Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại châu Âu: Khẳng định thương hiệu hồi Lạng Sơn
Hiện nay, diện tích hồi trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 33.500 ha, cho sản lượng từ 6.000 – 7.000 tấn/năm, chiếm 71% sản lượng hồi của cả nước. Mỗi hộ nông dân trồng hồi có thể cho thu nhập từ 40 – 200 triệu đồng/năm. Những năm gần đây, tinh dầu hồi được phát hiện, điều chế sản xuất Tamiflu là thuốc đặc trị các bệnh cúm A/H1N1, H5N1, H3N2… Năm 2007, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã cấp đăng bạ bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cho sản phẩm hoa hồi của Lạng Sơn. Tuy nhiên, những năm vừa qua, sản phẩm này chủ yếu xuất khẩu đến thị trường các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và một số nước Tây Âu và hiện nay chưa được đăng ký bảo hộ CDĐL tại châu Âu, trong khi đó đây là thị trường tiềm năng nhất.
Người dân huyện Văn Quan phơi sấy hoa hồi
Tại hội thảo giữa dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư châu Âu (EU – MUTRAP), Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) và Sở KH&CN Lạng Sơn (ngày 4/11/2015), bà Ester Olivas Cáceres – chuyên gia về CDĐL dự án EU – MUTRAP cho rằng: với 28 quốc gia thành viên, châu Âu là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm nông sản, trong đó có hồi Lạng Sơn. Được đăng ký bảo hộ tại đây thì không chỉ khẳng định được thương hiệu mà còn tránh được sự xâm phạm quyền đối với sản phẩm này ở ngoài nước.
Tuy nhiên, để hồi Lạng Sơn được bảo hộ tại châu Âu thì phía Việt Nam đảm bảo và hoàn thiện các yêu cầu về cơ sở pháp lý, cơ chế hoạt động và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Thời gian qua, Cục SHTT và tỉnh Lạng Sơn đã nỗ lực thực hiện một số hoạt động như: tổ chức hội thảo “đăng ký bảo hộ CDĐL của Việt Nam tại châu Âu” (tháng 4/2015) tại Lạng Sơn; hướng dẫn xây dựng CDĐL cho sản phẩm Hồi và tổ chức khóa tập huấn về “xây dựng và vận hành hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm mang CDĐL đăng ký bảo hộ tại châu Âu” (tháng 11/2015), thu hút đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người sản xuất hồi trong tỉnh tham gia.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó trưởng Phòng Quản lý công nghệ và SHTT, Sở KH&CN Lạng Sơn cho biết: Hồi Lạng Sơn hiện nay cơ bản đạt yêu cầu về chất lượng theo quy định. Hoa hồi khô đều có màu đỏ tự nhiên, có mùi thơm đặc trưng; đảm bảo về độ ẩm và hàm lượng tinh dầu. Tinh dầu hồi có màu vàng nhạt, có mùi thơm đặc trưng.
Thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tham mưu UBND tỉnh tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan, tổ chức nước ngoài hỗ trợ trong việc đăng ký bảo hộ sản phẩm đến châu Âu. Đồng thời, mở nhiều đợt tập huấn hướng dẫn doanh nghiệp, người dân trồng và sản xuất hồi theo phương pháp sản xuất, chế biến để chất lượng hoa và tinh dầu hồi đảm bảo đúng tiêu chuẩn. Anh Linh Văn Thao, thôn Tây B, xã Yên Phúc (Văn Quan) cho biết: là một hộ trồng hồi, gia đình tôi sẽ tuân thủ đúng các kỹ thuật trong quy trình canh tác như: trồng, chăm sóc cây, phương pháp thu hái, bảo quản và chế biến.
Bà Ester Olivas khẳng định: Qua khảo sát và kiểm tra, hồi Lạng Sơn đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng nên tôi tin rằng phía Việt Nam chỉ cần xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng thì sản phẩm này sẽ được tự động bảo hộ tại châu Âu.
Ý kiến ()