Thứ 4, 27/11/2024 14:32 [(GMT +7)]
Đẳng cấp hàng đầu - Sự trỗi dậy của các trường đại học Châu Á
Thứ 5, 13/05/2010 | 09:18:00 [(GMT +7)] A A
Đại học đẳng cấp thế giới được quan niệm như thế nào? Các quốc gia nên làm gì để đạt được mục tiêu đó ? Trong quan niệm của Phương Tây và các nước châu Á có sự khác biệt gì về vấn đề này? Con đường đi của Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Singapore có điều gì đáng nói, theo nhìn nhận của một học giả hàng đầu của Mỹ ? NDĐT giới thiệu bài viết của Richard C.Levin, Chủ tịch Đại học Yale, Hoa Kỳ đăng trên tạp chí Các vấn đề đối ngoại, Hoa Kỳ số tháng 5-6/2010 về vấn đề này như một tư liệu tham khảo.
Sự phát triển kinh tế chóng mặt của châu Á kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai- bắt đầu với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và sau đó là Hong Kông và Singapore và cuối cùng đang tạo được vị thế đầy sức mạnh ở Ấn Độ và Trung Quốc – đã vĩnh viễn làm biến đổi thế cân bằng quyền lực trên thế giới.
Những quốc gia này đã nhận thức được tầm quan trọng của lực lượng lao động có giáo dục đối với tăng trưởng kinh tế, và họ hiểu rằng, đầu tư trong nghiên cứu sẽ làm cho các nền kinh tế của họ có tính đổi mới và cạnh tranh hơn.
Bắt đầu vào những năm của thập kỷ sáu mươi, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã tìm cách tạo cho người dân của mình quyền tiếp cận mạnh mẽ hơn với giáo dục bậc sau trung học phổ thông và họ đã đạt được những kết quả rất ấn tượng.
Ngày nay, Trung Quốc và Ấn Độ, thậm chí còn có chương trình tham vọng hơn.
Cả hai nước đều tìm kiếm mở rộng các hệ thống đại học của mình, và kể từ cuối thập kỷ chín mươi, Trung Quốc đã thực hiện điều này một cách ấn tượng.
Cả hai nước cũng khát khao tạo nên một số lượng hạn chế các trường đại học đẳng cấp quốc tế. Ở Trung Quốc, chín trường đại học đã nhận được tài trợ bổ sung của chính phủ được biết đến với tên gọi: C9- một dạng liên minh các trường đại học danh tiếng ở Trung Quốc (tương tự như liên minh các trường đại học nổi tiếng vùng đông bắc Hoa Kỳ như: Brown, Columbia, Corrnell, Dartmouth, Harvard, Princeton, University of Pennsylvania và Yale)
Tại Ấn Độ, Bộ Phát triển Nguồn nhân lực mới đây đã thông báo dự định xây dựng 14 đại học hỗn hợp tầm cỡ đẳng cấp quốc tế. Các cường quốc châu Á khác cũng không muốn bị bỏ lại đằng sau: Singapore dự định sẽ xây trường Đại học Công nghệ và Tạo mẫu cộng đồng mới bổ sung cho một trường Mỹ thuật tự do mang phong cách Mỹ là một nhánh của trường Đại học Quốc gia Singapore.
Những sáng kiến này cho thấy rằng các chính phủ ở Châu Á hiểu rằng, việc thẩm tra các hệ thống đại học của mình là cần thiết để duy trì sự tăng trưởng trong một nền kinh tế tri thức toàn cầu thời kỳ hậu công nghiệp.
Các nước này cũng đang đạt được những tiến bộ bằng cách đầu tư vào nghiên cứu, cải tổ hướng tiếp cận truyền thống trong các chương trình giảng dạy cũng như trong giáo dục học và đang bắt đầu thu hút đội ngũ giảng viên nổi tiếng từ nước ngoài.
Dù vẫn còn nhiều thách thức, song rất có khả năng đến giữa thế kỷ 21, các trường đại học hàng đầu châu Á sẽ lọt vào số những trường đại học tốt nhất trên thế giới.
Những quốc gia tiên phong
Trong những giai đoạn đầu của sự phát triển thời kỳ hậu chiến, các chính phủ châu Á đã hiểu rằng một sự tiếp cận mạnh mẽ hơn với giáo dục đại học sẽ là điều kiện tiên quyết để duy trì tăng trưởng kinh tế. Một lực lượng lao động được đào tạo tốt, có học đã giúp biến đổi đất nước Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ trong nửa thế kỷ, đầu tiên từ những nền kinh tế nông nghiệp đã trở thành nền kinh tế sản xuất hàng hóa, rồi sau đó từ những nền kinh tế tập trung chủ yếu vào việc sản xuất chỉ đòi hỏi tay nghề thấp chuyển sang nền sản xuất đòi hỏi kỹ năng lành nghề.
Với sự đầu tư đáng kể của chính phủ, các hệ thống đại học ở cả hai nước này đã được mở rộng một cách nhanh chóng. Tại Nhật Bản, tỷ lệ đăng ký tuyển sinh tổng cộng – chỉ một phần nhỏ của số dân trong tuổi học đại học trên thực tế đăng ký vào các trường thuộc hệ giáo dục sau THPT – đã tăng từ 9% vào năm 1960 lên 42 % vào giữa những năm 90s. Ở Hàn Quốc, con số này, thậm chí còn cao hơn, từ 5% vào năm 1960 tới trên 50% vào giữa những năm 90s.
Trong giai đoạn này, Trung Quốc và Ấn Độ đã bị bỏ xa đằng sau. Thậm chí, trong giữa thập niên 90s, chỉ có 5% công dân Trung Quốc trong độ tuổi học đại học còn ở lại trường, đưa Trung Quốc xếp cùng hàng với Bangladesh, Botswana, và Swaziland.
Ở Ấn Độ, bắt chấp cố gắng thời hậu chiến muốn tạo ra một nhóm các trường đại học đa ngành tầm quốc gia và sau đó là Học viện Công nghệ dành cho giới tinh hoa Ấn Độ, tỷ lệ đăng ký tuyển sinh tổng trong độ tuổi học đại học vẫn chỉ chiếm 7% trong thập niên 90s.
Vào cuối những năm 90s, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã hiểu rằng đất nước của họ phải bắt kịp xu thế này. Phát biểu tại lễ kỷ niệm lần thứ một trăm ngày thành lập trường Đại học Bắc Kinh năm 1998, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đã đề ra kế hoạch mở rộng mạnh mẽ hệ thống giáo dục đại học của Trung Quốc. Và Chính quyền Trung Quốc đã làm cho điều đó xảy ra- nhanh hơn bất cứ một cố gắng tương tự nào trước đó trong lịch sử.
Vào năm 2006, Trung Quốc đã chi 1,5% GDP của nước này cho giáo dục đại học, gần gấp ba lần con số đã được chi tiêu trong thập kỷ trước.
Những kết quả đầu tư của Bắc Kinh đang gây ra sự choáng váng. Hơn một thập kỷ sau lời tuyên bố của Chủ tịch Giang, con số các trường đại học của hệ giáo dục đại học ở Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi, từ 1.022 trường lên tới 2.263 trường. Trong khi đó số người Trung Quốc đăng ký vào một trường đại học mỗi năm đã tăng gấp năm lần- từ một triệu sinh viên vào năm 1997 tới hơn 5,5 triệu vào năm 2007. Sự mở rộng này là điều bất ngờ không hề được dự báo và số đăng ký nhập học đại học ở Trung Quốc giờ đây đã đứng đầu thế giới.
Tuy vậy, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài phải đi tiếp để đạt được những khát vọng liên quan tới cơ hội tiếp cận nền giáo dục đại học. Bắt chấp trào lưu này, tỷ lệ đăng ký tuyển sinh vào hệ giáo dục đại học của Trung Quốc mới chỉ đạt 23%, so với tỷ lệ 58 % ở Nhật Bản, 59 % ở Anh, 82% ở Hoa Kỳ và sự bành trướng này đã chậm lại kể từ năm 2006 do nỗi e ngại rằng số lượng đăng ký vượt quá năng lực của đội ngũ giảng viên để có thể duy trì chất lượng đào tạo tại một số trường.
Tỷ lệ sinh viên-giáo viên đã tăng gấp đôi trong một thập kỷ qua. Song việc đăng ký sẽ vẫn tiếp tục gia tăng bởi có nhiều giáo viên được đào tạo do các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của nguồn nhân lực được đào tạo đối với sự phát triển kinh tế.
Sự thành công của Ấn Độ, đến bây giờ gần như không còn gây ấn tượng nữa, song khát vọng của họ vẫn không kém phần sôi sục.
Vốn là một nền dân chủ lớn trên thế giới, Ấn Độ đang trên đường trở thành một quốc gia đông dân nhất trong hai thập kỷ và dự kiến vào năm 2050, nếu mức tăng trưởng của nước này vẫn được duy trì thì Ấn Độ có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Để đáp ứng nguồn nhân lực cho tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Bộ phát triển nguồn nhân lực Kapil Sibai đã đặt mục tiêu gia tăng tỷ lệ đăng ký tuyển sinh đại học tổng của nước này trong khu vực giáo dục sau THPT từ 12% lên tới 30 % vào năm 2020.
Mục tiêu này thể hiện bằng sự gia tăng tới 40 triệu sinh viên trong các trường đại học Ấn Độ trong vòng một thập kỷ tới – chắc chắn sẽ là một mục tiêu đầy tham vọng, song thậm chí chỉ một nửa con số đó thôi cũng đủ được coi là một thành tích xuất sắc.
Cạnh tranh với những nước có nền giáo dục hàng đầu
Trong khi đã đạt được những tiến bộ to lớn trong việc mở rộng cơ hội tiếp cận nền giáo dục đại học cho nhân dân, các quốc gia châu Á đi đầu đang tập trung vào mục tiêu thậm chí là đầy thách thức hơn: đó là xây dựng các trường đại học có khả năng cạnh tranh với những trường tốt nhất trên thế giới.
Chính phủ Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, và Hàn Quốc rõ ràng đang tìm cách nâng tầm một số trường đại học của mình theo chuẩn mực này bởi vì họ hiểu rõ vai trò quan trọng của nghiên cứu khoa học trong các trường đại học đến việc dẫn dắt tăng trưởng kinh tế ở Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản.
Và họ hiểu rằng các trường đại học đẳng cấp quốc tế là nơi lý tưởng để đào các sinh viên có nghề các ngành khoa học, công nghiệp, chính trị học và xã hội công dân – tạo ra những người có quan điểm tri thức và kỹ năng phê phán để giải quyết các vấn đề, để đổi mới và lãnh đạo.
Để đạt được sự thừa nhận này, không phải một sớm một chiều.
Ngày nay, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn còn trong giai đoạn phát triển cho phép cạnh tranh với các quốc gia khác nhờ lợi thế chi phí lao động rẻ. Những chi phí nhân công này sẽ vẫn còn thấp, chừng nào còn lực lượng lao động dôi dư trong khu vực nông nghiệp.
Song dần dần, như đã xảy ra ở Nhật Bản và Hàn Quốc – khu vực sản xuất công nghiệp sẽ lớn mạnh để thu hút nguồn nhân lực thừa này, và do thiếu nguồn cung thường xuyên lao động giá rẻ, tiền lương sẽ bắt đầu tăng.
Trong giai đoạn đó, sẽ không thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế mà không đi kèm đổi mới, tạo ra những sản phẩm mới và dịch vụ mới, trong đó nhiều sản phẩm và dịch vụ là kết quả của việc nghiên cứu dựa trên thành tựu khoa học cơ bản.
Trong cuộc đua đô thị hóa hiện nay, Trung Quốc sẽ bắt đầu đánh mất ưu thế nguồn nhân công rẻ vào khoảng hai thập kỷ tới. Ấn Độ sẽ đạt tới ranh giới tương tự vào khoảng một thập kỷ sau. Điều này tạo cho cả hai quốc gia thời gian cần thiết để tạo dựng khả năng đổi mới của mình.
Để đơn giản hóa điều này, hãy xem xét vẫn đề nan giải sau: Nhật Bản tăng trưởng nhanh hơn Mỹ trong giai đoạn từ 1950 tới 1990 do nguồn lao động dôi dư của họ đã bị hút vào công nghiệp, và lại phát triển rất chậm so với chính Hoa Kỳ giai đoạn sau đó.
Giờ đây, hãy xem, liệu Nhật Bản có phát triển chậm đến mức như vậy không nếu Micrrosoft, Netscape, Apple và Gooogle là các tập đoàn của Nhật Bản. Có lẽ là không. Đó là sự đổi mới dựa trên khoa học cho phép nước Mỹ bỏ xa Nhật Bản trong hai thập kỷ trước thời điểm khủng hoảng vào năm 2008. Đó cũng là sự thất bại của Nhật Bản trong đổi mớph – nguyên nhân chính gây ra sự tụt hậu của nước này.
Phát triển các trường đại học hàng đầu là một mục tiệu cao vời vợi. Các trường đẳng cấp quốc tế có được vị trí này bằng cách tuyển mộ những học giả là lãnh đạo tầm cỡ toàn cầu trong các lĩnh vực. Để đạt được điều này đòi hỏi phải mất nhiều thời gian.
Phải mất hàng thể kỷ để Đại học Harvard và Đại học Yale đạt được sự bình đẳng so với Đại học Oxford và Đại học Cambridge và phải mất hơn nửa thế kỷ đối với Đại học Stanford và University of Chicago ( cả hai trường đều thành lập năm 1892) để đạt được uy tín tầm cỡ thế giới.
Trường đại học Châu Á duy nhất lọt vào tốp 25 trường đại học uy tín toàn cầu chính là ĐH Tokyo được thành lập vào năm 1877.
Ở hầu hết các nước này, xây dựng các trường đại học có đủ năng lực nghiên cứu tầm quốc tế đồng nghĩa với việc thu hút các học giả trình độ cao nhất. Trong khoa học, điều này đòi hỏi trang thiết bị nghiên cứu hàng đầu, tài trợ nghiên cứu tương ứng, lương và đãi ngộ cạnh tranh. Trung Quốc đang đầu tư cơ bản cho tất cả những ưu tiên nóng bỏng này. Các đại học hàng đầu của TP Thượng Hải (Shanghai) như Đaị học Phúc Đán (Fudan), Đại học Giao thông Thượng Hải…- mỗi trường đều phát triển toàn bộ các khuôn viên đại học mới trong vài năm gần đây.
Họ có những cơ sở nghiên cứu nổi tiếng và đều được đặt gần kề với các đối tác công nghiệp. Tài trợ cho nghiên cứu ở Trung Quốc đã gia tăng song song với việc mở rộng đăng ký học đại học và các trường đại học Trung Quốc giờ đây có thể cạnh tranh mạnh hơn, hiệu quả hơn với chất lượng trí tuệ của đội ngũ cán bộ giảng dạy tầm cỡ toàn cầu.
Vào những năm 90, chỉ có 10 % số nhà khoa học Trung Quốc đạt học vị Ph.D trong khoa học và chế tạo máy ở Hoa Kỳ trở về đại lục phục vụ.
Con số đó giờ đây đang tăng lên, và rất nhanh chóng, Trung Quốc đã có thể thu hút hồi hương các học giả Hoa kiều đang ở tầm tuổi bừng nở sự nghiệp của mình dám dứt bở những vị trí trọn đời ở Mỹ và Anh do bị hấp dẫn bởi điều kiện làm việc ở đại lục đã được cải thiện đáng kể và còn bởi có cơ hội tham gia vào sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ấn Độ cũng vậy, đang có được thành công trong việc lôi kéo các Ấn kiều thành đạt ở nước ngoài về nước, tuy nhiên Ấn Độ vẫn tiến hành cách thức đầu tư mà Trung Quốc đã thực hiện trong việc nâng cao cơ sở đào tạo và trang thiết bị, đẩy mạnh tài trợ cho nghiên cứu và tăng lượng cho các giáo sư hàng đầu.
Ưu tiên nghiên cứu
Ngoài các điều kiện vật chất đòi hỏi cần phải có để thu hút đội ngũ giáo viên giỏi, một hệ thống phân phối tài trợ nghiên cứu hiệu quả cũng rất cần thiết.
Các nguyên tắc cơ bản cho việc tạo nên một hệ thống như vậy đã được vạch ra từ năm 1945 trong báo cáo của Vannever Bush, người mà sau này trở thành Cố vấn Khoa học cho Tổng thống Mỹ Harry Truman.
Báo cáo này nói rõ, các phát kiến trong khoa học cơ bản chính là nền tảng cho sự phát triển các công nghệ phục vụ các ngành công nghiệp. Báo cáo cũng lưu ý rằng, những lợi ích kinh tế từ những lợi thế này trong khoa học cơ bản thường không được tích lũy trong nhiều thập kỷ. Và tại thời điểm có những đột phá khoa học, những lợi thế đó thường mang lại những kết quả hầu như nằm ngoài dự kiến.
Thí dụ, khi tia laser lần đầu tiên được phát minh ra vào cuối thập niên 50, không ai có thể tưởng tượng rằng nó sẽ trở nên hữu dụng trong phẫu thuật mắt hàng thập kỷ sau đó. Bởi hiếm khi nhà phát minh đầu tiên có thể thu được đầy đủ lợi ích kinh tế từ những cải tiến trong khoa học cơ bản, nên các công ty tư nhân thường không có động lực để thực hiện những đầu tư sản xuất mang tính xã hội. Do đó, Chính phủ cần phải đi đầu trong công việc này.
Báo cáo năm 1945 của Bush đã hình thành nên khung cơ sở cho việc Chính phủ Mỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học. Điều này được hình thành trên ba nguyên tắc vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Trước hết, Chính quyền Liên bang chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc tài trợ các khoa học cơ bản.
Thứ hai, các trường đại học – hơn là các phòng thí nghiệm cho Chính phủ điều hành, các viện nghiên cứu không có nhiệm vụ giảng dạy, hoặc các công ty tư nhân – chính là các thể chế cơ bản chịu trách nhiệm thực hiện những nghiên cứu do chính phủ tài trợ
Thứ ba, mặc dù chính phủ xác định tổng vốn tài trợ phù hợp cho các lĩnh vực khoa học khác nhau, song những dự án và chương trình đặc thù được quyết định không phải dựa trên những nền tảng thương mại hay chính trị mà là thông qua một quá trình đánh giá lựa chọn chuyên sâu, trong đó các chuyên gia độc lập đánh giá đánh giá các đề xuất chỉ dựa trên tinh thần cống hiến khoa học của các đề tài.
Hệ thống này đã tạo nên một kết quả đáng kinh ngạc. Nó có lợi từ việc làm phát lộ ra những nhà khoa học tốt nghiệp đại học ngay trong quá trình đào tạo, thậm chí cả những người chưa kết thúc việc đuổi sự nghiệp khoa học suốt một quá trình dài – với việc nghiên cứu những kỹ thuật và những lĩnh vực mũi nhọn.
Nó cho phép các nghiên cứu sinh tận mắt chứng kiến một ngành khoa học có ý nghĩa, hơn là chỉ đọc về các dấu mốc khoa học ở thập kỷ gần nhất trong sách giáo khoa. Và điều đó có nghĩa rằng, chỉ có những nghiên cứu tốt nhất mới được tài trợ – chứ không phải là những nghiên cứu được những thành viên cao cấp nhất của một khoa, bộ môn hay được những người có quan hệ chính trị tốt giới thiệu bảo lãnh.
Ở châu Á, điều này không phải là cơ chế tiêu biểu trong tài trợ nghiên cứu.
Từ góc độ lịch sử, hầu hết các nghiên cứu khoa học ở châu Á đều là một bộ phận nằm trong các trường đại học, các viện nghiên cứu và các phòng thí nghiệm do Chính phủ quản lý.
Tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, vốn tài trợ về cơ bản được phân bổ trực tiếp cho những nghiên cứu và phát triển ứng dụng (R&D) và chỉ một phần rất nhỏ dành cho khoa học cơ bản. Thí dụ tại Trung Quốc, chỉ khoảng 5% vốn tài trợ cho nghiên cứu và phát triển là dành cho nghiên cứu cơ bản so với tỷ lệ 10-30 % ở hầu hết các nước phát triển
Về khoản vốn tài trợ cho khoa học trích từ GDP, Mỹ chi nhiều hơn gấp bẩy lần so với chi tiêu của Trung Quốc cho nghiên cứu cơ bản
Ngoài ra, ở hầu hết các nước châu Á, đánh giá của các chuyên gia dựa trên cơ sở cống hiến khoa học của các nghiên cứu rất ít được sử dụng cho các tài trợ lớn . Nhật Bản trước đây đã đặt hàng một số lượng lớn đề tài nghiên cứu cho các nhà khoa học cao cấp nhất. Mặc dù trong vài năm gần đây Tokyo đang dần nhận thức rằng cần phải dành một phần quỹ nghiên cứu lớn hơn cho các đánh giá lựa chọn, song chỉ 14% mức chi của Chính phủ Nhật Bản dành cho những nghiên cứu không liên quan tới quốc phòng trong năm 2008 được dành cho việc đánh giá lựa chọn các nghiên cứu. Con số này ở Mỹ là 73 %.
Như thế, không nghi ngờ gì nữa, các chính phủ châu Á hiện coi nghiên cứu và phát triển (R&D) là một ưu tiên. Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển ở Trung Quốc đã tăng nhanh chóng trong những năm gần đây, từ 0,6 GDP trong năm 1995 tới 1,3% trong năm 2005.
Con số này vẫn rất thấp dưới mức chi tiêu của các nước phát triển cho nghiên cứu khoa học, song chắc chắn mức chi tiêu này sẽ còn tăng thêm nữa.. Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển tới 2,5 % GDP vào năm 2020.
Thêm đó cũng có vài bằng chứng cho việc trả lượng thông qua tài trợ nghiên cứu gia tăng: từ 1995 đến 2005, các học giả Trung Quốc đã tăng gấp bốn lần số lượng các công trình nghiên cứu được xuất bản trên các tạp chí công nghệ và khoa học hàng đầu.
Chỉ có Mỹ, Anh, Đức và Nhật Bản chiếm số lượng lớn hơn.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()