Đằng sau kế hoạch tăng mạnh ngân sách quốc phòng của Thụy Điển
Chính phủ Thụy Điển vừa qua thông báo có kế hoạch chi 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng trong năm 2024.
Trang mạng Breaking Defense dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Thụy Điển cho rằng nước này đang phải đối mặt với “tình hình an ninh nghiêm trọng nhất” kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Điều đó đòi hỏi phải có lực lượng quân đội “đủ sức bảo vệ lãnh thổ Thụy Điển”. Trong dự thảo ngân sách năm 2024, Chính phủ Thụy Điển muốn dành tổng cộng hơn 119 tỷ krona (hơn 10,8 tỷ USD) cho quốc phòng trong năm 2024. Con số này tăng thêm 27 tỷ krona (tương đương mức tăng 28%) so với năm 2023. Cùng với đó, ngân sách quốc phòng của Thụy Điển trong các năm 2025 và 2026 dự kiến sẽ tiếp tục tăng thêm “vài tỷ krona”.
Chính phủ Thụy Điển cho biết trong năm 2024 có kế hoạch dành 88 triệu krona (hơn 8 triệu USD) cho một chương trình nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của quân đội nước này. Song song với đó là những khoản đầu tư cho Cơ quan nghiên cứu quốc phòng Thụy Điển liên quan tới “các công nghệ mới nổi và mang tính cách mạng”. Ngoài ra, Chính phủ Thụy Điển sẽ tiếp tục dành những khoản đầu tư lớn cho các sản phẩm quốc phòng, trong số này phải kể đến những hệ thống pháo, các máy bay vận tải chiến thuật, các tàu chiến mặt nước mới, đồng thời tiếp tục phát triển cũng như sản xuất chiến đấu cơ JAS 39E và tàu ngầm lớp Blekinge. Chính phủ Thụy Điển cũng xác định trong những năm tới, cần cải thiện năng lực bảo dưỡng vũ khí, trang bị kỹ thuật nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội.
Trang mạng Euractiv bình luận, bên cạnh lý do tái vũ trang quân đội, Thụy Điển tăng mạnh ngân sách quốc phòng còn nhằm xúc tiến việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trên thực tế, hồi tháng 5-2022, Thụy Điển cùng với Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO, từ bỏ các chính sách không liên minh quân sự kéo dài hàng thập niên sau khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra. “Ngân sách quốc phòng năm 2024 của Thụy Điển sẽ tăng gấp đôi kể từ năm 2020 (hơn 59,8 tỷ krona) và Thụy Điển sẽ chi 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2024 theo mục tiêu của NATO. Thụy Điển sẽ là một thành viên đáng tin cậy và trung thành của NATO. Và như vậy, Thụy Điển sẽ tham gia các sáng kiến, hoạt động và chiến dịch lớn trong khuôn khổ các biện pháp răn đe và phòng thủ của NATO. Ngân sách của Chính phủ cho phép quân đội Thụy Điển lên kế hoạch cho các hoạt động liên quan tới những biện pháp răn đe và phòng thủ của NATO”, Bộ Quốc phòng Thụy Điển khẳng định.
Binh lính Thụy Điển tham gia một cuộc huấn luyện. Ảnh: Breaking Defense |
Mục tiêu của NATO mà Bộ Quốc phòng Thụy Điển đề cập chính là mục tiêu mỗi năm chi 2% GDP cho quốc phòng, nhằm bảo đảm khả năng sẵn sàng chiến đấu của liên minh quân sự được các nước thành viên NATO nhất trí hồi năm 2006. Tới năm 2014, NATO nhất trí rằng tất cả nước thành viên cùng đạt mục tiêu này vào năm 2024. Trong bối cảnh chỉ một số ít nước thành viên đạt mục tiêu (dự kiến trong năm 2023 là 11 nước, gồm Mỹ, Anh, Ba Lan, Hy Lạp, Estonia, Litva, Phần Lan, Romania, Hungary, Latvia và Slovakia), Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Litva hồi tháng 7-2023 đã khẳng định “cam kết lâu dài” chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng mỗi năm.
Sau khi kế hoạch chi tiêu quốc phòng mới nhất được công bố, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pål Jonson nhấn mạnh, Stockholm mong muốn gia nhập NATO “sớm nhất có thể”. Theo quy định, việc kết nạp thành viên mới yêu cầu sự đồng thuận của tất cả nước thành viên NATO. Mặc dù Phần Lan đã trở thành thành viên thứ 31 của NATO vào tháng 4-2023 nhưng Thụy Điển cho đến nay vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary để được kết nạp vào liên minh quân sự lớn nhất hành tinh. Thụy Điển bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc không hành động đủ quyết liệt để chống lại các đối tượng mà Ankara coi là những kẻ khủng bố. Trong khi đó, Hungary nhiều lần bày tỏ quan ngại trước việc một số chính khách Thụy Điển có những cáo buộc “thiên vị và thiếu công bằng” chống lại Budapest. “Việc kết nạp một thành viên mới trong khi quốc gia đó đang căng thẳng chính trị với các thành viên hiện tại của NATO sẽ kéo theo những rủi ro. Những rủi ro này cần phải được giải quyết trước tiên”, trang mạng Euronews mới đây bình luận.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/dang-sau-ke-hoach-tang-manh-ngan-sach-quoc-phong-cua-thuy-dien-747016
Ý kiến ()