Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn - 90 năm xây dựng và phát triển (Bài 1)
LTS: Từ Chi bộ đầu tiên của tỉnh ra đời giữa năm 1933 với 5 đảng viên, đến ngày 14/3/2023, toàn Đảng bộ tỉnh có 15 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy; 692 tổ chức cơ sở đảng (310 đảng bộ cơ sở, 382 chi bộ cơ sở) với tổng số 69.030 đảng viên.
Trải qua 90 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn không ngừng lớn mạnh, trưởng thành vững chắc về mọi mặt. Trong từng thời kỳ cách mạng, Đảng bộ tỉnh luôn quán triệt và chủ động vận dụng linh hoạt chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, nắm vững tình hình đặc điểm của tỉnh để lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị.
Với ý nghĩa, bề dày truyền thống xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn qua các thời kỳ lịch sử, nhằm tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong toàn tỉnh, ngày 22/12/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 101-NQ/TU về ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quyết nghị lấy ngày 15/6/1933 là Ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn.
Hướng tới kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh, trên cơ sở tư liệu tổng hợp, đề cương tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, từ ngày 18/5, Báo Lạng Sơn trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt bài “Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn – 90 năm xây dựng và phát triển” trên Báo Lạng Sơn điện tử.
BBT
Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn – 90 năm xây dựng và phát triển
Bài 1
Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ra đời mở ra bước ngoặt quan trọng cho phong trào cách mạng Lạng Sơn
– Sự kiện Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn ra đời có ý nghĩa to lớn đối với phong trào cách mạng của tỉnh. Chi bộ Đảng Thụy Hùng thành lập là cột mốc đầu tiên đánh dấu bước trưởng thành của phong trào cách mạng ở Lạng Sơn, ghi nhận một hiện thực sinh động: Hạt giống đỏ của Đảng nảy mầm trên quê hương xứ Lạng.
Ngay khi thành lập, chi bộ đảm nhận vai trò quan trọng làm nòng cốt để chỉ đạo việc xây dựng và phát triển phong trào cách mạng địa phương trong giai đoạn đầu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo trên địa bàn Lạng Sơn.
Bối cảnh lịch sử
Đối với tình hình trong nước, năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam từng bước thiết lập bộ máy thống trị, biến nước ta từ một quốc gia phong kiến thành “Một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc mô, Tổ quốc bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác”. Chính sách thống trị của thực dân Pháp đã làm cho xã hội Việt Nam có nhiều thay đổi.
Về chính trị,thực dân Pháp thi hành chính sách cai trị thực dân, tước bỏ quyền lực đối nội, đối ngoại của chính quyền phong kiến nhà Nguyễn, đó là một chính sách chuyên chế điển hình, chúng đàn áp đẫm máu các phong trào và hành động yêu nước của người Việt Nam, mọi quyền tự do bị cấm. Chúng chia rẽ ba nước Đông Dương, chia Việt Nam thành ba kỳ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ) và thực hiện ở mỗi kỳ một chế độ cai trị riêng.
Về kinh tế,thực dân Pháp câu kết với giai cấp địa chủ để thực hiện chính sách bóc lột tàn bạo, cướp đoạt ruộng đất để lập đồn điền; ra sức vơ vét tài nguyên, cùng nhiều hình thức thuế khóa nặng nề, vô lý; xây dựng một số cơ sở công nghiệp, hệ thống đường giao thông, bến cảng phục vụ chính sách khai thác thuộc địa.
Về văn hóa,thực dân Pháp tiến hành chính sách ngu dân, chúng bưng bít, ngăn cản ảnh hưởng của văn hóa tiến bộ thế giới, khuyến khích văn hóa độc hại, xuyên tạc lịch sử, giá trị văn hóa Việt Nam, dung túng, duy trì các hủ tục lạc hậu.
Sự phân hóa giai cấp và mâu thuẫn xã hội diễn ra ngày càng gay gắt. Các cuộc khởi nghĩa và phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược diễn ra mạnh mẽ nhưng đều bị thất bại, xã hội Việt Nam rơi vào khủng hoảng về đường lối cách mạng.
Giữa lúc dân tộc đứng trước cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước, nhiều nhà yêu nước đương thời tiếp tục con đường cứu nước. Ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh) ra đi tìm đường cứu nước với khát vọng cháy bỏng giành độc lập tự do cho dân, cho nước.
Nguyễn Tất Thành đã bất chấp mọi nguy hiểm, gian khổ, đi qua nhiều nước của châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và đã rút ra chân lý: Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc thực dân là cội nguồn mọi đau khổ của công nhân và nhân dân lao động ở chính quốc cũng như các nước thuộc địa. Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành tham gia Đảng xã hội Pháp với tên Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp gửi bản yêu sách gồm 8 điểm đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam.
Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” đăng trên báo Nhân đạo và cũng chính từ đây đã giải đáp cho Người con đường đấu tranh giành độc lập tự do thực sự cho dân tộc, cho đồng bào mình.
Từ ngày 25 đến ngày 30/12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ 18 Đại hội Đảng Xã hội Pháp với tư cách là đại biểu Đông Dương. Kết thúc ngày 30/12/1920, Nguyễn Ái Quốc tán thành thành lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, là người Cộng sản đầu tiên của Việt Nam.
Từ năm 1921 – 1930, Nguyễn Ái Quốc vừa tiếp tục hoạt động trong Đảng Cộng sản Pháp, nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện tư tưởng cứu nước, vừa tích cực tuyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Người tập trung chuẩn bị về tổ chức và cán bộ, lập ra Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (1925); tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ tại Quảng Châu, Trung Quốc, đồng thời gửi cán bộ đi học tại trường Đại học Phương Đông (Liên Xô) và trường Lục quân Hoàng Phố (Trung Quốc).
Nhờ hoạt động không mệt mỏi của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và nhiều đồng chí cách mạng tiền bối, đến cuối năm 1929, đầu năm 1930, những điều kiện cho sự ra đời của cách mạng Việt Nam đã chín muồi.
Từ ngày 6/1/1930 đến ngày 7/2/1930, tại bán đảo Cửu Long (Hồng Kông, Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho Quốc tế Cộng sản tổ chức Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đối với tỉnh Lạng Sơn, từ năm 1891, sau khi hoàn thành việc bình định xong các tỉnh Bắc Kỳ, cũng như nhiều tỉnh, thành khác, thực dân Pháp bắt đầu thiết lập chính quyền đô hộ của chúng ở Lạng Sơn. Bên cạnh các phong trào đấu tranh của công nhân chống áp bức, bóc lột, trong hơn 20 năm đầu thế kỷ XX, Nhân dân Lạng Sơn tích cực hưởng ứng các phong trào yêu nước, nhiều lần tổ chức phản kháng vũ trang chống lại sự áp bức của thực dân phong kiến. Tháng 9/1921, Nhân dân xã Tân Yên (châu Văn Uyên) phối hợp với một số lính dõng yêu nước ở đồn Pác Luống mai phục, chặn đường tiêu diệt tuần phủ Cung Khắc Đản khi đang trên đường từ Tràng Định trở về tỉnh lỵ. Sau vụ mai phục này, thực dân Pháp khủng bố dã man các xóm Cốc Nam, Khưa Đa, Ma Mèo, Tà Lài. Những cuộc đấu tranh đơn lẻ và tự phát đó đã phản ánh ý chí đấu tranh kiên cường của Nhân dân Lạng Sơn.
Chi bộ Văn phòng Huyện ủy Văn Quan tổ chức sinh hoạt chuyên đề Tuyên truyền giáo dục và phát huy truyền thống cách mạng nhân kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh tại di tích đình Háng Pài, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc – Nơi thành lập chi bộ đầu tiên. Ảnh: Phương Dung
Tháng 11/1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu, Trung Quốc. Người bồi dưỡng và cải tổ các thanh niên yêu nước trong tổ chức Tâm tâm xã và thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (tháng 6/1925), xuất bản tờ báo Thanh niên và tổ chức nhiều lớp huấn luyện cán bộ sau đó đưa về gây dựng cơ sở cách mạng trong nước. Hưởng ứng cuộc vận động cách mạng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, một số thanh niên yêu nước ở thị xã Lạng Sơn bí mật tiếp cận sách, báo, tài liệu của Hội, đồng thời thành lập Nhóm học sinh yêu nước ở Trường Tiểu học Pháp – Việt Lạng Sơn, trong đó có Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri.
Hòa cùng phong trào của cả nước, dưới sự vận động của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, phong trào đòi thả cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Chu Trinh được tổ chức rộng rãi ở Lạng Sơn. Đặc biệt ở thị xã Lạng Sơn, phong trào đã lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Nhóm thanh niên yêu nước tại Trường Tiểu học Pháp – Việt Lạng Sơn, trong đó có Hoàng Văn Thụ và Lương Văn Tri tổ chức căng biểu ngữ, dán khẩu hiệu, dự các buổi tuyên truyền về thân thế và sự nghiệp của hai cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh. Phong trào góp phần tạo ra bước chuyển biến tư tưởng quan trọng, từ đấu tranh yêu nước tự phát hướng tới phong trào đấu tranh cách mạng tự giác, có mục tiêu rõ ràng.
Để đối phó với phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh Lạng Sơn, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp, đuổi học, bắt giam những người đứng đầu. Tình hình đó thôi thúc hai anh Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri tìm cách bắt liên lạc với cán bộ của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên.
Cuối năm 1927, từ mảnh đất biên giới Văn Uyên, Hoàng Văn Thụ và Lương Văn Tri bắt đầu hành trình trên con đường cách mạng. Tháng 1/1928, hai anh đến bản Lũng Nghịu (thuộc huyện Long Châu, Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc). Tại đây, các anh được gia đình ông bà Mã Đình Nhân giúp tiếp cận với các cán bộ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Cuối năm 1928, Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên; cuối năm 1929 được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí Hoàng Văn Thụ và đồng chí Lương Văn Tri trở thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sự ra đời Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn
Từ sau cao trào Xô Viết Nghệ – Tĩnh (1930 – 1931), thực dân Pháp tiến hành cuộc khủng bố đẫm máu phong trào cách mạng, nhiều cơ sở đảng và cơ sở quần chúng bị phá vỡ, nhiều cán bộ, đảng viên bị bắt, sát hại, tù đày, phong trào cách mạng bước vào giai đoạn khó khăn.
Đến cuối năm 1931, đồng chí Hoàng Văn Thụ chỉ đạo tuyên truyền, vận động, giác ngộ, tập hợp được 10 tổ chức quần chúng cách mạng với 30 người ở các làng biên giới thuộc Văn Uyên, từ đó mở rộng địa bàn hoạt động ra các vùng xung quanh. Hoạt động của các tổ chức quần chúng ở đây đã xây dựng được địa bàn, đường dây liên lạc cho hoạt động của các chiến sĩ cách mạng Việt Nam giữa hai vùng biên giới.
Cuối năm 1932 đầu năm 1933, đồng chí Lê Hồng Phong quyết định thành lập Đảng bộ đặc biệt Long Châu; cử đồng chí Hoàng Đình Giong làm Bí thư, đồng chí Hoàng Văn Thụ làm Phó Bí thư.
Đầu năm 1933, theo chỉ đạo của đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Hoàng Đình Giong về hoạt động gây dựng phong trào, khôi phục tổ chức đảng ở Hải Phòng và vùng mỏ Đông Bắc; đồng chí Hoàng Văn Thụ được chỉ định làm Bí thư Đảng bộ đặc biệt Long Châu, đồng thời có nhiệm vụ về Lạng Sơn tuyên truyền vận động thanh niên sang dự các lớp huấn luyện ở Long Châu.
Từ những cơ sở quần chúng cách mạng ban đầu ở Khưa Đa, Ma Mèo, Tân Yên, Tân Thanh đến giữa năm 1933, phong trào quần chúng cách mạng phát triển sang khu vực các xã Thụy Hùng, Hồng Phong, Phú Xá… Vượt qua sự kiểm soát gắt gao của chính quyền tay sai, các cơ sở quần chúng được hình thành và bắt đầu đảm nhận nhiệm vụ tuyên truyền mục tiêu cách mạng của Đảng.
Trước sự tiến triển của phong trào quần chúng cách mạng, để gây dựng tổ chức và phong trào có trọng điểm, đồng chí Hoàng Văn Thụ và Đảng bộ đặc biệt Long Châu quyết định thành lập một tổ chức cơ sở đảng ở châu Văn Uyên để làm nòng cốt cho phong trào tỉnh Lạng Sơn. Được sự ủy nhiệm của Đảng, giữa năm 1933, đồng chí Hoàng Văn Thụ và đồng chí Đoàn Viết Thọ tới đình Háng Pài, thôn Khòn Pheo, xã Thụy Hùng, châu Văn Uyên (nay là xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc) tổ chức lễ kết nạp đảng viên, thành lập Chi bộ Thụy Hùng, là chi bộ Đảng đầu tiên ở tỉnh Lạng Sơn với 5 đảng viên: Đoàn Viết Bứng, Đoàn Viết Cảnh, Đồng Viết Đại, Nông Viết Bảo và Mã Khánh Phương. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được chỉ định làm Bí thư Chi bộ. Chi bộ Thụy Hùng đảm nhận vai trò quan trọng làm nòng cốt để chỉ đạo việc xây dựng và phát triển phong trào cách mạng địa phương trong giai đoạn đầu của cuộc đấu tranh giải phóng do Đảng lãnh đạo trên địa bàn Lạng Sơn.
Chi bộ Đảng Thụy Hùng thành lập là cột mốc đầu tiên đánh dấu bước trưởng thành của phong trào cách mạng ở Lạng Sơn, ghi nhận một hiện thực sinh động: Hạt giống đỏ của Đảng nảy mầm trên quê hương xứ Lạng. Ngay khi thành lập, chi bộ đảm nhận vai trò quan trọng làm nòng cốt để chỉ đạo việc xây dựng và phát triển phong trào cách mạng địa phương trong giai đoạn đầu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo trên địa bàn Lạng Sơn.
(Còn nữa)
Ý kiến ()