Đảng Cộng sản Việt Nam là “kiến trúc sư” của những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử trong 30 năm Đổi mới
Nhân dịp Tết cổ truyền Bính Thân 2016, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam Saadi Salama về những thành tựu có ý nghĩa lịch sử của Việt Nam trong 30 tiến hành công cuộc đổi mới cũng như triển vọng phát triển mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Palestine trong giai đoạn tiếp theo.
Phóng viên (PV): Trong nhiều năm qua, quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam – Palestine đã không ngừng phát triển trên nhiều lĩnh vực, với tư cách là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam, ông đánh giá thế nào về mối quan hệ giữa hai nước?
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhà nước Palestine tại Việt Nam Saadi Salama . (Ảnh: KL).
Đại sứ Saadi Salama: Từ trước đến nay, nhân dân Palestine cùng các nhà lãnh đạo Palestine đều đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị và tình đoàn kết truyền thống lâu dài giữa nhân dân hai nước Palestine và Việt Nam. Mối quan hệ truyền thống đó được bắt đầu từ thời kỳ cả hai dân tộc Palestine và Việt Nam đều đấu tranh vì các mục tiêu cao cả, đó là đấu tranh giành độc lập, tự do, công bằng và phát triển.
Nhân dân Palestine đã giành cho sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam tình đoàn kết và đã tạo một cầu nối hữu nghị để truyền bá cho hình ảnh những người Việt Nam đấu tranh vì độc lập, vì dân tộc tới các nước Ả-rập. Qua đó, người dân Palestine nói riêng cũng như người dân Ả-rập nói chung hiểu hơn về Việt Nam – một dân tộc anh hùng, có tinh thần bất khuất sẵn sàng hy sinh để đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước, mang lại cuộc sống tự do cho nhân dân Việt Nam. Cũng như nhân dân Palestine, nhân dân Việt Nam cũng luôn giành tình cảm đặc biệt cho nhân dân Palestine. Sau khi Việt Nam được thống nhất, Việt Nam luôn luôn giành cho sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Palestine sự ủng hộ rất đặc biệt. Vào năm 1976, Việt Nam đã tạo mọi điều kiện để cơ quan đại diện của Tổ chức Giải phóng Palestine ( PLO) – đại diện chân chính và duy nhất của nhân dân Palestine thành lập năm 1964 được mở văn phòng đại diện tại thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, Việt Nam luôn luôn ủng hộ nguyện vọng và các quyền lợi bất khả xâm phạm của nhân dân Palestine trong đó có quyền thành lập một Nhà nước Palestine độc lập trên quê hương của mình với Đông Jelusalem làm Thủ đô theo các Nghị quyết của Liên hiệp quốc và pháp luật quốc tế.
Có thể nói, Việt Nam là một đất nước trải qua bao nhiêu chiến tranh, đau khổ đã dành thắng lợi vẻ vang, nhân dân Việt Nam đang sống trong hòa bình, tự do và độc lập nên rất hiểu ý nghĩa của cuộc đấu tranh của nhân dân Palestine và ý nghĩa của niềm khát vọng hòa bình của nhân dân Palestine. Tình cảm của nhân dân Việt Nam dành cho nhân dân Palestine là tình cảm dựa vào những bài học kinh nghiệm của Việt Nam trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc. Việt Nam luôn mong muốn, nhân dân Palestine có được hòa bình bền vững, lâu dài; mong cho đất nước Palestine được độc lập và mong cuộc chiến đấu phi nghĩa trên lãnh thổ Palestine kết thúc.
Trong nhiều năm qua, Palestine và Việt Nam đã không ngừng nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực song chưa xứng với tiềm năng của hai nước do nhiều nguyên nhân khách quan. Trong đó, việc Palestine đến nay vẫn chịu sự chiếm đóng của Israel và chưa trở thành Nhà nước có chủ quyền là nguyên nhân cơ bản hạn chế việc triển khai các hoạt động thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế thương mại.
Tuy nhiên, với nền tảng của mối quan hệ hữu nghị hợp tác tốt đẹp giữa Palestine và Việt Nam trong suốt nhiều thập kỷ qua, tôi tin rằng, mối quan hệ này sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Palestine và Việt Nam sẽ luôn dành cho nhau những tình cảm và sự ủng hộ trên các diễn đàn khu vực và thế giới. Nhân dân Palestine biết ơn tình đoàn kết, sự ủng hộ của nhân dân Việt Nam và luôn lấy những bài học kinh nghiệm của Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập dân tộc và trong việc xây dựng một đất nước Việt Nam dân giàu nước mạnh là những bài học kinh nghiệm có ý nghĩa; tạo cho người dân Palestine động lực mạnh mẽ để tin tưởng vào thắng lợi sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của mình.
PV: Với vai trò là cầu nối quan hệ giữa Việt Nam và Palestine, Đại sứ quán đã tích cực phối hợp với một số ban, ngành và các cơ quan hữu quan của Việt Nam tổ chức các hoạt động nhằm tăng cường sự hiểu biết, mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước. Vậy, triển vọng của mối quan hệ giữa hai nước sẽ phát triển như thế nào trong thời gian tới, thưa Đại sứ?
Đại sứ Saadi Salama:Tôi là một người Palestine rất may mắn được đến Việt Nam từ rất trẻ và có duyên với đất nước Việt Nam. Tôi luôn ngưỡng mộ tinh thần chiến đấu anh dũng, sự cần cù, chịu khó của người dân Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, người dân Việt Nam đã đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam ngày một phát triển.
Nhiệm vụ của tôi không đơn thuần là một Đại sứ đại diện cho Nhà nước Palestine tại Việt Nam mà tôi còn có một nhiệm vụ đầy tự hào là làm thế nào để thúc đẩy mối quan hệ giữa Palestine và Việt Nam. Trong nhiều năm qua, xuất phát từ những tình cảm và trách nhiệm, cá nhân tôi và Đại sứ quán Palestine tại Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực khác nhau.
Ngay những năm đầu những năm 80, 90 của thế kỷ trước, khi mới sang học tập và nhận nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, tôi đã nỗ lực trong việc tổ chức thành công chuyến thăm của nguyên thủ Palestine đến thăm chính thức Việt Nam. Chuyến thăm đó đã đánh dấu mốc quan trọng góp phần thúc đẩy mối quan hệ trên các lĩnh vực giữa hai nước Palestine và Việt Nam. Bên cạnh đó, tôi đã thành công trong việc tạo cơ sở pháp lý cho mối quan hệ giữa hai nước thông qua việc ký kết một số hiệp định nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa Palestine và Việt Nam.
Bên cạnh việc thúc đẩy quan hệ chính trị giữa hai nước, tôi cũng rất quan tâm đến việc thúc đẩy quan hệ trên các lĩnh vực kinh tế thương mại, văn hóa giáo dục. Chúng tôi tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Palestine đến Việt Nam tìm hiểu khả năng phát triển mối quan hệ thương mại đầu tư. Với sự nỗ lực từ hai phía, đến nay nhiều mặt hàng nông sản, giày dép, dệt may của Việt Nam đã được xuất khẩu sang Palestine. Việc hàng hóa Việt Nam được tiêu thụ rộng rãi tại Palestine sẽ giúp người dân Palestine hiểu rõ hơn những thành công của Việt Nam trong việc xây dựng một nền kinh tế phát triển.
Hiện nay, bên cạnh việc tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước, chúng tôi đang làm việc với các cơ quan hữu quan của Việt Nam thành lập Ủy ban hỗn hợp Palestine – Việt Nam. Ủy ban này được thành lập sẽ đóng một vai trò tích cực trong việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Palestine.
Chúng tôi đang theo dõi sự phát triển của đất nước Việt Nam và quan tâm đến thế hệ trẻ Việt Nam – những người có vai trò tích cực trong việc xây dựng đất nước Việt Nam, tạo cho Việt Nam có một vị thế quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Về phía Đại sứ quán Palestine, chúng tôi luôn chủ động hợp tác với các đối tác Việt Nam nhằm giới thiệu, quảng bá về nền văn hóa lâu đời của Palestine, để người dân Việt Nam hiểu được bản chất của vấn đề Palestine như thế nào, hiểu nỗi khổ của người dân Palestine như thế nào, từ đó có cái nhìn cụ thể và sự chia sẻ sâu sắc với nhân dân Palestine, tiếp tục duy trì và phát triển tình đoàn kết, sự ủng hộ của nhân dân Việt Nam với nhân dân Palestine trong các giai đoạn tiếp theo.
PV: Năm 2016 là thời điểm đánh dấu 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới của Việt Nam. Đại sứ đánh giá như thế nào về những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của Việt Nam trong suốt 3 thập kỷ qua?
Đại sứ Saadi Salama:Là đại diện cơ quan ngoại giao của Nhà nước Palestine tại Việt Nam, tôi luôn theo dõi sự phát triển của Việt Nam trong từng thời kỳ, đặc biệt là trong thời kỳ Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước và nhân dân Việt Nam đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế .
Có thể khẳng định rằng, để có được kết quả trên, trước hết, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành công rực rỡ trong việc tập hợp và tăng cường tình đoàn kết, thống nhất của các tầng lớp nhân dân Việt Nam, cùng nhau đấu tranh để đất nước Việt Nam được độc lập, tự do; thứ hai, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định một cách rõ ràng, Việt Nam là một đất nước có một nền độc lập thực sự; thứ ba, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo thắng lợi việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển và hội nhập.
Cách đây 30 năm, khi thế giới phải đối phó với những chuyển biến phức tạp thì Đảng Cộng sản Việt Nam đã nắm vững tình hình và quyết định thực hiện công cuộc đổi mới, đưa Việt Nam phát triển trong một điều kiện kinh tế cực kỳ khó khăn. Bằng việc thực hiện đường lối đổi mới, đa phương hóa, đa dạng hóa… Việt Nam đã giữ vững được độc lập, đưa đất nước phát triển đi lên với những thành tựu to lớn.
Để đạt được những thành tựu kinh tế, giữ gìn độc lập và tiếp tục phát triển là nhiệm vụ không đơn giản nhưng Việt Nam đã thành công. Cá nhân tôi đã chứng kiến thời hậu chiến, vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi tôi sang học tập tại Việt Nam, điều kiện sống của nhân dân cực kỳ khó khăn. Việt Nam bị bao vây, cấm vận, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh và nhân dân Việt Nam phải nhập khẩu gạo từ nước ngoài. Khi thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia đóng vai trò tích cực trong việc bảo đảm an ninh lương thực trên thế giới. Điều này đã tạo cho Việt Nam một vị thế quan trọng ở khu vực và thế giới. Rất nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm và phát triển mối quan hệ với Việt Nam. Môi trường chính trị, an ninh – xã hội ổn định của Việt Nam và những chính sách đầu tư thông thoáng của Việt Nam đã tạo điều kiện cho những tập đoàn, công ty lớn của thế giới đến làm ăn tại Việt Nam.
Có thể nói, sự phát triển kinh tế của Việt Nam từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đã thể hiện tinh thần sáng tạo của nhân dân Việt Nam trong việc đưa đất nước Việt Nam phát triển trên mọi lĩnh vực. Thậm chí, cách đây 6 – 7 năm, khi thế giới phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế tài chính, Việt Nam đã thành công trong việc vượt qua những khó khăn đó và tiếp tục đạt được bước phát triển đáng kể.
Đại sứ Saadi Salama phát biểu tại Lễ kỷ niệm ngày quốc tế đoàn kết với nhân dân Palestine năm 2015 tại Hà Nội (Ảnh: KL)
Với những nhận thức đúng đắn và nhiều bài học kinh nghiệm, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra những quyết sách phù hợp với sự phát triển của đất nước, của khu vực và quốc tế, góp phần xây dựng nền kinh tế phát triển, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của nhân dân Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam là “kiến trúc sư” của những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử trong 30 năm Đổi mới.
PV: Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII vừa diễn ra thành công. Vậy theo Đại sứ, Đại hội lần này có ý nghĩa như thế nào đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?
Đại sứ Saadi Salama:Là một người có nhiều năm công tác tại Việt Nam, tôi đã vinh dự được tham dự Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ V (năm 1982 – khi còn là sinh viên đang theo học tại Hà Nội), Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VII (1991), Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI (2011), và Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII vừa diễn ra tại Hà Nội.
Trong 4 kỳ Đại hội trên, tôi cho rằng, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VII và Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII thu hút sự quan tâm đặc biệt của các chính trị gia và dư luận quốc tế, vì hai Đại hội này diễn ra trong lúc Việt Nam đối diện với nhiều thách thức trong khu vực và quốc tế. Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VII (năm 1991) diễn ra trong bối cảnh sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII diễn ra ở Việt Nam trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động và diễn biến phức tạp, nhất là tình hình Biển Đông, gây ra những thách thức không nhỏ cho quá trình đổi mới và nỗ lực tham gia các hiệp định tự do với các đối tác trong khu vực và quốc tế như: Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)…
Tôi tin tưởng rằng, phát huy những thành tựu đã đạt được trong những năm qua, Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII sẽ tiếp tục đẩy mạnh công cuộc Đổi mới, đề ra những biện pháp tháo gỡ khó khăn, giúp Việt Nam giành được nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; đưa Việt Nam tiếp tục hội nhập, phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới.
PV: Là người nước ngoài đã có nhiều năm công tác và gắn bó với đất nước Việt Nam, Đại sứ có thể chia sẻ cảm nhận và ấn tượng về Tết cổ truyền của Việt Nam?
Đại sứ Saadi Salama:Như tôi đã nói ở trên, tôi là người may mắn được đến Việt Nam từ rất trẻ và có nhiều năm học tập và công tác tại Việt Nam nên hiểu rất rõ về phong tục tập quán của người dân Việt Nam. Tết Việt Nam là sự kiện quan trọng đối với nhân dân Việt Nam. Đây là dịp tăng cường tình đoàn kết trong gia đình và trong toàn xã hội, Tết làm cho người Việt Nam gắn bó với nhau hơn. Theo tôi nghĩ người dân Việt Nam cần giữ gìn phong tục tập quán đó vì nó thể hiện được nét đẹp văn hóa đặc sắc của đất nước mình.
Khác với Việt Nam, ở Palestine có rất nhiều tôn giáo khác nhau cho nên người dân nhiều dịp Tết khác nhau trong đó đặc sắc nhất là Tết Hồi giáo. Đối với Tết Hồi giáo, mỗi năm có Tết nhỏ và Tết lớn, Tết nhỏ rơi vào thời điểm sau tháng ăn kiêng Ramada và Tết lớn rơi vào thời điểm sau Lễ hành hương về thánh địa Macca của người Hồi giáo. Tuy nhiên, Tết cổ truyền Việt Nam và Tết Hồi giáo của Palestine có một số nét tương đồng là vào dịp này, người dân Palestine cũng thường mừng tuổi nhau, đi chúc tết, thăm hỏi nhau… Bên cạnh đó, tại Palestine, người dân theo đạo Thiên chúa cũng tổ chức đón Noel và Tết Dương lịch.
Nhân dịp Xuân Bính Thân năm 2016, thay mặt Đại sứ quán Palestine tại Việt Nam, tôi xin gửi tới toàn thể lãnh đạo và cán bộ phóng viên, biên tập viên và độc giả Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam lời chúc sức khỏe, may mắn và thành công.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()