Đằng sau cú “lội ngược dòng” của du lịch Phú Quốc
Thời điểm này năm ngoái, du lịch Phú Quốc liên tục bị dư luận báo động về tình trạng nhếch nhác, lộn xộn và ảm đạm… Nhưng chỉ một năm sau, thành phố biển đảo đã có cú “lội ngược dòng” ngoạn mục với vinh dự được xếp hạng đẹp thứ hai thế giới (theo bình chọn của tờ Travel & Leisure) cùng sự tăng trưởng mạnh về lượng khách. Để có cái nhìn toàn diện hơn, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam.
Năm 2024 ghi nhận sự phát triển triển đột phá của du lịch Phú Quốc
Phóng viên: Là người theo dõi sát hoạt động của du lịch Phú Quốc thời gian qua, ông đánh giá thế nào về sự đổi thay ngoạn mục của hòn đảo này? Và theo ông, lý do gì khiến Phú Quốc có thể đạt được những dấu ấn đáng kể chỉ trong thời gian ngắn?
Ông Cao Trí Dũng: Năm 2024 đã ghi nhận sự phát triển triển đột phá của du lịch Phú Quốc. Để có được kết quả này là sự hợp lực của nhiều nhân tố. Trong đó, không thể không nói đến sức hấp dẫn đặc biệt của của hệ thống tài nguyên tự nhiên Phú Quốc mà hiếm nơi nào ở nước ta có được. Thiên nhiên nơi đây luôn trong lành và biển thì đẹp quanh năm.
Bên cạnh đó, đảo Ngọc còn sở hữu hệ thống cơ sở dịch vụ du lịch hoàn chỉnh, cao cấp, hiện đại, với nhiều cơ sở lưu trú, tổ hợp vui chơi giải trí có mức đầu tư nhiều nghìn tỷ đồng trải dài từ bắc đến nam đảo, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Thêm nữa, Phú Quốc vẫn đang được coi là điểm đến mới nổi nên trở thành “điểm rơi” khá tốt của nhiều nguồn khách thời gian qua, và thời gian tới cũng sẽ tiếp tục là lựa chọn của các thị trường khách đến từ Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu, châu Úc, Mỹ, Nam Á.
Làm nên bước tăng trưởng nhảy vọt của du lịch Phú Quốc, cũng cần nói đến sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc chỉnh trang đô thị, quản lý điểm đến, tạo môi trường an ninh, an toàn, thân thiện, mến khách, góp phần gia tăng sức hấp dẫn cho Phú Quốc. Gần đây, các công trình xử lý rác, nước thải, cấp nước sạch cũng bắt đầu được thành phố triển khai, góp phần đưa môi trường du lịch Phú Quốc trở nên xanh hơn, sạch hơn.
Ngoài ra, cần nhấn mạnh thêm cơ chế đặc thù với Phú Quốc như chính sách đặc biệt về visa (người nước ngoài và người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại đảo Phú Quốc được miễn thị thực, với thời hạn tạm trú lên đến 30 ngày) đã giúp tăng cường năng lực cạnh tranh của Phú Quốc so với những điểm đến khác của Việt Nam và khu vực. Đây là yếu tố đã được Phú Quốc khai thác và tận dụng rất thành công để tạo sự đột phá về lượng khách trong năm 2024.
Phóng viên: Vậy theo ông, với những điều kiện và bước tiến ở thời điểm hiện tại, liệu Phú Quốc đã đủ sức sánh vai cạnh tranh với những điểm đến biển đảo nổi tiếng trong khu vực như Phuket (Thái Lan) hay Bali (Indonesia) hay chưa và tại sao?
Ông Cao Trí Dũng: Mặc dù Phú Quốc đã có sự phát triển ngoạn mục thời gian qua, nhưng để nói đã ngang tầm với các điểm đến trong khu vực như Phuket hay Bali thì vẫn còn cần thêm thời gian. Phú Quốc cần có thêm những định hướng mới và lớn về sản phẩm.
Cùng với sản phẩm du lịch biển, còn cần có những sản phẩm liên quan văn hóa bản địa, vui chơi giải trí, hệ sinh thái về tổ chức sự kiện, cùng các sản phẩm có khả năng đáp ứng nhu cầu chuyên biệt hơn của du khách về ẩm thực, sinh thái, mua sắm…
Đặc biệt, Phú Quốc cần có sự phát triển đồng bộ về cả hệ thống sản phẩm và hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dịch vụ, quy hoạch đô thị để hướng đến phát triển bền vững dựa trên nội lực của điểm đến và các ngành hỗ trợ. Như vậy mới có thể hy vọng trong tương lai gần, đảo Ngọc của Việt Nam có thể sánh vai với các trung tâm du lịch biển như Phuket, Bali.
Phóng viên: Theo ông, Phú Quốc cần thêm những yếu tố gì để có thể trở thành đô thị biển đảo theo Đồ án quy hoạch chung thành phố Phú Quốc đến năm 2040?
Ông Cao Trí Dũng: Đồ án quy hoạch chung thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040 được phê duyệt trên cơ sở đã nhận được sự góp ý từ nhiều chuyên gia, nhà khoa học và các bên liên quan, nên đây có thể xem là “chìa khóa”, “kim chỉ nam” của du lịch Phú Quốc.
Do đó, tôi cho rằng điều quan trọng nhất là Phú Quốc cần tuân thủ tuyệt đối theo đồ án quy hoạch đã phê duyệt, hướng dẫn các nhà đầu tư, cộng đồng dân cư cùng thực hiện để có được một Phú Quốc ngăn nắp, sạch đẹp, phù hợp các yêu cầu phát triển về tăng trưởng bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm cuộc sống cho người dân địa phương và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Phóng viên: Thưa ông, thời gian qua, Phú Quốc đã chứng tỏ được sức “nóng” với nhiều nhà đầu tư. Chỉ riêng lĩnh vực du lịch, tính đến nay đã có tới 274 dự án, với tổng vốn đầu tư lên đến 388.410 tỷ đồng. Nhiều dự án lớn như bệnh viện Mặt trời Phú Quốc - Sun Serenia Hospital vừa khởi công tháng 11, hay tháng 12 là Tòa tháp Khát vọng-Aspira, chưa kể kế hoạch đổ bộ của những thương hiệu khách sạn lớn toàn cầu… đang tiếp tục chứng minh khả năng thu hút đầu tư của Phú Quốc. Ông đánh giá như nào sự phát triển vượt bậc này của du lịch “đảo Ngọc”?
Ông Cao Trí Dũng: Để có sự phát triển vượt bậc của Phú Quốc thời gian qua, nhất là trong năm 2024, phải khẳng định vai trò vô cùng lớn và quan trọng của các nhà đầu tư chiến lược đối với điểm đến Phú Quốc. Họ đã đầu tư nguồn lực khổng lồ để làm thay đổi diện mạo điểm đến theo hướng đưa Phú Quốc trở thành trung tâm nghỉ dưỡng biển đẳng cấp.
Không chỉ dẫn dắt hệ sinh thái sản phẩm mang tính điểm nhấn cho Phú Quốc, các nhà đầu tư chiến lược còn đang khẳng định vai trò dẫn dắt trong các hoạt động xúc tiến lớn cho du lịch Phú Quốc, trên cơ sở xác định chính xác nguồn khách trong ngắn hạn và dài hạn, triển khai hoạt động truyền thông quảng bá và trực tiếp bỏ ra nguồn lực lớn để xúc tiến du lịch, giúp thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với Phú Quốc.
Đặc biệt, thời gian gần đây, các nhà đầu tư đã nỗ lực rất lớn để Phú Quốc có được những sản phẩm công nghiệp văn hóa hút khách, nhất là với việc liên tục cho ra mắt những show diễn đẳng cấp quốc tế như “Nụ hôn của biển cả” hay “Bản giao hưởng đại dương”…, góp phần khiến du lịch Phú Quốc luôn được “thắp sáng” về đêm.
Để có sự phát triển vượt bậc của Phú Quốc thời gian qua, nhất là trong năm 2024, phải khẳng định vai trò vô cùng lớn và quan trọng của các nhà đầu tư chiến lược đối với điểm đến Phú Quốc. Họ đã đầu tư nguồn lực khổng lồ để làm thay đổi diện mạo điểm đến theo hướng đưa Phú Quốc trở thành trung tâm nghỉ dưỡng biển đẳng cấp.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam
Đảo Ngọc cần đầu tư cho các sản phẩm du lịch văn hóa bản địa
Phóng viên: Theo ông, Phú Quốc có thể học hỏi kinh nghiệm gì từ các điểm đến biển đảo của khu vực và thế giới để có thể trở thành một “hub” du lịch của châu Á?
Ông Cao Trí Dũng: Với biển đẹp, rừng đẹp, hạ tầng ngày càng được hoàn thiện và những khu phức hợp giải trí đẳng cấp, Phú Quốc đã có sẵn những sản phẩm nổi bật gắn với thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên. Nhưng thứ mà Phú Quốc còn thiếu là những sản phẩm đặc trưng mang màu sắc văn hóa bản địa, trong khi đây là thứ đang được Bali, Phuket khai thác rất tốt, cũng là yếu tố khiến du khách muốn ở lại điểm đến lâu hơn.
Xu hướng của khách du lịch hiện nay là hướng đến những trải nghiệm chuyên sâu, có tính cá nhân hóa cao, nên Phú Quốc phải tìm cách để có những sản phẩm giúp gia tăng giá trị trải nghiệm cho du khách.
Và muốn thế, phải có sự đầu tư cho các sản phẩm du lịch văn hóa mang bản sắc địa phương, trên cơ sở có sự định hướng của chính quyền, sự tham gia của công tác quản lý nhà nước và đặc biệt là sự vào cuộc, hưởng ứng của cộng đồng địa phương.
Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng Phú Quốc vẫn cần có thêm những cơ chế mới vượt trội hơn để có thể phát triển xứng tầm với tiềm năng hiện có và đủ sức cạnh tranh với các điểm đến tầm cỡ trong khu vực. Quan điểm của ông về vấn đề này như nào?
Ông Cao Trí Dũng: Phú Quốc trong nhiều năm vừa qua đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và địa phương. Tôi đánh giá cơ chế hiện nay đã đủ để tạo lợi thế cạnh tranh rõ nét cho Phú Quốc so với các điểm đến du lịch biển khác.
Yếu tố này kết hợp các nguồn lực tài nguyên như hệ thống hạ tầng, dịch vụ, sự quyết tâm của các nhà đầu tư sẽ sớm đưa Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch biển của khu vực. Và nếu có thể mở rộng thêm mạng lưới giao thông ở Phú Quốc thì theo tôi sẽ tạo bệ đỡ, bệ phóng lớn hơn nhiều cho du lịch đảo Ngọc thời gian tới.
Thêm một điều Phú Quốc cần quan tâm là vấn đề nguồn nhân lực. Theo tôi, Phú Quốc đang không có lợi thế cạnh tranh về nguồn nhân lực tại chỗ so với các các điểm đến khác, vì lao động lành nghề, lao động có chuyên môn cao hầu như đều từ nơi khác tới. Điều này có khả năng gây bất lợi cho sự phát triển bền vững của du lịch đảo Ngọc.
Vì thế, tôi đề xuất cần có một trung tâm đào tạo nghề du lịch tại Phú Quốc để nâng cao kỹ năng nghề du lịch cho người dân địa phương, từ đó tạo sinh kế cho người dân từ những công việc đại trà nhất cho đến những công việc đòi hỏi chuyên môn sâu liên quan đến du lịch.
Với những việc cần đào tạo chuyên sâu, phải có sự tính toán hợp lý, có thể kết hợp với các cơ sở đào tạo uy tín tại Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Bên cạnh nguồn nhân lực tại Phú Quốc, cũng có thể hướng tới nguồn nhân lực tại các địa phương lân cận có khả năng tiếp cận điểm đến dễ dàng như Rạch Giá (Kiên Giang), Bạc Liêu… Giải bài toán nhân lực này cần phải có chiến lược dài hơi và đồng bộ.
Phóng viên: Từ cú “lội ngược dòng” của du lịch Phú Quốc trong năm qua, theo ông, có thể rút ra bài học kinh nghiệm gì đối với sự phát triển du lịch của các điểm đến?
Ông Cao Trí Dũng: Từ sự tăng trưởng vượt bậc của du lịch Phú Quốc trong năm 2024, chúng ta có thể rút ra bài học kinh nghiệm cho nhiều điểm đến, đó là phải có sự chung tay góp sức của nhiều thành phần, từ sự “vào cuộc” quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo địa phương cho tới sự đồng lòng quyết tâm của cộng đồng dân cư, cộng đồng doanh nghiệp.
Trên cơ sở xác định được sự khác biệt, lợi thế rõ nét tạo nên năng lực cạnh tranh của điểm đến về tài nguyên du lịch, phải có cơ chế để thu hút các nhà đầu tư và có được sự phối hợp của cộng đồng dân cư, liên tục tạo ra những sản phẩm mới, có dấu ấn đặc sắc để phục vụ du khách...
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo số liệu từ Sở Du lịch Kiên Giang, năm 2024, Phú Quốc ước đón khoảng 6 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đạt 1 triệu lượt, vượt đỉnh năm 2019, tăng 73,4% so với cùng kỳ năm 2023, và vượt khoảng 44% kế hoạch năm. Hiện nay có hơn 20 hãng hàng không khai thác chuyến bay đến Phú Quốc theo cả hình thức thường lệ hoặc thuê chuyến (charter), với hơn 150 chuyến bay/tuần đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Mỗi ngày trong tháng 12, Phú Quốc đón 27-28 chuyến bay quốc tế, nhiều gấp đôi so với các tháng đầu năm nay và tạo cách biệt lớn nếu so với cùng kỳ năm 2023, thời điểm mỗi ngày hòn đảo chỉ đón 2-5 chuyến bay quốc tế. Thống kê của nền tảng đặt phòng trực tuyến Booking.com cũng cho thấy, Phú Quốc nằm trong top 3 điểm đến được khách Việt tìm kiếm nhiều nhất cho kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025. Những tín hiệu này tiếp tục hứa hẹn nhiều triển vọng đột phá cho du lịch Phú Quốc thời gian tới. |
Ý kiến ()