Đảng bộ thành phố Lạng Sơn: Tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử
LSO-Thực hiện Chỉ thị số 15 ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Hướng dẫn số 01-HD/TG ngày 05/4/2006 của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ về công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống các ban, ngành, Mặt trận và đoàn thể trong tỉnh, những năm qua, dù gặp không ít khó khăn trong công tác thu thập tài liệu cũng như biên soạn lịch sử nhưng Thành ủy Lạng Sơn đã có nhiều giải pháp tích cực để đẩy nhanh việc thực hiện công tác này.
LSO-Thực hiện Chỉ thị số 15 ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Hướng dẫn số 01-HD/TG ngày 05/4/2006 của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ về công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống các ban, ngành, Mặt trận và đoàn thể trong tỉnh, những năm qua, dù gặp không ít khó khăn trong công tác thu thập tài liệu cũng như biên soạn lịch sử nhưng Thành ủy Lạng Sơn đã có nhiều giải pháp tích cực để đẩy nhanh việc thực hiện công tác này.
Một góc TP Lạng Sơn – Ảnh: THANH SƠN |
Theo đó, Ban Thường vụ (BTV) Thành ủy Lạng Sơn đã rất quan tâm lãnh đạo chỉ đạo công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trên địa bàn thành phố. BTV Thành uỷ đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và kế hoạch nghiên cứu, biên soạn, xuất bản cuốn Lịch sử Đảng bộ thành phố Lạng Sơn, thời kỳ 1986-2005. Đây là việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng, mở đầu cho các hoạt động nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử, truyền thống trong các năm tiếp theo đạt kết quả. Bên cạnh việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử, BTV Thành ủy còn quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, chỉ đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp, cộng tác chặt chẽ với Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Phòng Lịch sử – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để làm tốt công tác lịch sử Đảng trong điều kiện hiện nay. Đến nay, BTV Thành ủy đã hoàn thành việc nghiên cứu, biên soạn và xuất bản được 3 cuốn lịch sử đảng gồm: Lịch sử Đảng bộ thành phố Lạng Sơn thời kỳ 1986 – 2005 xuất bản năm 2010; Lịch sử Đảng bộ phường Tam Thanh thời kỳ 1993 – 2010 xuất bản năm 2012; Lịch sử Đảng bộ xã Hoàng Đồng thời kỳ 1945 – 2010 xuất bản năm 2013. Nhìn chung các ấn phẩm đều đảm bảo yêu cầu, chất lượng, đã phản ánh được những nét chính, nội dung cơ bản quá trình ra đời, phát triển và hoạt động của Đảng bộ địa phương trong nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế- xã hội, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ.
Theo lộ trình đề ra, đến năm 2015, thành phố sẽ hoàn thành việc nghiên cứu, biên soạn và xuất bản cuốn Lịch sử Đảng bộ phường Hoàng Văn Thụ và Lịch sử Đảng bộ phường Chi Lăng. Đối với các đơn vị phường, xã còn lại sẽ tiếp tục nghiên cứu, biên soạn trong thời gian tiếp theo. Quá trình tổ chức, triển khai nghiên cứu, biên soạn các ấn phẩm lịch sử đều đảm bảo theo đúng quy trình biên soạn một cuốn lịch sử đảng bộ với các bước thực hiện: xây dựng đề cương – sưu tầm, thu thập tư liệu – chọn lọc, nghiên cứu tư liệu – biên soạn, in ấn, phát hành. Do đó, đã thu hút được đông đảo các cán bộ lão thành, cán bộ chủ chốt và các nhân chứng lịch sử tham gia góp ý, bổ sung nhiều tư liệu, sự kiện có giá trị. Trước khi xuất bản, BTV Thành ủy đều tổ chức hội thảo lấy ý kiến thẩm định, đánh giá khách quan đối với các bản thảo nên nội dung đảm bảo tính Đảng, tính khoa học, tính tổng kết cao; rút ra được những bài học kinh nghiệm lịch sử quý báu, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng; phát huy truyền thống cách mạng của địa phương, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Cùng với công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, công tác giáo dục truyền thống cách mạng, BTV Thành ủy cũng chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, các ban, ngành, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở, các trường học trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, giáo dục tới cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên, hội viên, thanh thiếu niên, học sinh với nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền phong phú, gắn với các đợt học tập chính trị, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chi bộ, hoạt động ngoại khóa, nhân kỷ niệm các ngày lễ, các sự kiện quan trọng của đất nước và của địa phương, thông qua các phong trào thi đua, các hoạt động của cơ quan, đơn vị…
Để công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử và giáo dục truyền thống của thành phố phát huy hiệu quả, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, trong thời gian tới, BTV Thành ủy tiếp tục tập trung chỉ đạo, có nhiều biện pháp tổ chức thực hiện tích cực để nhanh chóng hoàn thành việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử theo tiến độ đề ra. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức, cơ quan, đơn vị về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử và giáo dục truyền thống. Tăng cường giáo dục truyền thống trong cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân, đặc biệt là hướng tới thế hệ trẻ”, khơi dậy niềm tự hào, củng cố niềm tin của nhân dân, tiếp tục cống hiến trí tuệ, công sức cho công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển thành phố.
HOÀNG THỊ BÍCH NHUNG
Ý kiến ()