Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn - tự hào 90 năm xây dựng và phát triển
– Trong 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt nam, trực tiếp là Đảng bộ tỉnh, Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn luôn phát huy truyền thống yêu nước cách mạng, kiên cường bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Trong những kết quả quan trọng mà Nhân dân Lạng Sơn đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh không thể không kể đến khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940). Mặc dù diễn ra trong thời gian ngắn (27/9/1940 đến 29/10/1940), phạm vi hẹp nhưng khởi nghĩa Bắc Sơn là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng của tỉnh và lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc. Khởi nghĩa Bắc Sơn không chỉ đánh dấu bước trưởng thành lớn mạnh của phong trào cách mạng ở Lạng Sơn, cổ vũ tinh thần đoàn kết đấu tranh của Nhân dân trong tỉnh mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào cách mạng cả nước.
Cán bộ, đảng viên các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tìm hiểu hình ảnh tư liệu về nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn
tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: LA MAI
Khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra đã báo hiệu thời kỳ đấu tranh mới của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng – thời kỳ khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, thời kỳ cách mạng nước ta sử dụng các hình thức bạo lực cách mạng, đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, kết hợp sự nổi dậy của quần chúng với tiến công của các lực lượng vũ trang cách mạng. Khởi nghĩa Bắc Sơn giúp cho Đảng ta có thêm những kinh nghiệm thực tiễn quý báu và cơ sở lý luận cho đường lối đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc như vấn đề lựa chọn thời cơ khởi nghĩa, về vấn đề tập hợp lực lượng, đoàn kết toàn dân – đây là những vấn đề căn cốt của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
Sau Khởi nghĩa Bắc Sơn, tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (11/1940), Đảng ta quyết định duy trì Đội du kích Bắc Sơn làm nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang, thành lập căn cứ du kích, lấy vùng Bắc Sơn – Võ Nhai làm trung tâm do Trung ương trực tiếp chỉ đạo. Cùng đó, nhiều địa phương đã tập trung xây dựng lực lượng vũ trang, đợi thời cơ khởi nghĩa. Với ý nghĩa, tầm quan trọng như trên, khởi nghĩa Bắc Sơn là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Thực hiện nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941), tỉnh Lạng Sơn đã tích cực, khẩn trương chuẩn bị mọi lực lượng và điều kiện để tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Năm 1942, Liên tỉnh uỷ Cao – Bắc – Lạng được thành lập, có tác dụng thúc đẩy phong trào cách mạng trong 3 tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn.
Giữa tháng 5/1945, được sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Liên tỉnh Cao – Bắc – Lạng, Hội nghị kiện toàn củng cố Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Lạng Sơn được tổ chức tại khu rừng Khau Kham, xã Hoa Thám, huyện Bình Gia. Đây là lần kiện toàn, củng cố Tỉnh ủy lâm thời, sau thời gian bị thực dân Pháp khủng bố. Hội nghị cử ra Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời tỉnh gồm các đồng chí: Lô Quang Nam – Bí thư, Bảo An, Phan Mạnh Cư, Hoàng Văn Kiểu.
Trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, thực hiện chủ trương của Đảng, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo Nhân dân ở các địa phương trong tỉnh lần lượt đứng lên giành chính quyền.
Sau cách mạng Tháng Tám, Lạng Sơn là một trong những tỉnh đầu tiên của nước ta bị quân Tưởng và bè lũ tay sai đặt chân tới sớm nhất. Song song với việc ngăn chặn và đập tan âm mưu của quân Tưởng và bè lũ tay sai, ngày 6/1/1946, Tỉnh uỷ, UBND lâm thời tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức cho hàng vạn đồng bào các dân tộc trong tỉnh đi bầu cử đại biểu Quốc hội, thực hiện thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội khoá đầu tiên của nước Việt Nam. Thành quả xây dựng, củng cố chính quyền Nhân dân đã tạo động lực mạnh mẽ cho tỉnh Lạng Sơn sớm bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở màn bằng cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta chống lại cuộc tấn công gây hấn của thực dân Pháp ở thị xã Lạng Sơn ngày 25/11/1946.
Năm 1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ. Đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Đảng và Hồ Chủ Tịch, Nhân dân Lạng Sơn anh dũng bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến với quyết tâm sắt đá “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Trong kháng chiến chống Pháp, quân dân Lạng Sơn lập nhiều chiến công vang dội, tiêu biểu là chiến dịch đường số 4, chiến thắng Biên giới Thu – Đông (1950). Những cái tên Bông Lau, Lũng Phầy, Đèo Khách, Ba Sơn, Bản Nằm… đã mãi đi vào lịch sử vẻ vang của đất nước. Ngày 17/10/1950, Lạng Sơn hoàn toàn giải phóng, trở thành hậu phương vững mạnh cùng Nhân dân cả nước tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp cho đến ngày thắng lợi (năm 1954).
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 -1975), hoà chung với khí thế sục sôi của cả nước, với khẩu hiệu “tay cày, tay súng”, “tay búa, tay súng”, “tất cả vì Miền Nam ruột thịt”, “tất cả cho tuyền tuyến”, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã vượt qua mọi khó khăn đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế – xã hội, tích cực đóng góp sức người, sức của chi viện cho miền Nam. Hàng vạn cán bộ, đảng viên và thanh niên Lạng Sơn đã nối tiếp truyền thống cha ông lên đường nhập ngũ, xông pha ra chiến trận.
Năm 1965, khi đế quốc Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc, phong tỏa cảng Hải Phòng bằng thủy lôi, thì Lạng Sơn trở thành “cảng nổi” tiếp nhận, chuyển tiếp hàng hóa của các nước bạn chi viện cho chiến trường miền Nam.
Điểm nổi bật của tỉnh Lạng Sơn trong 10 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (từ năm 1975 – 1985) là cùng với việc khôi phục, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đã lãnh đạo Nhân dân tiến hành chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (năm 1979). Trong cuộc chiến đấu này, do lập được nhiều chiến công xuất sắc, nhiều đơn vị và cá nhân đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, như: Đội Cảnh sát cơ động (Công an tỉnh Lạng Sơn), Đồn Biên phòng Hữu Nghị, Đồn Biên phòng Pò Mã (Đồn 187), Đại đội 5 cơ động Công an Nhân dân vũ trang (Bộ đội Biên phòng) tỉnh Lạng Sơn,…
Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới (1986 – 2023) do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đã nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thách thức, khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh và đã đạt được những thành tựu quan trọng. Lạng Sơn từ một tỉnh có nền kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí thấp, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn, đến nay đã vươn lên phát triển mạnh mẽ. Kinh tế liên tục phát triển, nhịp độ tăng trưởng đạt khá cao. Giai đoạn 2016 – 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hằng năm ước đạt 5,45%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 44,5 triệu đồng (tương đương 1.937 USD) gấp 1,44 lần so với năm 2015, gấp hơn 10 lần so với năm 1996 (185,3 USD). Năm 2022, kinh tế tỉnh Lạng Sơn phục hồi đà tăng trưởng (sau ảnh hưởng của dịch COVID-19), tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7,22% (mục tiêu từ 7 – 7,5%); GRDP bình quân đầu người ước đạt 51,72 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp – xây dựng và thương mại – dịch vụ.
Kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đô thị được quan tâm phát triển, phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội; hình thành một số khu dân cư, khu đô thị mới tại thành phố Lạng Sơn theo hướng hiện đại. Năm 2022, tỉnh Lạng Sơn có 85/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 17 xã nông thôn mới nâng cao và 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2022, Lạng Sơn đứng 5 trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu về chuyển đổi số.
Các lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều chuyển biến. Quy mô, chất lượng giáo dục – đào tạo ngày càng được mở rộng và nâng cao, cụ thể: năm 1997, tỉnh được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ; năm 2006, hoàn thành phổ cập trung học cơ sở; năm 2008, đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi; năm 2015, hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đến năm 2022, toàn tỉnh có 269 trường đạt chuẩn quốc gia.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được chú trọng và cải thiện. Các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc được gìn giữ và phát huy; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển sâu rộng. Công tác giảm nghèo, tạo việc làm thực hiện có hiệu quả, an sinh xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí mới) trên địa bàn tỉnh giảm nhanh, từ hơn 40% những năm 2000 xuống còn 25,95% năm 2015, và xuống 7,88% năm 2020. Trong 5 năm (2016 – 2020) đã giải quyết việc làm mới cho 72,2 nghìn lao động. Đời sống tinh thần của các tầng lớp Nhân dân ngày càng nâng cao. Tình hình chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Công tác đối ngoại được tăng cường, cả về đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường: Số lượng, chất lượng đảng viên, tổ chức Đảng và số đảng bộ, chi bộ cơ sở đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh không ngừng tăng qua từng năm. Tổng số đảng viên tăng từ 20.000 năm 1986 lên 68.942 năm 2022. Tính đến ngày 31/12/2022, toàn Đảng bộ tỉnh có 692 tổ chức cơ sở đảng. Vai trò, hiệu lực lãnh đạo và uy tín của Đảng được nâng cao; niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, với công cuộc đổi mới được củng cố vững chắc.
Trong 90 năm qua, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đã cụ thể hóa các quan điểm, nghị quyết, chủ trương của Trung ương, đề ra những quyết sách phù hợp với từng thời kỳ lịch sử. Bằng ý chí phấn đấu không ngại gian khó, không sợ hy sinh của đội ngũ cán bộ, đảng viên, bằng tinh thần đoàn kết, gắn bó máu thịt với Nhân dân, được Nhân dân tin yêu, ủng hộ và bảo vệ, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đã khẳng định vai trò lãnh đạo, quyết định sự phát triển đi lên mạnh mẽ của tỉnh, đưa phong trào cách mạng trong tỉnh vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, liên tục phát triển, cùng với cả nước viết nên những trang sử vàng chói lọi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bước vào thời kỳ phát triển mới, Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định mục tiêu tổng quát: “Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; đổi mới, sáng tạo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, du lịch, dịch vụ, hạ tầng khu, cụm công nghiệp và tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị; đẩy mạnh phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo đảm biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác, xây dựng tỉnh Lạng Sơn phát triển nhanh và bền vững”.
Hiện nay, những biến động của tình hình thế giới, trong nước đã và đang tạo ra cho Lạng Sơn nhiều thời cơ, vận hội mới nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Tuy nhiện, với trí tuệ, bản lĩnh và nghị lực kiên cường, với tinh thần chủ động, sáng tạo; phát huy truyền thống 90 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đã đang và sẽ tiếp tục lãnh đạo Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, năng động, sáng tạo hoàn thành thắng lợi mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra, xây dựng tỉnh Lạng Sơn ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Trong 90 năm qua, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đã cụ thể hóa các quan điểm, nghị quyết, chủ trương của Trung ương, đề ra những quyết sách phù hợp với từng thời kỳ lịch sử. Bằng ý chí phấn đấu không ngại gian khó, không sợ hy sinh của đội ngũ cán bộ, đảng viên, bằng tinh thần đoàn kết, gắn bó máu thịt với Nhân dân, được Nhân dân tin yêu, ủng hộ và bảo vệ, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn đã khẳng định vai trò lãnh đạo, quyết định sự phát triển đi lên mạnh mẽ của tỉnh, đưa phong trào cách mạng trong tỉnh vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, liên tục phát triển, cùng với cả nước viết nên những trang sử vàng chói lọi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. |
VŨ THỊ HẬU
Ý kiến ()