Quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng ta luôn khẳng định, việc bảo đảm quyền con người là một mục tiêu, động lực của cách mạng, là trách nhiệm lớn của Đảng và Nhà nước ta. Trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập, Đảng ta chủ trương "Chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia"(1).Trong xã hội ta, quyền con người của tất cả mọi người đều được tôn trọng và bảo đảm, không phân biệt giai cấp, tầng lớp nào, quá khứ của họ ra sao. Bảo đảm quyền con người ở Việt Nam nằm trong mục tiêu xây dựng xã hội "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nướcỞ Việt Nam quyền con người gắn với quyền dân tộc và chủ quyền quốc gia. Muốn hiện thực hóa được các quyền con người phải có các tiền đề, điều kiện nhất định. Điều kiện trước hết là đất nước phải được độc lập, chủ quyền quốc gia...
Quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng ta luôn khẳng định, việc bảo đảm quyền con người là một mục tiêu, động lực của cách mạng, là trách nhiệm lớn của Đảng và Nhà nước ta. Trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập, Đảng ta chủ trương “Chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia”(1).
Trong xã hội ta, quyền con người của tất cả mọi người đều được tôn trọng và bảo đảm, không phân biệt giai cấp, tầng lớp nào, quá khứ của họ ra sao. Bảo đảm quyền con người ở Việt Nam nằm trong mục tiêu xây dựng xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước
Ở Việt Nam quyền con người gắn với quyền dân tộc và chủ quyền quốc gia. Muốn hiện thực hóa được các quyền con người phải có các tiền đề, điều kiện nhất định. Điều kiện trước hết là đất nước phải được độc lập, chủ quyền quốc gia phải được tôn trọng. Thực tiễn lịch sử Việt Nam và nhiều nước vừa trải qua đấu tranh giành độc lập đã chứng minh, đất nước bị nô lệ thì người dân không thể có tự do, các quyền con người bị chà đạp nghiêm trọng. Vì vậy, các dân tộc bị áp bức đã không nề hy sinh, mất mát để giành và giữ nền độc lập. Và quyền dân tộc tự quyết đã trở thành một bộ phận không thể thiếu của nhân quyền. Nói cách khác, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia là điều kiện tiên quyết để bảo đảm quyền con người. Không có độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, không thể nói đến các quyền con người.
Bảo đảm quyền con người trước hết và chủ yếu thuộc trách nhiệm của mỗi quốc gia. Trách nhiệm pháp lý này đã được Liên hợp quốc quy định trong các văn kiện nhân quyền quốc tế. Mặt khác, chính Hiến chương Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh “Không quốc gia nào, kể cả Liên hợp quốc, có quyền can thiệp vào công việc thực chất thuộc thẩm quyền quốc gia”.
Ngày nay, quyền con người đã được quốc tế hóa về nhiều mặt, nhưng việc bảo đảm quyền con người chủ yếu vẫn thuộc thẩm quyền của các quốc gia. Sự hợp tác quốc tế trên lĩnh vực nhân quyền là rất quan trọng, vì đã bổ sung thêm nguồn lực và kinh nghiệm trong việc bảo đảm quyền con người. Tuy nhiên, các cơ chế nhân quyền quốc tế chỉ nhằm bổ sung chứ không thể thay thế các cơ chế đang vận hành tại các quốc gia. Đối với việc bảo đảm các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, trách nhiệm của quốc gia càng rõ – không có bất cứ một quốc gia hay tổ chức quốc tế nào có thể đảm đương được việc bảo đảm các quyền này thay cho các nhà nước. Đây là những nguyên tắc cần được nhận thức đầy đủ; không được mơ hồ, phân vân.
Độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia là đòi hỏi hàng đầu trong việc bảo đảm và thực thi nhân quyền, nhưng điều có ý nghĩa cực kỳ quan trọng là nhà nước phải sử dụng các điều kiện này để đem lại cuộc sống hạnh phúc cho mọi thành viên của đất nước. Giành độc lập cho Tổ quốc là một trong những mục tiêu lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng vừa đạt được mục tiêu này Người đã chỉ rõ, nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Điều này thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa quyền con người với quyền dân tộc tự quyết và trở thành định hướng chính trị quan trọng trong mọi hoạt động bảo vệ quyền con người.
Quyền con người được pháp luật bảo vệ, gắn liền trách nhiệm, nghĩa vụ công dân. Thực tiễn Việt Nam và thế giới cho thấy, bảo đảm bằng pháp luật là một trong những điều kiện quan trọng nhất để các quyền con người được thực hiện. Mọi nhu cầu hay yêu sách về quyền nếu không được pháp luật ghi nhận và bảo vệ thì không thể có bất cứ một quyền con người nào.
Trong phạm vi quốc gia, pháp luật bảo vệ quyền con người thể hiện ở việc ghi nhận các quyền trong pháp luật, hoàn thiện các thiết chế, bộ máy… nhằm bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền con người. Mặc dù luôn nhấn mạnh “quyền bẩm sinh”, nhưng ngày nay, ở mọi quốc gia, quyền con người đều được ghi nhận và bảo vệ bằng các hình thức pháp luật khác nhau.
Hiện nay đang xuất hiện một số những đòi hỏi cực đoan, rằng nhà nước phải để người dân được tự do bày tỏ quan điểm chính trị, tự do lập hội, hội họp, biểu tình, tự do ra báo tư nhân, nhà xuất bản tư nhân, tự do hoạt động tôn giáo… Nhiều người đã ráo riết tuyên truyền và hoạt động bất chấp những quy định của pháp luật hiện hành. Thậm chí họ cũng không hiểu hoặc cố tình không hiểu rằng, chính Luật Nhân quyền quốc tế cũng ghi rõ một số quyền có thể bị hạn chế vì an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe cộng đồng và tự do của người khác.
Trong thời kỳ đổi mới, Nhà nước ta luôn coi trọng việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật; củng cố các cơ quan tư pháp và cơ chế nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân.
Phương Tây luôn nhấn mạnh quyền mà không nói đến nghĩa vụ cá nhân. Quan điểm này đã ảnh hưởng mạnh vào Việt Nam. Thậm chí đến nay, trong giới nghiên cứu lý luận nhân quyền ở nước ta, cũng có nhiều người cho rằng, nói đến nhân quyền là nói đến nghĩa vụ của nhà nước, không thể đòi hỏi nghĩa vụ cá nhân ở đây (?!). Điều này đã gây nhận thức mơ hồ trong xã hội về trách nhiệm cá nhân khi hưởng thụ quyền.
Bàn về vấn đề này, Các Mác từng viết: “Không có quyền lợi nào mà không có nghĩa vụ, không có nghĩa vụ nào mà không có quyền lợi”(2). Trên thực tế, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người cũng ghi nhận: “Mỗi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng mà chính trong đó nhân cách của bản thân có thể phát triển tự do và đầy đủ” (Điều 29); các văn kiện nhân quyền khác cũng đều nhấn mạnh, mỗi cá nhân trong khi được hưởng thụ các quyền cần tôn trọng tự do của người khác và tôn trọng lợi ích của cộng đồng.
Quan điểm này có ý nghĩa hết sức quan trọng, vì nó chỉ ra được cách giải quyết một trong những mối quan hệ cơ bản nhất của vấn đề nhân quyền, khắc phục được cách hiểu phiến diện, cực đoan về vấn đề nhân quyền.
Các chủ trương, chính sách lớn bảo đảm quyền con người
Từ các quan điểm cơ bản nói trên, trong quá trình đổi mới Đảng đã đề ra một số chủ trương, chính sách, công tác, nhiệm vụ để bảo đảm quyền con người trong điều kiện mới.
Trước hết là công tác tuyên truyền giáo dục trong nhân dân, tùy từng đối tượng cụ thể có nội dung, phương thức phù hợp để mọi người hiểu rõ quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân, nhận rõ bản chất tốt đẹp của chế độ ta là vì con người, vạch trần những luận điểm bịp bợm và thủ đoạn xấu xa của các thế lực thù địch trên lĩnh vực này. Khắc phục tình trạng bị động trong hoạt động tuyên truyền đối ngoại.
Hệ thống pháp luật, từng bước thể chế hóa các nội dung về quyền con người phù hợp với điều kiện của nước ta, với các tiêu chuẩn về quyền con người đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi. Điều quan trọng nhất là Đảng lãnh đạo toàn dân tiếp tục thúc đẩy công cuộc đổi mới kinh tế – xã hội và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nhiều chính sách, quyết định lớn của Đảng, Chính phủ về kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội đều nhằm mục tiêu vì con người.
Đảng và Nhà nước đặc biệt chăm lo kiện toàn các cơ quan bảo vệ pháp luật trong sạch, vững mạnh, bảo vệ có hiệu quả các quyền công dân, quyền con người. Nghiêm khắc kiểm điểm, uốn nắn, khắc phục những khuyết điểm vi phạm quyền dân chủ của các cơ quan công quyền, cán bộ, công chức.
Các cơ quan lý luận khoa học, các ban, ngành bảo vệ pháp luật đã tiến hành tổ chức nghiên cứu sâu về quyền con người, phát triển các tư tưởng nhân đạo, giải phóng con người của Chủ nghĩa Mác – Lê-nin, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, làm rõ sự khác nhau giữa các quan điểm đó với quan điểm tư sản về quyền con người. Trên cơ sở đó xây dựng hệ thống quan điểm của Đảng ta về quyền con người, làm cơ sở cho công tác tư tưởng, cho việc hoàn thiện pháp luật và chính sách về quyền con người, tạo thế chủ động chính trị trong cuộc đấu tranh vì quyền con người trên trường quốc tế.
Trong hoạt động ngoại giao và tuyên truyền đối ngoại, trên cơ sở thực hiện tốt những quyền cơ bản của con người ở nước ta theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng, hiến pháp và pháp luật của Nhà nước đã chủ động và kiên định nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền và bảo đảm an ninh quốc gia, không thỏa hiệp trước những yêu sách gây tổn hại đến chủ quyền an ninh; đồng thời có đối sách linh hoạt, mềm dẻo trong một số vụ việc xét không phương hại đến an ninh và chủ quyền, nhằm đáp ứng yêu cầu đối ngoại, tranh thủ thêm bạn bè, phân hóa các lực lượng thù địch…
Sau 25 năm đổi mới, trong bối cảnh lịch sử mới, về bảo đảm và bảo vệ quyền con người, Đại hội đại biểu lần thứ XI (năm 2011) của Đảng đã khẳng định: Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách; xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực; dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm…
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, bảo đảm quyền con người trong quá trình đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, chúng ta cần tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục sát hợp với từng tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân về công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền trong tình hình mới. Phải nắm vững quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, tự hào về những thành tựu to lớn về nhân quyền của Việt Nam đã đạt được trong nhiều năm qua; đồng thời phải nâng cao cảnh giác với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Dành mối quan tâm thường xuyên trong giáo dục đối với tầng lớp thanh niên, sinh viên, học sinh, đồng bào theo đạo, đồng bào dân tộc thiểu số về nhân quyền. Tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, xuất bản.
Cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Trung ương, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, đặc biệt ở vùng chiến lược trọng điểm. Tăng cường đoàn kết các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, giữa cộng đồng trong nước với cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo, dân tộc, quy chế dân chủ ở cơ sở, chính sách đất đai, chính sách cán bộ… Kịp thời giải quyết ngay tại cơ sở các vụ việc phức tạp, không để lây lan kéo dài, trở thành “điểm nóng”. Cần tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống pháp luật đi đôi với kiện toàn các cơ quan bảo vệ pháp luật. Nghiên cứu ban hành các luật còn thiếu liên quan đến quyền con người; sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật và điều luật không còn phù hợp. Tổ chức tốt việc thi hành pháp luật, nhất là công tác bắt, xét xử, giam giữ, cải tạo phạm nhân. Phổ biến rộng rãi các công ước và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết; nghiên cứu tham gia các công ước quốc tế về quyền con người.
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB CTQG, Hà Nội, 2001, tr.134.
(2) Các Mác – Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, T16, NXB Chính trị quốc gia, H, 1995, tr. 25.
Theo Nhandan
Ý kiến ()