Ðảng bộ và nhân dân Phú Yên đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đưa tỉnh phát triển giàu mạnh
Hôm nay (1-4), Phú Yên tổ chức lễ kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển, đúng vào dịp 36 năm Ngày giải phóng Phú Yên, đánh dấu một chặng đường hình thành, phát triển đi lên của một vùng đất anh hùng. Đảng bộ và nhân dân Phú Yên tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đưa Phú Yên ngày càng phát triển giàu đẹp.Từ những năm cuối thế kỷ 16, những lưu dân người Việt đầu tiên từ vùng Thuận Quảng theo Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh vào khai khẩn, mở mang vùng đất ki-mi từ dãy Cù Mông đến núi Đá Bia để sinh cơ, lập nghiệp. Đến năm 1611, vùng đất này dần trở nên trù phú, chúa Nguyễn Hoàng cho thành lập phủ Phú Yên với hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa. Từ đây, các thế hệ người Việt, người Chăm, người Ê Đê, người Ba Na và sau này có thêm những người Hoa chống triều đình nhà Thanh đến lập nghiệp, đã đoàn kết chung lòng cùng nhau lao động sản xuất, chiến đấu hy sinh để bảo vệ,...
Từ những năm cuối thế kỷ 16, những lưu dân người Việt đầu tiên từ vùng Thuận Quảng theo Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh vào khai khẩn, mở mang vùng đất ki-mi từ dãy Cù Mông đến núi Đá Bia để sinh cơ, lập nghiệp. Đến năm 1611, vùng đất này dần trở nên trù phú, chúa Nguyễn Hoàng cho thành lập phủ Phú Yên với hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa. Từ đây, các thế hệ người Việt, người Chăm, người Ê Đê, người Ba Na và sau này có thêm những người Hoa chống triều đình nhà Thanh đến lập nghiệp, đã đoàn kết chung lòng cùng nhau lao động sản xuất, chiến đấu hy sinh để bảo vệ, dựng xây và tôđiểm cho vùng đất Phú Yên ngày càng đơm hoa kết trái.
Trải qua 400 năm, người dân Phú Yên vượt qua bao thách thức nghiệt ngã của thiên nhiên, dịch bệnh, để xây làng lập ấp và phát triển kinh tế – xã hội. Với việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ gần 70 năm làm dinh Trấn biên phía nam của Tổ quốc; với các cuộc khởi nghĩa Cần Vương rộng khắp tỉnh mang đậm hào khí 'thà chết không chịu nhục' do Lê Thành Phương và các sĩ phu yêu nước lãnh đạo; và đặc biệt với việc lập nên những chiến công xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, được Nhà nước tăng thưởng Huân chương Sao Vàng và phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tỉnh; 100% số huyện, thị xã, thành phố, 70% số xã và nhiều đơn vị, cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng… có thể khẳng định những giá trị truyền thống tốt đẹp của nhân dân Phú Yên qua 400 năm hình thành và phát triển: Đó là lòng yêu nước sâu sắc và tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất không cúi đầu trước kẻ thù xâm lược; đó là sự đoàn kết gắn bó, tình làng nghĩa xóm, trọng nghĩa, đùm bọc chia ngọt xẻ bùi 'mít non gởi xuống, cà chuồn gởi lên' của cư dân trên vùng đất Phú Yên; đó là bản chất cần cù lao động chân chất, tự lực tự cường, luôn biết vượt khó vươn lên; và đó là sự nhường nhịn nhau, biết vì người khác trong cộng đồng, thủy chung với bạn bè, 'Hạt trắng, hạt trong chuyển qua Dốc Mõ, hạt đen hạt đỏ để lại nuôi con'… Những truyền thống tốt đẹp trên của nhân dân Phú Yên đang được phát huy nhân rộng trong công cuộc đổi mới xây dựng quê hương.
Phú Yên kỷ niệm 400 năm đúng vào ngày kỷ niệm 36 năm giải phóng Phú Yên, trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước Phú Yên cũng đã giành được những thành tựu đáng tự hào. Phú Yên đã từng nổi tiếng là vựa thóc của khu 5, từng là quê hương của bò vàng, mía đường, bông vải và phong phú nông, lâm thổ sản. Nhưng Phú Yên là vùng đất bị thiệt hại nặng nề trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với chủ trương 'giết sạch đốt sạch và phá sạch', trong những năm chiến tranh kẻ thù đã mở nhiều cuộc càn quét rải thảm bom đạn và thuốc khai quang. Sau giải phóng, Phú Yên có hơn 13.300 liệt sĩ, hơn 5.300 thương binh, hàng vạn người bị nhiễm chất độc da cam. Có hơn hai phần ba làng, xã trở thành vành đai trắng, hơn ba phần tư ruộng đất bị hoang hóa… Do vậy, những năm đầu hòa bình trong điều kiện nhập tỉnh Phú Khánh, nhân dân Phú Yên đã tập trung khai hoang phục hóa, xây dựng lại xóm làng và hàn gắn những vết thương chiến tranh. Đến tháng 7-1989, tỉnh Phú Yên được tái lập và bước vào sự nghiệp đổi mới trên cơ sở một tỉnh thuần nông nghèo, xuất phát điểm rất thấp… toàn tỉnh chỉ có một cơ sở công nghiệp là Nhà máy điện đi-ê-den công suất 7.000 kW, thu ngân sách năm 1990 chỉ 40 tỷ đồng…
Dưới ánh sáng đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, toàn Đảng bộ, toàn dân Phú Yên đã phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã có từ thời chiến tranh sang xây dựng hòa bình, đoàn kết và nỗ lực lao động sáng tạo đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH quê hương và giành được những thành tựu quan trọng. Thành tựu nổi bật là Phú Yên đã cơ bản thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo. Nền kinh tế liên tục phát triển với tốc độ khá cao và chuyển dịch đúng hướng, năm 2010 có cơ cấu kinh tế: công nghiệp xây dựng chiếm 34,4% dịch vụ 36,4% và nông nghiệp còn 29,2%. Thế mạnh về nông nghiệp của Phú Yên được phát huy theo hướng nâng cao hiệu quả gắn với chế biến và xuất khẩu. Công nghiệp đã hình thành ba khu công nghiệp tập trung, nhiều cụm, điểm công nghiệp và xây dựng được một số nhà máy trên các lĩnh vực chế biến, thủy điện, sản xuất tân dược… Ngành dịch vụ cũng tiếp tục phát triển mạnh, có một số cơ sở du lịch đạt chuẩn 4-5 sao. Phú Yên đã bước đầu tạo được một số sản phẩm có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế như một số thương hiệu tân dược, nhân hạt điều, đường RE, cá ngừ đại dương, tôm hùm…
Thành tựu thứ hai là vốn đầu tư xã hội được huy động tốt, năm sau tăng cao hơn năm trước. Nhiệm kỳ 2006-2010 huy động 28.000 tỷ đồng tăng ba lần nhiệm kỳ 2001-2005. Nhờ vậy, tỉnh cũng đã hoàn thành được một số kết cấu hạ tầng quan trọng như khôi phục sân bay Tuy Hòa, hoàn thành giai đoạn 1 cảng Vũng Rô, hoàn thành cơ bản cầu, đường Hùng Vương và nhiều hạng mục công trình tuyến động lực ven biển, đầu tư trục đường miền tây nối liền ba huyện miền núi. Đã xây dựng ba nhà máy thủy điện sông Ba Hạ, Krông Năng, sông Hinh với tổng công suất 360 MW và hoàn thành việc đưa điện lưới đến 100% số thôn, buôn trong tỉnh. Hạ tầng về bưu chính viễn thông, thủy lợi, cấp nước được mở rộng. Tốc độ đô thị hóa được đẩy nhanh, TP Tuy Hòa đang phấn đấu trở thành đô thị loại II trước năm 2013, hạ tầng thị xã Sông Cầu và nhiều thị trấn, huyện lỵ đang từng bước được mở rộng khang trang. Các doanh nghiệp cũng đã đầu tư xây dựng nhiều khách sạn, resort chất lượng cao như Cendelux, Kaza, Du lịch Sài Gòn, Long Bech, Sao Việt, Bãi Tràm…
Thành tựu thứ ba là cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa giáo dục, an sinh xã hội được chăm lo tích cực và chuyển biến tốt. Phú Yên sớm được công nhận tỉnh phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Đã thành lập trường đại học, trường Cao đẳng nghề, cùng các trường cao đẳng, phân viện của các Bộ trên địa bàn hoàn thành được hệ thống đào tạo nhân lực. Bệnh viện đa khoa mới 500 giường, một số bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện tuyến huyện và hệ thống y tế tuyến xã được nâng cấp đã góp phần ngăn chặn dịch bệnh phát triển và thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia. Tỉnh đã thực hiện tốt chương trình giải quyết việc làm, hạ tỷ lệ hộ nghèo còn 9% (tiêu chí cũ) hỗ trợ xóa hơn 9.000 nhà tạm, hộ nghèo và không để xảy ra đói rét, dịch bệnh khi có thiên tai.
Các lĩnh vực thông tin báo chí, văn hóa-văn nghệ phát triển nhanh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư, phát huy dân chủ ở cơ sở được triển khai sâu rộng trong nhân dân. Những thành quả trên lĩnh vực văn hóa – xã hội của tỉnh đã góp phần quan trọng ổn định cuộc sống nhân dân, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta là quan tâm chăm lo người nghèo, chăm lo toàn diện cả đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhân dân.
Thành tựu thứ tư là tình hình chính trị – xã hội ổn định, quốc phòng-an ninh được tăng cường vững mạnh. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể vững mạnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến cuối năm 2008, 100% số thôn buôn, khu phố và các trường học từ tiểu học trở lên đã xây dựng được Chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo. Những thành tựu trên đã tạo tiền đề vững chắc cho tỉnh thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.
Tuy cơ bản thoát nghèo nhưng GDP bình quân đầu người năm 2010 của Phú Yên vẫn thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 đã đề ra mục tiêu phương hướng tổng quát của Phú Yên đến năm 2015 là 'Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới theo định hướng XHCN, đưa Phú Yên phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đạt mức bình quân chung cả nước và tạo tiền đề để đến năm 2020, Phú Yên cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp'.
Đại hội đã xác định các chỉ tiêu chủ yếu như GDP bình quân năm năm tới tăng 13-13,5%/năm, GDP bình quân đầu người đến 2015 là 36-37 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế: nông, lâm, thủy sản chiếm 19,5-20%, công nghiệp, xây dựng 40-41,5%, dịch vụ 39-40%. Để thực hiện phương hướng nhiệm vụ các mục tiêu, chỉ tiêu trên, Đại hội đã đề ra 10 nhóm giải pháp nhiệm vụ phát triển, trong đó tập trung thực hiện ba nhiệm vụ có tính đột phá: Xây dựng hoàn thành kết cấu hạ tầng khu kinh tế nam Phú Yên giai đoạn 1 và một số công trình giao thông quan trọng; tạo chuyển biến trong việc thực hiện mục tiêu phát triển hiệu quả và bền vững trong nông nghiệp và nông thôn; đầu tư phát triển nguồn nhân lực… Với việc được Chính phủ cho phép tổ chức kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành phát triển và đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ 2011, Phú Yên có cơ hội đánh thức tiềm năng to lớn về du lịch biển đảo để phát triển nhanh hơn. Về du lịch, theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của Phú Yên đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì 'Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghiệp sạch mang mầu sắc độc đáo riêng'. Phấn đấu đến năm 2015, lượng khách du lịch đến Phú Yên đạt hơn 850 nghìn lượt khách, tăng bình quân 18,7%/năm, trong đó khách quốc tế chiếm từ 10% đến 12%. Năm nay, một trong những mục tiêu của tỉnh là tổ chức thành công sự kiện 400 năm Phú Yên và Năm du lịch Quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ tại Phú Yên. Đây là cơ hội để Phú Yên giới thiệu, quảng bá rộng rãi đất nước, con người Phú Yên nói chung và tiềm năng du lịch nói riêng đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước. Trong số hơn 30 sự kiện được tổ chức tại tám tỉnh, thành phố trong Năm du lịch Quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ, thì Phú Yên có 18 sự kiện với các hoạt động văn hóa phong phú, hấp dẫn. Chắc chắn rằng, qua những hoạt động trên mọi người sẽ biết và hiểu về Phú Yên nhiều hơn. Để phục vụ cho sự kiện này, thời gian qua tỉnh Phú Yên đã thực hiện nhiều phần việc quan trọng. Trong đó tỉnh triển khai thi công hàng loạt dự án, công trình, phục vụ tham quan du lịch. Các dự án này đang được gấp rút triển khai, nhiều công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.
KỶ niệm 400 năm thành lập tỉnh, Đảng bộ, quân và dân Phú Yên nhân lên niềm tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương ra sức đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đưa nhanh Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 vào cuộc sống.
Theo Nhandan
Ý kiến ()