Đăng ký, quản lý hộ tịch: Còn nhiều điểm cần "gỡ"
Cải chính ngày tháng năm sinh: Vướng mắc nhất hồ sơ cán bộ
Một trong những vấn đề mà nhiều cán bộ hộ tịch thường gặp phải chính là việc cải chính ngày, tháng, năm sinh đã ghi trong giấy khai sinh đối với những trường hợp là cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang mà hồ sơ đã ổn định về ngày tháng, năm sinh. Theo bà Lương Thị Lanh – Trưởng phòng quản lý hộ tịch (Vụ Hành chính Tư pháp, Bộ Tư pháp), nhiều cán bộ, tất cả hồ sơ đều thống nhất về dữ liệu thì bất ngờ, xuất hiện một giấy khai sinh cũ từ thời… xa xưa. Bà Lanh cho rằng, nếu yêu cầu tất cả hồ sơ đó phải điều chỉnh theo giấy khai sinh thì cực kỳ phức tạp, rắc rối, trong khi do tồn tại của lịch sử nhiều giấy khai sinh không chính xác.
Có ý kiến cũng cho rằng không thể sửa đổi theo kiểu chạy theo mục đích của người có nhu cầu mà phải gắn trách nhiệm cam đoan cho họ vì chẳng nhẽ cứ mỗi lần họ mang bản chính giấy khai sinh đến là lại sửa, mục đích của con người không ai có thể kiểm soát được.
Theo đại diện Bộ Công an, Bộ Nội vụ, các vấn đề liên quan đến giải quyết giấy khai sinh vướng mắc rất nhiều và các cán bộ hộ tịch cứ theo quy định mà làm, công dân cứ xuất trình giấy khai sinh đã cải chính thì cũng có nghĩa là phải sửa hộ tịch, hộ chiếu. Bản chính của giấy khai sinh phải là căn cứ pháp lý gốc buộc các giấy tờ khác phải tuân theo và nhất định phải sửa chứ không thể ngần ngại.
Thực tế trong những thời điểm “nhạy cảm”, việc cải chính ngày tháng năm sinh trong hồ sơ cán bộ, công chức lại càng “nóng”. Theo đại diện của Bộ Nội Vụ, đa số việc cải chính này đều theo hướng giảm tuổi so với hồ sơ cán bộ, công chức. Vị này cũng cho biết, “Thực tế, đã có trường hợp yêu cầu cải chính giảm hẳn bảy tuổi, qua xác minh thì thấy có cơ sở và anh này trông trẻ hơn nhiều so với tuổi ghi trong hồ sơ. Không thể quy định không cho người ta cải chính được, chả nhẽ bắt họ về hưu sớm bảy năm”. Do đó, nguyên tắc đảm bảo tính chính sách của các dữ liệu trong bản chính của giấy khai sinh phải được tôn trọng.
Trong các trường hợp cải chính ngày tháng năm sinh khác, các trường hợp hồ sơ sai lệch so với bản chính giấy khai sinh và việc điều chỉnh các loại giấy tờ tùy thân, hồ sơ, học bạ…cũng sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức, thậm chí có nhiều ngành (như giáo dục) coi đây không phải là trách nhiệm của mình. Còn đối với các trẻ em, học sinh tại các tỉnh dân tộc, miền núi, vùng sâu, vùng xa, giấy khai sinh nhiều khi không phải do cha mẹ khai hoặc do thầy cô khai giúp vào học bạ nên việc điều chỉnh khi không khớp về mặt giấy tờ là chuyện xảy ra khá phổ biến. Nhưng cũng có nhiều trường hợp bế tắc không thể điều chỉnh.
Công dân sẽ không phải đến đăng ký tại nơi thường trú?
Theo quy định tại Nghị định 158, việc đăng ký kết hôn chỉ diễn ra tại nơi đăng ký thường trú. Thế nhưng, thực tế có rất nhiều lực lượng lao động có hộ khẩu thường trú tại miền bắc nhưng lại vào nam lập nghiệp và có nhu cầu kết hôn. Việc đi lại để đăng ký kết hôn theo Nghị định này sẽ gây rất nhiều khó khăn cho đối tượng này và thậm chí cũng có thể có trường hợp họ cứ chung sống rồi lúc nào tiện về quê thì … đăng ký.
Do đó, có nhiều ý kiến cho rằng nên tạo ra các quy định “mở” cho công dân có thể đăng ký kết hôn ở nơi tạm trú. Nghĩa là cả hai bên nam nữ có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú nhưng thực tế đang sinh sống và làm việc ổn định tại nơi đăng ký tạm trú thì có thể thực hiện việc đăng ký kết hôn tại nơi UBND xã, phường nơi đăng ký tạm trú. Song cũng cần thiết bỏ luôn cả quy định lấy giấy xác nhận tình trạng hôn nhân ở nơi thường trú, thay thế bằng giấy cam đoan để tránh tình trạng “cởi một đầu nhưng đầu kia vẫn bó”.
Nghị định 158 cũng có quy định, trong đó cho phép người có yêu cầu đăng ký hộ tịch (trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký việc nuôi con nuôi, đăng ký giám hộ, đăng ký việc nhận cha, mẹ, con) hoặc yêu cầu cấp các giấy tờ về hộ tịch mà không có điều kiện trực tiếp đến cơ quan đăng ký hộ tịch, có thể ủy quyền cho người khác làm thay… Nếu người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền, thì không cần phải có văn bản ủy quyền. Tuy nhiên, nếu cho đăng ký ở nơi tạm trú sẽ thuận lợi hơn cho công dân.
Nghị định 158 hiện đang bắt đầu sửa đổi theo hướng giản tiện, phù hợp với lợi ích của người dân. Theo tổ biên tập và ban soạn thảo văn bản này, dự kiến Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 158 sẽ được trình Chính phủ vào ngày 15-6 tới.
Ý kiến ()