Chủ nhật, 24/11/2024 08:54 [(GMT +7)]
Đảng của chúng ta
Thứ 6, 03/02/2012 | 09:40:00 [(GMT +7)] A A
*Hồ Chí Minh, toàn tập- NXB Chính trị Quốc gia - Hà Nội - năm 1990
LSO-Tất cả những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói và viết về Đảng Cộng sản Việt Nam: “Đảng cách mạng chân chính”, “Đảng của chúng ta”, “Đảng ta”, “Đảng thân yêu và vĩ đại của chúng ta”, “Đảng yêu quý của chúng ta”… thì đảng ấy vẫn là một đảng Mác- Lênin, một đảng tuân thủ những nguyên tắc hoạt động cơ bản của đảng kiểu mới.
Rước ảnh Bác trong lễ kỷ niệm 180 năm ngày thành lập tỉnh Lạng Sơn – Ảnh: Đình Quang
Vậy “Đảng là gì? Đảng là mỗi chúng ta. Đảng lớn lên do mỗi chúng ta lớn lên”*. Vì vậy phải coi trọng công tác phát triển Đảng, phải chọn lọc đảng viên một cách hết sức cẩn thận. Phải chăm lo giáo dục đảng viên để họ ở đâu, làm bất cứ viêc gì cũng đều phát huy được tính tiền phong, gương mẫu đối với quần chúng. “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” phải coi là nguyên tắc cơ bản nhất trong việc xem xét tư cách đảng viên cộng sản. “Đảng không phải chỉ cần con số cho nhiều, tuy nhiều là tốt, nhưng phải có cái chất của người đảng viên”*. Cái chất người đảng viên là vào Đảng để “lãnh đạo nhân dân”mà “lãnh đạo là làm đầy tớ nhân dân và phải làm cho tốt”*. Mọi đảng viên, cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu như thế, phải làm như thế. Đảng viên, cán bộ phải là người có khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Họ không những phải có trí, có dũng, có mưu mà còn phải là người biết cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phải biết “khổ trước thiên hạ, sướng sau thiên hạ”. Đó là những người có tài, có đức, phải “hồng thắm chuyên sâu”*, phải “vững về chính trị, giỏi về chuyên môn”*. Nếu không có đạo đức cách mạng sẽ không làm được bất cứ việc gì có lợi cho nhân dân, cho Tổ quốc.
Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân. Đảng vĩ đại là ở nơi: Đảng biết tìm thấy sức mạnh từ trong nhân dân, vì nhân dân mà làm việc, mà “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”*. Nhân dân là tối thượng, bất cứ thế lực nào, nếu không phục vụ nhân dân, sớm muộn cũng bị nhân dân lật đổ. Những người cộng sản phải hiểu rằng “trước mắt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến”*. Các Mác viết: “Chỉ có thể đổi tình yêu lấy tình yêu, tín nhiệm lấy tín nhiệm… Nếu anh muốn ảnh hưởng tới những người khác thì anh phải là người có tác dụng thực sự thúc đẩy và kích thích những người khác”. Hồ Chí Minh viết: “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh”*. Đảng là người tổ chức và cũng là người chịu trách nhiệm về đời sống nhân dân, về vận mệnh của nước nhà. “Đảng ví như cái máy phát điện”*, mọi công việc, mọi tổ chức khác “ví như những ngọn đèn, máy mạnh thì đèn sáng”*. Đảng không thể tự nhận hoặc đòi các tổ chức khác thừa nhận quyền lãnh đạo của mình “mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”*. Để xứng đáng là một Đảng như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác-Lênin “làm cốt”, “làm kim chỉ nam cho hành động của mình”*. Trong cuốn “Đường cách mệnh”, Bác đã mở đầu bằng một câu theo ý của Lênin: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động… Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới “làm nổi cách mệnh tiền phong”*.
Bác đã dạy “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”*. Đó là mục tiêu, vừa là nguyên tắc xây dựng đảng của Hồ Chủ tịch: một đảng có tổ chức trong sạch, vững mạnh đủ khả năng lãnh đạo nhân dân và giữ chính quyền, xây dựng đất nước giàu mạnh. Độc lập, dân chủ, tự do, hạnh phúc của nhân dân, vừa là mục tiêu của đảng, vừa là yêu cầu của việc xây dựng đảng về tổ chức. Không thực hiện được mục tiêu đó, Đảng Cộng sản không còn lý do tồn tại. Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác- Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Chính vì xây dựng được một tổ chức như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam mới giữ vững được vị trí cầm quyền. Những người cộng sản được nhân dân, trao cho nắm giữ các chức vụ trong bộ máy nhà nước, nhưng tuyệt đối không được phép tự biến thành những kẻ si mê quyền lực để mưu vinh thân, phì gia.
Tư tưởng của Hồ Chí Minh về xây dựng đảng trong điều kiện đã có chính quyền là phải phòng chống tham nhũng “căn bệnh ác tính”, những nguy cơ làm cho đảng bị tha hóa, không những không còn là người đầy tớ của nhân dân mà thậm chí còn biến thành cực đối lập với nhân dân. Hồ Chí Minh yêu cầu và bắt buộc cán bộ phải học hỏi để biết làm việc. “Cách mạng là một nghề, nghề nào cũng phải học”*, cán bộ phải “vững về chính trị, giỏi về chuyên môn”*. Nói tóm lại là phải “vừa hồng,vừa chuyên”, phải “hồng thắm chuyên sâu”. Đối với cấp lãnh đạo và cơ quan tổ chức thì cần phải biết lựa chọn và sử dụng cán bộ, phải đặt người đúng chỗ đúng việc, vì việc mà chọn người. Hồ Chí Minh đề xuất “dùng người như dùng gỗ”*, bao hàm một tinh thần nhân dân, bao dung: ai cũng có thể dùng được như gỗ nào thì dùng vào việc ấy, tuỳ theo khả năng của mỗi người mà góp tài, góp sức vào sự nghiệp chung..
“Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”*, phải chăm sóc, vun trồng những mầm non cho đất nước, bởi vì thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Hồ Chí Minh nói theo cách nói truyền thống của tổ tiên ta “con hơn cha là nhà có phúc”*. Người đòi hỏi thế hệ cha anh phải sống mẫu mực, nêu gương, phải giáo dục và đòi hỏi đối với thế hệ trẻ. Phải biết “đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau”*. Như vậy, suy cho cùng, tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền là Đảng phải luôn luôn tự đổi mới, tự chỉnh đốn để giữ gìn và phát huy “tư cách của một đảng cách mạng chân chính”*.
Đề cập một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, phát biểu phiên bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ IV (khóa XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói: “Cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Trung ương “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” với ba nội dung trọng yếu (1) Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bô, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. (2) Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. (3) Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Ba nội dung này có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cũng là vấn đề cấp bách nhất”.
Xác định những vấn đề cấp bách, Tổng Bí thư nói: “Từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng để tự giác làm. Từng đồng chí cán bộ, đảng viên từ cán bộ cấp cao đến cơ sở cùng làm. Nếu mỗi người tự chỉnh đốn bản thân mình trước thì tất cả tổ chức sẽ chuyển động. Ở đây sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư tự giác, gương mẫu làm trước, tự phê bình, kiểm điểm, nhìn lại mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa; tránh xa mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài, tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, tệ hại… Nghiêm túc thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí; xử lý dứt điểm một số vụ việc mà dư luận quan tâm, cải tiến nâng cao chất lượng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Luôn luôn đổi mới và chỉnh đốn để Đảng ta làm tròn trách nhiệm là một đảng cầm quyền, đó là di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam. Vừa là cơ sở lý luận, vừa có sức cảm hóa, lôi cuốn để xây dựng “Đảng của chúng ta” thật trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục xứng đáng là một đảng cách mạng chân chính, làm tròn nhiệm vụ của một tổ chức chính trị tiên phong, là “bộ tổng tham mưu của giai cấp vô sản và nhân dân lao động” trong sự nghiệp đổi mới xây dựng nước nhà.
*Hồ Chí Minh, toàn tập- NXB Chính trị Quốc gia – Hà Nội – năm 1990
Mai Tùng
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()