Đăng ký khai sinh: Đơn giản hóa khi làm thủ tục
Đầu tháng 7/2016, chị Lâm Thị Khánh, ở khối 3, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn đi ĐKKS cho con thứ hai tại UBND phường. Giấy tờ trong hồ sơ chỉ vỏn vẹn còn tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh. Chỉ mười phút chờ đợi cán bộ nhập thông tin vào máy vi tính, chị đã được trả kết quả.
Chị Khánh phấn khởi cho biết: “Cách đây 5 năm, tôi sinh bé lớn và tôi cũng trực tiếp đi ĐKKS cho con. Do lần đầu bỡ ngỡ không biết mang theo giấy tờ gì nên tôi phải đi lại lòng vòng nhiều lần từ nhà đến quán photocopy, rồi đến UBND phường để phô tô, chứng thực sổ hộ khẩu (SHK), giấy chứng nhận kết hôn nộp vào hồ sơ. Lần này, được biết thủ tục đã đơn giản hóa, tôi chỉ nộp vào hồ sơ giấy chứng sinh của con và viết tờ khai là xong. Tuy nhiên, tôi vẫn mang theo SHK, giấy chứng nhận kết hôn nhưng cán bộ nói là không cần xuất trình vì biết rõ tình trạng hôn nhân của tôi. Nhờ đơn giản hóa, tôi tiết kiệm được khoảng 20.000 đồng tiền phô tô, chứng thực giấy tờ và công sức đi lại làm thủ tục”.
Người dân thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh và một số TTHC khác tại “một cửa” phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn
Chị Lê Anh Đào, cán bộ “một cửa” UBND phường Vĩnh Trại cho biết: Thủ tục ĐKKS đã được đơn giản hóa gần một năm nay. Khi đi làm thủ tục, người đăng ký chỉ cần mang theo chứng minh thư nhân dân (CMTND) hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh (giấy phép lái xe, hộ chiếu), SHK để xuất trình cho cán bộ biết thay vì phải nộp nhiều giấy tờ như trước. Thời gian làm giấy ĐKKS được rút ngắn đã góp phần tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho người dân.
Theo số liệu từ Chi cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình tỉnh, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 12.000 trẻ em ra đời. Tương đương với con số này là một năm có khoảng 12.000 hồ sơ ĐKKS. Theo tính toán, mỗi bộ hồ sơ giảm chi phí 20.000 đồng thì người dân đã tiết kiệm chi phí tuân thủ thủ tục này trên 200 triệu đồng/năm.
Sở dĩ có sự cải cách trên đối với thủ tục ĐKKS là do có sự điều chỉnh về quy định. Trước đây, thực hiện Nghị định 158/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch, mỗi người dân khi đi ĐKKS cho con, cháu mình hồ sơ nộp cần có 5 loại giấy tờ gồm: tờ khai đề nghị ĐKKS, giấy chứng sinh, bản phô tô CMND, bản phô tô SHK, bản phô tô giấy chứng nhận kết hôn (nếu cha, mẹ trẻ em có đăng ký kết hôn). Tuy nhiên, thực hiện Luật Hộ tịch năm 2014, cụ thể hóa là Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch, thành phần hồ sơ đã được cắt giảm xuống chỉ còn 2 giấy tờ là nộp tờ khai theo mẫu có sẵn, giấy chứng sinh. Các giấy tờ gồm SHK, CMTND, đăng ký kết hôn chỉ cần mang theo để xuất trình khi cán bộ yêu cầu. Với trường hợp cán bộ tư pháp – hộ tịch biết rõ về quan hệ hôn nhân của cha, mẹ trẻ em thì không bắt buộc phải xuất trình giấy chứng nhận kết hôn và các giấy tờ trên. Trao đổi với lãnh đạo một số phường, xã, được biết, hiện theo quy định mới, cán bộ tư pháp – hộ tịch không chỉ ngồi tại văn phòng ủy ban mà còn phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn trong thời hạn quy định (60 ngày), trường hợp cần thiết thì thực hiện ĐKKS lưu động.
Như vậy có thể thấy, việc thực hiện tốt các bước cải cách theo Luật Hộ tịch mà 100% trường hợp đến ĐKKS ở xã, phường đều được cắt giảm hồ sơ, chi phí và được trả kết quả ngay.
Ý kiến ()