Đảng bộ Khối các cơ quan T.Ư tăng cường và đổi mới công tác dân vận
Ngày 25-2, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư tổ chức hội nghị triển khai "Năm tăng cường và đổi mới công tác dân vận" và tập huấn nghiệp vụ công tác dân vận cho cán bộ phụ trách công tác dân vận trong Đảng bộ Khối. Dự hội nghị, có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Đào Ngọc Dung, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư; Nguyễn Thế Trung, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận T.Ư; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Khối.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 7 (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối đã ban hành chương trình hành động và quyết định chọn năm 2014 là “Năm tăng cường và đổi mới công tác dân vận” (gọi tắt là Năm Dân vận 2014) với hai khâu đột phá là: Nâng cao nhận thức, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, ban chấp hành đoàn thể, của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và người lao động, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác dân vận trong các cơ quan T.Ư.Đẩy mạnh công tác dân vận của cơ quan nhà nước, trọng tâm là thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và chất lượng tham mưu chủ trương, chính sách hợp lòng dân với mục tiêu xây dựng và thực hành nền hành chính dân chủ, kỷ cương, công khai, minh bạch và trách nhiệm; sửa đổi lề lối làm việc theo hướng dân chủ hóa, công khai hóa, nêu cao đạo đức công vụ, chống quan liêu, hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân.
Sau lễ phát động, Đảng ủy Khối tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách công tác dân vận trong Đảng bộ với các chuyên đề “Công tác dân vận của cơ quan nhà nước”, “Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”; quán triệt, triển khai các quyết định của Bộ Chính trị “Về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội” và “Ban hành quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”.
* Kiên Giang phấn đấu tăng mức các chỉ số phát triển giáo dục và đào tạo
Tỉnh ủy Kiên Giang vừa đề ra Chương trình hành động “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2020, các chỉ số phát triển giáo dục và đào tạo đạt khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và trên mức bình quân chung của cả nước.
Đối với giáo dục mầm non, đến năm 2020 có ít nhất 30% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 80% trong độ tuổi mẫu giáo được học ở các cơ sở giáo dục mầm non. Đối với giáo dục phổ thông phấn đấu tỷ lệ học sinh đến trường đạt 99% ở bậc tiểu học, 90% ở bậc trung học cơ sở, 80% ở bậc trung học phổ thông và tương đương.
Đối với giáo dục thường xuyên, bảo đảm cơ hội cho các đối tượng chính sách được học tập nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ và chất lượng cuộc sống, xóa mù chữ bền vững. Đối với giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, thành lập và đưa vào hoạt động Trường đại học Kiên Giang trong năm học 2014-2015; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề… đáp ứng nhu cầu đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ lao động của tỉnh qua đào tạo đạt 52% và năm 2020 đạt 67%.
Theo Nhandan.vn

Ý kiến ()