Đằng sau gói viện trợ quân sự 1,6 tỷ USD cho Ukraine của Thủ tướng Anh Boris Johnson
Ngày 7-5, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố gói viện trợ quân sự tiếp theo cho Ukraine trị giá 1,3 tỷ bảng Anh (1,6 tỷ USD). Đây là khoản chi lớn nhất của Chính phủ Anh đối với một cuộc xung đột quân sự kể từ các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.
Thủ tướng Johnson là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất nỗ lực của Ukraine trong cuộc chiến chống lại các lực lượng vũ trang Nga kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24-2. Nước Anh đã nhiều lần gửi tên lửa chống tăng, hệ thống phòng không và các loại vũ khí quân sự khác tới Ukraine.
Gần nhất, ngày 3-5, Thủ tướng Anh tuyên bố khoản viện trợ quân sự trị giá 300 triệu bảng Anh (376 triệu USD) cho quốc gia Đông Âu này, bao gồm các thiết bị tác chiến điện tử, một hệ thống radar, thiết bị gây nhiễu hệ thống định vị toàn cầu GPS và hàng nghìn thiết bị hỗ trợ nhìn trong đêm.
Xe bọc thép CVR (T) của Anh. Ảnh: Wikimedia |
Trước đó, Anh đã công bố kế hoạch gửi tới Ukraine các loại xe bọc thép cùng các loại tên lửa chống tăng, hệ thống phòng không và hàng tấn thuốc nổ.
Tuy nhiên, gói viện trợ quân sự trị giá 1,3 tỷ bảng Anh lần này cao gần gấp đôi các cam kết chi tiêu trước đây của Anh đối với Ukraine. Lý do, theo như tuyên bố của Thủ tướng Johnson, là để hỗ trợ nhiều nhất có thể cho Kiev trong cuộc chiến chống lại Moscow, bởi “cuộc tấn công của Tổng thống Putin không chỉ gây ra sự tàn phá ở Ukraine-nó còn đe dọa hòa bình và an ninh trên toàn châu Âu”.
Gói viện trợ bổ sung cho Ukraine này sẽ rút ra từ một khoản dự trữ được Chính phủ Anh sử dụng cho các trường hợp khẩn cấp. Bên cạnh đó, Anh cũng sẽ tổ chức một cuộc họp với các công ty sản xuất vũ khí hàng đầu vào cuối tháng này để thảo luận về việc tăng sản lượng nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng do cuộc chiến ở Ukraine.
Mặc dù đã cung cấp cho Ukraine một số khoản viện trợ quân sự đáng kể, nhưng cho đến nay Anh mới chỉ chấp nhận tương đối ít trong số hơn 5,7 triệu người tị nạn Ukraine. Theo số liệu từ Chính phủ Anh, họ mới cấp hơn 86.000 thị thực cho người Ukraine, trong đó khoảng 27.000 người đã đến Anh.
Tất nhiên, trước những khoản viện trợ “nồng hậu” của London, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần ca ngợi nhà lãnh đạo Anh là “một tấm gương” cho các nhà lãnh đạo châu Âu khác. Ngược lại, Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov từng tuyên bố Thủ tướng Anh “là người tham gia tích cực nhất trong cuộc chạy đua chống lại Nga” và thẳng thừng cảnh báo rằng đó là một “ngõ cụt trong chính sách đối ngoại của nước Anh”.
Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev, Ukraine ngày 9-4. Ảnh: Reuters |
Thời gian gần đây, Thủ tướng Johnson bị bủa vây bởi một loạt vụ bê bối. Trong thời gian hoạt động chính trị, Thủ tướng Johnson được cho là đã góp phần tạo điều kiện cho các nhà tài phiệt Nga lựa chọn nước Anh như một điểm đến an toàn. Thủ đô London của nước Anh lâu nay tràn ngập những khu dân cư giàu có mà chủ nhân của chúng, không ai khác, là giới tài phiệt nước ngoài, trong đó có không ít doanh nhân người Nga.
Những nỗ lực của chính quyền Thủ tướng Johnson trong việc chấm dứt vai trò của London như là một chốn “rửa tiền bẩn” cho giới tài phiệt nước ngoài đến nay được nhiều chuyên gia đánh giá là nhạt nhòa, kém ấn tượng.
Cũng chỉ vài tháng trước, vai trò của Thủ tướng Anh trên chính trường thế giới khá mờ nhạt. Thậm chí, chiếc ghế thủ tướng của ông từng có nguy cơ lung lay sau vụ Partygate (bê bối về các bữa tiệc do nhân viên văn phòng Thủ tướng tổ chức giữa lúc London đang phong tỏa vì đại dịch Covid-19), khiến chính các thành viên trong đảng cầm quyền còn cho rằng đã đến lúc ông nên từ chức.
Tháng 5 này diễn ra nhiều cuộc bầu cử địa phương quan trọng ở Anh. Thất bại trong các cuộc bầu cử địa phương có thể khiến các nghị sĩ Đảng Bảo thủ kêu gọi một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm về vị trí lãnh đạo của Thủ tướng Johnson. Bên cạnh đó, chính quyền Thủ tướng Johnson còn đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên minh nội tại, bao gồm cuộc bầu cử Quốc hội Bắc Ireland trong tháng 5 và cuộc trưng cầu dân ý về độc lập lần thứ hai của Scotland vào năm tới.
Động thái viện trợ quân sự cho Ukraine và trừng phạt các nhà tài phiệt Nga, ở góc độ nào đó, có thể giúp đảng cầm quyền của Thủ tướng Johnson lấy lại được cảm tình của cử tri. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát ở Anh đang tăng cao kỷ lục, cùng với việc nước này thực hiện kế hoạch loại bỏ dần việc nhập khẩu năng lượng của Nga có thể đưa nền kinh tế Anh lâm vào một giai đoạn khó khăn hơn. Và dĩ nhiên người dân Anh không hoan nghênh tình cảnh này.
Sau “cuộc ly hôn lộn xộn” với Liên minh châu Âu mang tên Brexit, Thủ tướng Johnson đang nỗ lực xây dựng lại hình ảnh của mình trong mắt người dân xứ sở sương mù, cũng như thực hiện tham vọng lấy lại ảnh hưởng của nước Anh trên trường quốc tế với vai trò là cầu nối giữa Mỹ và EU. Liệu ông có thành công? Câu hỏi đó tới giờ vẫn còn đang để ngỏ.
Ý kiến ()