Đằng sau quyết định phóng thích tù nhân Palestine của Israel
Sự kiện Israel trả tự do cho các tù nhân Palestine đang thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Đằng sau quyết định này ẩn chứa vấn đề gì là điều mà giới quan sát đang dành sự quan tâm đặc biệt.
Sự kiện Israel trả tự do cho các tù nhân Palestine đang thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế. Đằng sau quyết định này ẩn chứa vấn đề gì là điều mà giới quan sát đang dành sự quan tâm đặc biệt.
Các tù nhân Palestine vui mừng đón chào tự do (ảnh AFP) |
Hôm qua (30/10), 26 tù nhân người Palestine được chính quyền Israel thả tự do theo một cam kết được ký kết giữa hai bên. Theo tin tức chính thức, việc Israel trả tự do các tù nhân Palestine là một phần trong thỏa thuận với Chính quyền Dân tộc Palestine do Mỹ làm trung gian. Theo đó Israel cam kết thả 104 tù nhân bị giam giữ từ trước thỏa thuận hòa bình Oslo mà hai bên ký kết năm 1993. Đổi lại Palestinengừng nỗ lực gia nhập các tổ chức quốc tế. Thỏa thuận này đạt được khi Israel và Palestine nhất trí nối lại tiến trình đàm phán hòa bình hồi tháng 7 vừa qua.
Tuy nhiên, dư luận Trung Đông và khu vực lại nhìn nhận vấn đề trên theo cách riêng mà xem ra không phải là không có lý. Tờ “Haarets”, nhật báo xuất bản tại Israel lại cho rằng, sở dĩ Israel trao trả tù nhân Palestine là nhằm giải quyết hai mối lo ngại hiện nay. Một là, chặn đứng làn sóng bạo lực đang diễn biến phức tạp ở Bờ Tây; hai là ngăn chặn sự sụp đổ tiến trình đàm phán hoà bình với Palestine.
Mặc dù, quyết định trả tự do cho các tù nhân Palestine không nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của chính nội các Israel nhưng Thủ tướng Benjamin Netanyahu không bận tâm lắm bằng việc ngăn các cuộc đàm phán hoà bình với Palestine sụp đổ và kiềm toả cuộc nổi dậy của người Palestine đang diễn ra vô cùng phức tạp và quyết liệt. Theo “Haarets”, trao trả tù nhân Palestine hiện đang bị giam giữ là một động thái khôn ngoan của ông Netanyahu để đảm bảo không có thêm một cuộc đối đầu với chính quyền Palestine.
Nếu các cuộc đàm phán hoà bình với Palestine không được khai thông trước khung thời hạn 9 tháng mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Barak Obama đặt ra, Palestine sẽ lại kích hoạt cuộc tấn công ngoại giao chống Israel. Con bài chủ chốt, đồng thời cũng là lợi điểm chính trị của Palestine là đấu tranh ngoại giao nên chính quyền của Tổng thống Abbat sẽ sử dụng mặt trận ngoại giao để gây sức ép với Israel trong trường hợp đàm phán hoà bình bị đổ vỡ. Thêm nữa, nếu đàm phán thất bại, phương Tây sẽ chẳng có lý gì để duy trì sức ép đối với Palestine, đồng nghĩa với việc đặt Israel và vị thế bất lợi trên trường quốc tế.
Chiến thuật, phóng thích 104 tù nhân theo 4 đợt, mỗi đợt cách nhau vài tháng như hiện nay sẽ là mẹo hay để ngăn chặn khả năng sụp đổ của tiến trình đàm phán hoà bình. Với cách này, ông Netanyahu sẽ có quỹ thời gian để xây dựng thêm các khu nhà tái định cư tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng mà không vấp phải sự chống đối quyết liệt từ phía người Palestine.
Các bộ trưởng trong nội các Israel thuộc hai đảng Habayit Hayehudi và Yisrael Beiteinu mặc dù phản đối quyết liệt quyết định trao trả tù nhân Palestine cũng hiểu rõ việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu định cư ở Bờ tây quan trọng hơn là ngăn cản việc phóng thích các tù nhân của phía đối địch. Dù thế nào thì cũng đã quá muộn để rút lại quyết định trên. Thủ tướng Netanyahu không thể vi phạm những gì đã cam kết đối với Palestine và nhất là đối với đồng minh chiến lược Wasington. Do đó, bất chấp sự phản đối xuất phát từ nội các hay từ dư luận Israel, chừng nào không xảy ra một cuộc tấn công khủng bố nghiêm trọng nào, chừng đó các tù nhân Palestine sẽ được trả tự do đúng hẹn.
Mặc dù cho đến nay, tiến trình đàm phán hoà bình giữa Israel và Palestine diễn ra chậm chạp nhưng để đảm bảo cho tiến trình đó tiếp tục diễn ra và ngăn chặn bạo lực tiếp tục leo thang, nhà bảo trợ cho tiến trình hoà bình Trung Đông là Mỹ đã thu xếp một khoản viện trợ riêng cho người Palestine. Chính quyền của Tổng thống Abbat sẽ nhận được thêm 600 triệu USD từ các nhà tài trợ do phía Mỹ bảo trợ. Khoảng 150 triệu USD sẽ đến từ Qatar, quốc gia vốn sẵn sàng đóng góp hầu hết các khoản viện trợ của họ cho chính phủ Hamas đối địch ở Dải Gaza. Lời kêu gọi của thủ lĩnh Hamas Ismail Hanyeh về việc tiến hành cuộc nổi dậy tổng lực hồi đầu tháng 10 năm nay là nhằm trực diện vào Bờ Tây chứ không phải Dải Gaza, nơi mà Hamas đang chịu sức ép nặng nề của Ai Cập và đang cố né các cuộc đụng độ với quân đội Israel.
Theo giới quan sát, Israel đang có lợi trong điểm này. Sự phối hợp an ninh và ngoại giao với Ai Cập và Gioocdan hiện đang mạnh hơn nhiều so với năm qua. Lực lương vũ trang Hồi giáo Hezbollah đang dính líu quá sâu vào cuộc nội chiến ở Syria nên khó có thể khởi xướng bất kỳ một hành động nào chống Israel vào thời điểm này. Do đó, Thủ tướng Israel đang ở lợi thế khá tốt để thúc đẩy giai đoạn hai của kế hoạch trả tự do cho tù nhân Palestine.
Việc câu giờ để ông Netanyahu hoàn thành nốt các mục tiêu chính đằng sau quyết định này mới là quan trọng.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()