Đăng ký đất đai lần đầu: Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ
– Theo Kế hoạch số 70/KH-UBND ngày 18/4/2019 của UBND tỉnh về đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) lần đầu đối với người sử dụng đất và người được nhà nước giao đất để quản lý trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đến hết năm 2020 phải hoàn thành kê khai lần đầu cho người sử dụng đất đối với 430 nghìn thửa đất trên phạm vi toàn tỉnh. Tuy nhiên, đến hết năm 2022, toàn tỉnh mới thực hiện được 28,6 nghìn thửa đất/430 nghìn thửa đất, đạt 6,6% so với kế hoạch. Nguyên nhân kết quả đạt thấp do trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo tìm hiểu và thực tế khảo sát của chúng tôi tại 5 huyện: Bình Gia, Cao Lộc, Lộc Bình, Văn Quan và Chi Lăng cho thấy, kết quả ĐKĐĐ lần đầu theo kế hoạch 70 của UBND tỉnh từ năm 2019 đến hết năm 2022 đạt rất thấp. Nguyên nhân do các tài liệu bản đồ địa chính đã có biến động lớn, chưa được chính lý kịp thời; người dân chưa hiểu rõ tầm quan trọng trong thực hiện ĐKĐĐ. Bên cạnh đó, chính quyền cấp cơ sở chưa vào cuộc quyết liệt; nguồn nhân lực, kinh phí để tổ chức thực hiện còn hạn chế; công tác tuyên truyên của các cấp còn chưa sâu rộng, vẫn còn tình trạng người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, san lấp mặt bằng, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp… Cụ thể: huyện Bình Gia thực hiện được 1.068/56.000 thửa, đạt 1,9%; huyện Cao Lộc thực hiện được 1.262/58.000 thửa, đạt 2,2%; huyện Văn Quan thực hiện được 739/31.000 thửa đất, đạt 2,4%; huyện Tràng Định thực hiện được 431/15.000 thửa đất, đạt 2,9%…
Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh triển khai tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ công tác ĐKĐĐ lần đầu cho cán bộ địa chính các xã thuộc huyện Cao Lộc (2/2023)
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: Kết quả thực hiện công tác ĐKĐĐ lần đầu của huyện đạt thấp do công tác tuyên truyền ở cơ sở chưa thật quyết liệt, sâu sát; việc kiểm tra giám sát của cấp huyện chưa thường xuyên; đội ngũ cán bộ địa chính cấp xã còn nhiều hạn chế về năng lực, thiếu linh hoạt, chủ động. Hơn nữa, việc thực hiện các thủ tục hành chính về ĐKĐĐ còn phức tạp; …
Còn đối với huyện Văn Quan, ngoài các nguyên nhân tương tự như huyện Bình Gia thì có một nguyên nhân khác khiến người dân “ngại” ĐKĐĐ lần đầu, đó là tình trạng người dân vi phạm quy định về sử dụng đất như: tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, san lấp mặt bằng, tách, hợp thửa làm thay đổi ranh giới đất ngoài thực địa không đúng với bản đồ địa chính.
Từ thực tế vướng mắc, bất cập trong công tác ĐKĐĐ lần đầu xảy ra tại các huyện trong thời gian qua, bước sang năm 2023, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương đẩy nhanh việc triển khai thực hiện công tác này. Theo đó, tỉnh yêu cầu mỗi huyện phải thực hiện đạt 50% số thửa đất chưa được ĐKĐĐ lần đầu trên địa bàn (toàn tỉnh hiện còn hơn 401 nghìn thửa đất chưa được ĐKĐĐ lần đầu). Mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai trên địa bàn và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai vào mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và các huyện phải đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, tham mưu bố trí nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ ĐKĐĐ lần đầu theo đúng yêu cầu đặt ra.
Ông Chu Văn Thạch, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác ĐKĐĐ lần đầu, sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành công văn số 121/UBND-KT ngày 8/2/2023 về việc tăng cường thực hiện công tác ĐKĐĐ đối với người sử dụng đất và người được nhà nước giao đất để quản lý. Theo đó, yêu cầu UBND các huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện rà soát, tổng hợp đánh giá số liệu các thửa đất thuộc trường hợp phải ĐKĐĐ, bảo đảm chính xác số liệu phục vụ công tác quản lý; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân lập hồ sơ kê khai ĐKĐĐ chi tiết, ngắn gọn, dễ hiểu…
Cùng đó, Sở TN&MT xây dựng kế hoạch tập huấn, đẩy mạnh hướng dẫn công tác ĐKĐĐ cho lãnh đạo UBND xã, cán bộ địa chính xã tại các huyện. Đến hết ngày 15/2/2023, Sở TN&MT đã triển khai tập huấn thực hiện ĐKĐĐ lần đầu được tại 3 huyện: Văn Quan, Cao Lộc, Văn Lãng với tổng số 112 cán bộ của 58 xã, thị trấn tham gia. Theo kế hoạch, trong quý I/2023, sở sẽ hoàn thành công tác tập huấn cho cán bộ chuyên môn của 200/200 xã, phường, thị trấn.
Đối với cấp huyện, để đẩy nhanh thực hiện công tác ĐKĐĐ lần đầu, 11/11 huyện, thành phố đều đăng ký với tỉnh đây là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện trong năm 2023. Ông Lê Anh Tùng, Trưởng Phòng TN&MT huyện Chi Lăng cho biết: Hiện phòng đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai ĐKĐĐ lần đầu và giao chỉ tiêu cho từng xã, thị trấn. Bên cạnh đó, phòng cũng tham mưu, đề xuất với Huyện uỷ, UBND huyện lấy kết quả thực hiện công tác ĐKĐĐ năm 2023 đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cấp uỷ, chính quyền và cá nhân người đứng đầu, cán bộ được giao nhiệm vụ của các xã vào cuối năm.
Việc ĐKĐĐ lần đầu có ý nghĩa rất quan trọng, qua đó, người dân được Nhà nước bảo vệ trong quá trình sử dụng đất. Đồng thời, Nhà nước quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Đồng bộ giải pháp, quyết đạt mục tiêu
– Để đẩy nhanh thực hiện ĐKĐĐ lần đầu theo kế hoạch năm 2023 bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ thì vai trò của Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh, chính quyền cấp huyện và cấp xã rất quan trọng.
Bà Phan Thị Quyên, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh: “Bố trí kinh phí, tăng cường nhân lực hỗ trợ các xã, thị trấn triển khai thực hiện đăng ký đất đai lần đầu”
Khối lượng công việc ĐKĐĐ lần đầu lớn, lại triển khai đồng loạt tại các xã, thị trấn, trong khi cán bộ chuyên môn làm công tác ĐKĐĐ tại các xã, thị trấn chỉ có từ 1 – 2 người, do đó, việc triển khai thực hiện ĐKĐĐ lần đầu tại các xã, thị trấn trên địa bàn các huyện gặp nhiều khó khăn. Để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo thực hiện ĐKĐĐ lần đầu đạt chỉ tiêu giao, trong năm 2023, các huyện cần bố trí kinh phí, tăng cường hỗ trợ nhân lực cho các xã, thị trấn để thực hiện rà soát, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục ĐKĐĐ cho người dân. Qua đó, vừa góp phần giúp Nhà nước nắm chắc, quản lý chặt chẽ quỹ đất trên địa bàn, vừa đồng thời giúp người dân yên tâm đầu tư, khai thác tiềm năng đất đai, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Đất đai.
Ông Bành Văn Dân, Trưởng Phòng TN&MT huyện Văn Quan: “Phát huy vai trò của các trưởng thôn trong phối hợp xác minh, quy chủ các thửa đất”
Trưởng thôn là người “sát sườn”, gần với dân, gắn với địa bàn. Do đó, trưởng thôn phải là một trong những thành viên chủ chốt của tổ công tác trong thực hiện xác minh, quy chủ các thửa đất chưa ĐKĐĐ lần đầu tại địa bàn. Bên cạnh đó, trưởng thôn còn là “cầu nối” tuyên truyền, vận động, thuyết phục, hướng dẫn người dân trong hoàn thiện hồ sơ, thủ tục ĐKĐĐ lần đầu theo quy định. Để phát huy vai trò của các trưởng thôn, ngay từ đầu năm 2023, phòng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, thành lập các tổ công tác, trong đó trưởng thôn là thành viên cốt cán hỗ trợ tổ công tác thực hiện nhiệm vụ. Từ đó, nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện ĐKĐĐ lần đầu trên địa bàn huyện, phấn đấu hoàn thành mục tiêu thực hiện ĐKĐĐ lần đầu đạt 50% kế hoạch giao (khoảng 15.000 thửa đất), trong năm 2023.
Ông Nguyễn Ngọc Diệp, cán bộ địa chính xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc: “Cần sử dụng dữ liệu cơ sở địa chính đã được số hoá để đẩy nhanh ĐKĐĐ lần đầu cho người dân”
Hiện toàn xã còn hơn 4.000 thửa đất cần ĐKĐĐ lần đầu và trong năm 2023, xã phấn đấu hoàn thành khoảng 2.200 thửa đất các loại. Khối lượng công việc rất lớn, vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ đáp ứng yêu cầu chất lượng trong công tác ĐKĐĐ lần đầu, ngoài việc hướng dẫn và lập danh mục giấy tờ cần và đủ để hỗ trợ người dân ĐKĐĐ, thì Phòng TN&MT và Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện cần cung cấp cho xã các tài liệu số hoá các sổ cấp giấy và hồ sơ cơ sở dữ liệu địa chính trên hệ thống mạng điện tử để đối chiếu, phục vụ đẩy nhanh tiến độ ĐKĐĐ lần đầu cho người dân. Có như vậy mới mong công tác ĐKĐĐ lần đầu được đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, yêu cầu đề ra.
CÔNG QUÂN - LIỄU CHANG
Ý kiến ()