Đảng bộ tỉnh nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng
LSO- Những năm qua, Đảng bộ tỉnh và các cấp ủy luôn xác định rõ giáo dục chính trị tư tưởng là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng. Vì vậy, ngày 2/11/2006, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU về tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân.
Chuẩn bị tư liệu cho Bản tin nội bộ ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn. Ảnh: BT
Để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền; gắn nghiên cứu, học tập các chỉ thị, nghị quyết với việc xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, đề án sát với thực tiễn. Hằng năm, tỷ lệ cán bộ, đảng viên được học tập chỉ thị, nghị quyết đạt từ 85% – 95%, quần chúng nhân dân đạt từ 80% – 85%.
Trong nhiệm kỳ qua, nhiều đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đã quan tâm làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng quán triệt học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân. Đơn cử như Đảng bộ Đình Lập, trong nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã tổ chức được 172 buổi với 32.270 lượt đảng viên tham gia, đạt 97%. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội của huyện tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân được 2.303 buổi với 109.658 lượt người; mở được 83 lớp với 4.703 học viên tham gia học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức mới.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.000 cán bộ làm công tác báo cáo viên, hơn 1.680 cộng tác viên dư luận xã hội từ tỉnh đến cơ sở. Đây được coi là lực lượng chủ lực tham gia vào công tác tuyên truyền, theo dõi, tổng hợp báo cáo tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, các cơ quan thông tin đại chúng còn bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, phản ánh những thành tựu về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực; phản bác thông tin, quan điểm sai trái, phản động, góp phần ổn định tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn.
Thành phố Lạng Sơn trên đà phát triển. Ảnh: BT
Thông qua việc tổ chức học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết, các cấp ủy đã coi trọng phát huy dân chủ trong đảng, lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đóng góp phản ánh của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân về những vấn đề bức xúc ở cơ sở như: xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, tranh chấp đất đai, giải phóng mặt bằng, vệ sinh môi trường…. để bàn bạc, chỉ đạo tháo gỡ. Hiệu quả của công tác giáo dục chính trị tư tưởng đã góp phần tích cực vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Mặc dù đạt được kết quả nhất định , nhưng so với mục đích, yêu cầu đề ra, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ở một số cấp ủy, đơn vị vẫn còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém. Một số cấp ủy, người chủ trì chưa nhận thức đúng vị trí, vai trò của công tác giáo dục chính trị dẫn đến triển khai không đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ. Sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chậm được khắc phục đã làm giảm lòng tin của nhân dân. Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, một số nơi còn mang tính hình thức, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ và trở thành việc làm thường xuyên trong sinh hoạt của các tổ chức đảng, trong các cấp, các ngành và trong cán bộ đảng viên… Điều đó đã làm hạn chế chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng của các đơn vị.
Để khắc phục những hạn chế trên, các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng về công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên gắn với việc kiểm điểm đảng viên theo tinh thần Nghị quyết trung ương 4 (khóa XI) và tổ chức thực hiện hiệu quả việc tiếp tục đẩy mạnh học tập làm theo Bác. Đặc biệt đổi mới các khâu trong công tác cán bộ, đánh giá, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, sử dụng, luân chuyển cán bộ. Duy trì và thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt theo quy chế, quy định của Điều lệ Đảng; đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng và tăng cương công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) “Về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”.
MAI VĂN HOA
Ý kiến ()