Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn – 90 năm xây dựng và phát triển (bài 5)
Bài 5: Khôi phục, phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ Tổ quốc (1975 – 1985)
– Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975) kết thúc thắng lợi, hòa bình được lập lại, đất nước độc lập thống nhất về mặt lãnh thổ, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng ở mỗi miền lại có một hình thức tổ chức nhà nước khác nhau, có nhiều thuận lợi và cũng không ít khó khăn. Nhiệm vụ đặt ra lúc này là hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước, khắc phục hậu quả của chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội ở hai miền Nam – Bắc.
Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn tự hào đóng góp một phần sức người, sức của đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc đến thắng lợi cuối cùng. Sau ngày đất nước thống nhất, giống nhiều địa phương khác trên cả nước, tỉnh có những thuận lợi và khó khăn nhất định.
Khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất
Về thuận lợi, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh có truyền thống yêu nước, cách mạng vẻ vang sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ trong thời kỳ mới – thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đất nước được hòa bình, thống nhất là tiền đề quan trọng để địa phương tập trung vào nhiệm vụ tái thiết, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển kinh tế – xã hội; Đảng bộ được rèn luyện và trưởng thành, tổ chức và lãnh đạo của các cấp ủy đảng được tăng cường, đội ngũ cán bộ chính trị, quản lý, khoa học kỹ thuật và một số hệ thống tổ chức các đoàn thể đã được thử thách qua khói lửa chiến tranh và thực tiễn cách mạng.
Bên cạnh một số thuận lợi, tỉnh cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức: Lạng Sơn là một tỉnh miền núi giáp biên, cơ sở vật chất kỹ thuật nhiều địa phương trong tỉnh còn thiếu thốn, nghèo nàn, lạc hậu, trong chiến tranh lại bị bom đạn tàn phá nặng nể, hầu như đã bị hỏng hóc hoặc xuống cấp nghiêm trọng; kinh tế phát triển chậm, quy mô nhỏ bé, sức sản xuất thấp, chưa vững chắc và sản xuất chưa đảm bảo nhu cầu đời sống và cho tích lũy trong tỉnh… Những khó khăn đã đặt ra thách thức không hề nhỏ cho Tỉnh ủy Lạng Sơn trong công tác lãnh đạo thực hiện và hoàn thành những nhiệm vụ địa phương trong những năm sau đất nước thống nhất.
Ngày 29/9/1975, Hội nghị lần thứ 24 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 247-NQ/TW Về nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Nghị quyết nêu rõ: “Nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta trong giai đoạn mới là: Hoàn thành thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Miền Bắc phải tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; miền Nam phải đồng thời tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Bộ đội giúp dân thu hoạch lúa tạ xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc (năm 1979) – Ảnh: Cố nhà báo Vũ Bách
Ngay sau khi có Nghị quyết trên, Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị quán triệt, đồng thời kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Trung ương. Thông qua việc quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng về nhiệm vụ chung của cả nước trong giai đoạn mới, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã triển khai các nhiệm vụ cấp bách là tăng cường phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất nông – lâm phát triển, chuẩn bị mọi mặt cho đại hội đẳng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV.
Ngày 20/9/1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 245 về việc bỏ khu, hợp tỉnh. Nghị quyết nêu rõ: “Việc hợp các tỉnh nhỏ hiện nay thành những tỉnh mới là nhằm xây dựng các tỉnh thành những đơn vị kinh tế, kế hoạch và đơn vị hành chính có khả năng giải quyết đến mức cao nhất những yêu cầu về đẩy mạnh sản xuất, tổ chức đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân, về củng cố quốc phòng, bảo vệ trị an và có. khả năng đóng góp tốt nhất vào sự nghiệp chung của cả nước; đồng thời cũng để giảm bớt trung gian, giảm bớt đầu mối trực thuộc Trung ương”. Bộ Chính trị quyết định hợp nhất 21 tỉnh, trong đó có Cao Bằng và Lạng Sơn. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, tại kỳ họp thứ hai, ngày 27/12/1975, Quốc hội khóa V quyết định hợp nhất hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn.
Từ giữa năm 1976, các cơ quan Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể ở Lạng Sơn nhanh chóng sáp nhập với các cơ quan Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể ở Cao Bằng, kiện toàn thành các cơ quan thống nhất để lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành hoạt động kinh tế – xã hội của tỉnh hợp nhất Cao Lạng. Tháng 4/1976, hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn chính thức sáp nhập thành tỉnh Cao Lạng với diện tích 13.781 km”, số dân 871.000 người. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cao Lạng đặt tại thị xã Cao Bằng. dựng, củng cố lực lượng dân quân tự vệ ở hầu hết các cơ công, nông, lâm trường, trường học, bệnh quan, xí nghiệp,
Ngày 29/12/1978, kỳ họp thứ 4, Quốc hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VI đã quyết định tách tỉnh Cao Lạng trở lại thành 2 tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng, đồng thời quyết định sáp nhập huyện Đình Lập từ tỉnh Quảng Ninh vào tỉnh Lạng Sơn .Nhờ những cố gắng to lớn của toàn thể Đảng bộ và Nhân dân, tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn dần được khôi phục và có những bước phát triển mới.
Bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc
Ngày 17/2/1979, Trung Quốc tiến hành lấn chiếm trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta, trong đó có khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn. Nhân dân các dân tộc Lạng Sơn đã sát cánh cùng bộ đội biên phòng, bộ đội chủ lực, bẻ gẫy nhiều cuộc tấn công của đối phương. Trước những đòn giáng trả quyết liệt của quân và dân ta; trước sự lên án kịch liệt của dư luận quốc tế và trong nước, ngày 5/3/1979 Trung Quốc lần lượt rút khỏi toàn tuyến biên giới; đến ngày 18/3/1979 về cơ bản đã rút quân khỏi nước ta.
Tự vệ Na Dương bảo vệ an toàn khu mỏ (năm 1979) – Ảnh: Cố nhà báo Vũ Bách
Trong cuộc chiến đấu này quân và dân các dân tộc Lạng Sơn đã lập được nhiều chiến công xuất sắc, với nhiều thành tích chiến đấu anh dũng, nhiều đơn vị được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân: Đội Cảnh sát cơ động (Công an tỉnh Lạng Sơn), Đồn Biên phòng Hữu Nghị, Đồn Biên phòng Pò Mã, Đại đội 5 cơ động Công an nhân dân vũ trang (Bộ đội biên phòng) tỉnh Lạng Sơn. Nhiều cá nhân được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau khi chiến tranh kết thúc, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục ổn định sản xuất đời sống, đưa hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội đi vào nền nếp, xây dựng thế trận phòng thủ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới.
Từ năm 1981 đến năm 1985, sản lượng lương thực tăng bình quân hàng năm 3,9%. Cây công nghiệp ngắn ngày tăng 9%. Diện tích trồng rừng tăng được 12.000 ha. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 3,5%. Tổng sản phẩm xã hội tăng 6,9%, thu nhập quốc dân tăng 3,9%. Vốn đầu tư xây dựng là 260 triệu đồng. Những kết quả đó đã tạo tiền đề cho Lạng Sơn bước vào xây dựng phát triển kinh tế trong thời kỳ đổi mới của đất nước.
Mười năm sau ngày đất nước thống nhất, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn gian khổ, đánh thắng chiến tranh xâm lược, chiến tranh phá hoại nhiều mặt của kẻ thù bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, từng bước phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống của Nhân dân, cùng toàn Đảng, toàn dân ta bước sang giai đoạn cách mạng mới: thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
(Còn nữa)
T.S
Ý kiến ()