm túc trong việc giành lại các vùng lãnh thổ đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết “mọi thứ bắt đầu với Crimea và sẽ kết thúc với nó” và tuyên bố: “Mục tiêu của chúng tôi là giải phóng tất cả các vùng lãnh thổ của chúng tôi và Crimea là lãnh thổ của chúng tôi”.
Chuyên gia về các vấn đề quân sự của Nga tại Đại học Bologna (Italy) Nicolo Fasola nhấn mạnh rằng, ông Volodymyr Zelensky đang cố gắng cho thấy quân đội Ukraine “muốn chiếm lại các vùng lãnh thổ mức nào, được củng cố bằng những thành công trên thực địa”.
Các nhà phân tích cũng cho rằng “việc chiếm lại Crimea nói dễ hơn làm”. Chuyên gia Nicolo Fasola nhận xét: “Trong tình hình hiện tại, quân đội Ukraine chỉ tấn công các vị trí không kiên cố. Nhưng Crimea sẽ hoàn toàn khác vì Nga đã củng cố toàn bộ hệ thống phòng thủ trong 8 năm qua”.
Trong khi đó, chuyên gia Jeff Hawn nói: “Ukraine sẽ cực kỳ khó tiếp cận Crimea mà không sử dụng tên lửa tầm xa để phá hủy một phần hệ thống phòng thủ của Nga. Nhưng có những lý do quan trọng khiến Mỹ không muốn gửi các tên lửa tầm xa (ATACM) có tầm bắn hơn 300km cho Kiev vì lo ngại rằng Ukraine sẽ sử dụng chúng để tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga, trong khi một tên lửa có nguồn gốc từ Mỹ tấn công lãnh thổ Nga có thể gây ra xung đột leo thang nghiêm trọng”.
Hơn nữa, trong bối cảnh phương Tây ngày càng lo ngại về việc cạn kiệt kho dự trữ của chính họ để hỗ trợ cho các lực lượng Ukraine, Washington cũng lo lắng rằng họ “không có đủ ATACM để có thể gửi chúng tới Ukraine”, ông Glen Grant, nhà phân tích cấp cao tại Quỹ An ninh Baltic nêu rõ.
Về phía Mỹ, Ngoại trưởng nước này Antony Blinken đã thể hiện sự hoài nghi về việc Ukraine chiếm lại Crimea, nói rằng Crimea là “lằn ranh đỏ” đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong khi nhấn mạnh rằng các quyết định về xung đột là của Ukraine, ông Antony Blinken nói với một ủy ban của Quốc hội Mỹ hồi tháng 3 rằng, Kiev có thể hướng đến việc sử dụng công cụ ngoại giao thay vì các cuộc tấn công quân sự để tìm cách lấy lại một số phần lãnh thổ của mình.
Thành trì kiên cố
Địa lý của khu vực Crimea gây ra những khó khăn lớn cho cả Ukraine và Nga. Crimea nối với lục địa Ukraine bằng eo đất Perekop – một dải đất hẹp, lầy lội, có chiều rộng nhất là 7km và do đó có thể cản trở cuộc tấn công. Nhưng vị trí gần mặt trận của Crimea cũng có thể gây khó cho Nga, cô lập lực lượng nước này và đặt họ vào tầm ngắm của vũ khí Ukraine.
Đặc điểm địa lý có thể là lợi thế phòng thủ tốt nhất của Crimea. Chỉ có hai con đường chính dẫn vào bán đảo này từ phía Bắc. Đường M17 ở phía Tây đã được tăng cường nghiêm ngặt và đường M18 ở phía Đông – con đường có một cây cầu và dễ bị phá hủy.
Trong khi đó, khu vực đầm phá Syvash lại hạn chế các hoạt động quân sự quy mô lớn và mũi đất Arabat ở phía Đông hầu như chỉ có những con đường không được trải nhựa. Khi giới chức Ukraine tuyên bố sẽ chiếm lại các vùng lãnh thổ, Nga đã chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp phòng thủ phức tạp, đặc biệt là ở Crimea.
Bán đảo này hiện là một trong những nơi được củng cố vững chắc nhất trong vùng chiến sự. Bên cạnh các chướng ngại vật được đặt dọc theo những con đường quan trọng nối Crimea với đất liền Ukraine, Nga cũng đã xây dựng các chiến hào dọc theo 32km bờ biển ở phía Tây Crimea, gần Vitino. Hình ảnh vệ tinh cho thấy pháo kéo đã được bổ sung trong cùng khu vực.
Cựu kỹ sư thuộc Lục quân Mỹ Steve Danner nhận định rằng, sẽ cần có thời gian, nỗ lực và thiết bị đáng kể để chọc thủng các công sự phía Bắc của Crimea. Theo ông, Nga chuẩn bị rất tốt các vị trí phòng thủ.
Trong khi đó, ông Michael Kofman, một nhà phân tích quân sự ở Virginia (Mỹ), cho rằng Ukraine khó có thể chiếm Crimea, nhưng có thể theo đuổi chiến lược làm tiêu hao bằng cách thiết lập kiểm soát hỏa lực đối với lối tiếp cận Crimea.
Ukraine đã thử nghiệm chiến lược này. Kể từ tháng 8/2022, hơn 70 cuộc tấn công đã xảy ra ở các địa điểm của Nga ở hoặc gần Crimea mà Nga cáo buộc lực lượng Ukraine hoặc những người liên quan thực hiện.
Nhiều cuộc không kích đã xảy ra, có cả các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Một số dường như là hành động của những kẻ phá hoại. Mặc dù Nga đã chặn được một số cuộc không kích, nhưng những cuộc không kích khác đã thành công và đôi khi gây ra hậu quả tàn khốc.
Vào tháng 8/2022, ít nhất 6 vụ nổ đã làm rung chuyển căn cứ không quân Saki gần bờ biển phía Tây Crimea. Các quan chức Nga cho rằng lực lượng đặc biệt Ukraine đã tiến hành vụ tấn công làm hư hỏng hoặc phá hủy ít nhất 8 máy bay quân sự.
Ukraine không thừa nhận trách nhiệm. Các cuộc tấn công cũng nhắm vào Dzhankoy, một thị trấn ở phía Bắc Crimea, là trung tâm hậu cần quan trọng cho các lực lượng Nga ở miền Nam Ukraine. Các vụ nổ làm rung chuyển thành phố vào ngày 20/3.
Sau đó, các vụ nổ được xác nhận là có liên quan đến một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhắm vào các tên lửa hành trình của Nga đang được vận chuyển bằng đường sắt. Có lẽ cuộc tấn công lớn nhất diễn ra vào ngày 8/10/2022, khi cầu Crimea bắc qua eo biển Kerch bị hư hỏng trong một vụ nổ. Cây cầu này đã được xây sau khi Nga sáp nhập Crimea.
Nguồn:https://cand.com.vn/Quoc-te/dang-sau-viec-ukraine-cong-bo-ke-hoach-chiem-lai-crimea-i689409/
Ý kiến ()