Ðảng, Bác Hồ trong trái tim nghệ sĩ
Chương trình ca múa nhạc Thế giới hát về Người của Đại học Nghệ thuật quân đội. Năm 1979, một năm vô cùng khốc liệt. Nước ta vừa bước khỏi cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước lại phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh biên giới. Kinh tế khó khăn đến cùng cực...Những lúc ngặt nghèo ấy, người ta phải có niềm tin và hy vọng để sống. Hay nói cách khác, để sống được, người ta phải có một tình yêu sống, một niềm tin mãnh liệt hơn bao giờ hết.Năm 1979 ấy, tại TP Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Phạm Tuyên và nhạc sĩ, nhà thơ Diệp Minh Tuyền đã cùng nhau sáng tác nên bài hát "Màu cờ tôi yêu" ngợi ca cuộc sống và bày tỏ niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam: "Hồng như màu của bình minh, đỏ như màu máu của mình tim ơi, búa liềm vàng rực giữa trời, là niềm hy vọng chói ngời tim ta".Và đất nước đã vượt qua khủng hoảng, vững bước tiến lên trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế. Nhìn vào sự thay da...
Chương trình ca múa nhạc Thế giới hát về Người của Đại học Nghệ thuật quân đội. |
Những lúc ngặt nghèo ấy, người ta phải có niềm tin và hy vọng để sống. Hay nói cách khác, để sống được, người ta phải có một tình yêu sống, một niềm tin mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Năm 1979 ấy, tại TP Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Phạm Tuyên và nhạc sĩ, nhà thơ Diệp Minh Tuyền đã cùng nhau sáng tác nên bài hát “Màu cờ tôi yêu” ngợi ca cuộc sống và bày tỏ niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam: “Hồng như màu của bình minh, đỏ như màu máu của mình tim ơi, búa liềm vàng rực giữa trời, là niềm hy vọng chói ngời tim ta”.
Và đất nước đã vượt qua khủng hoảng, vững bước tiến lên trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế. Nhìn vào sự thay da đổi thịt hôm nay, không thể không ghi nhận đó là những thay đổi diệu kỳ. Vẫn còn những khát khao, nhưng hiện thực tươi sáng hôm nay đã là giấc mơ của những hôm qua.
Nhắc lại một kỷ niệm, để vững tin hơn trước thách thức hôm nay. Và thấy sâu sắc hơn tình Đảng nghĩa dân.
Tôi nhớ đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, trước lúc hy sinh còn để lại một lời dặn: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”.
Ngày 24-5-1944, trước khi ra pháp trường chịu án chém, đồng chí Hoàng Văn Thụ, Thường vụ Trung ương Đảng, đã dõng dạc tuyên bố: Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước, và các ông, những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là một sự dĩ nhiên. Chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ chiến thắng.
Đó là nhận thức, là tiên đoán của người nắm vững quy luật. Đó là niềm tin cộng sản.
Dù thời gian bao lâu, dù phương thức nào, dù phải chịu những thất bại tạm thời, thì cuối cùng, chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được nhân loại. Vì thế, nhà thơ Pháp Lu-i A-ra-gông (1897 – 1982) trong Bài ca của người hát trong ngục tù tra tấn đã khẳng định: Nếu phải đi trở lại/Tôi đi lại đường này/Một tiếng từ ngục tối/Nói đến những ngày mai…
Đảng, Bác Hồ là một đề tài lớn trong văn học, nghệ thuật. Nghệ thuật luôn hướng tới cái đẹp, những giá trị nhân văn, là sự tìm tòi chân lý. Đảng ta chính là chân lý, là nhân văn, vì Đảng sinh ra từ lòng dân, sinh ra để giải phóng dân tộc, giải phóng con người.
Đảng trước hết là con đường giải phóng, là hồn nước, là hình của nước.
Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết về giây phút Bác Hồ tìm được con đường cho cả dân tộc đi theo trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước”: “Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc/Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê-nin./Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp/Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin./Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc:/”Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi”.
Ngày 3-2-1930 ( mồng năm Tết Canh Ngọ), với Ủy nhiệm của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập Hội nghị thống nhất ba tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng sản đảng, An Nam Cộng sản đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn thành một tổ chức cộng sản thống nhất trong cả nước. Hội nghị này được coi là Đại hội lần thứ nhất, Đại hội thành lập Đảng. Từ đó đến khi Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, trải qua khủng bố trắng, trải qua sự đàn áp khốc liệt của thực dân Pháp, nhiều Tổng Bí thư của Đảng như đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ và hàng trăm, hàng nghìn đảng viên ưu tú đã anh dũng hy sinh.
Thơ viết về Đảng, trước hết chính là thơ của những người cộng sản tự viết về mình như một lời thề nguyện hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trước khi ra pháp trường, Hoàng Văn Thụ gửi lại đồng bào, đồng chí một hồn ngọc sáng và niềm tin vững chắc: “Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm/ Chí còn theo dõi buổi tung hoành/ Hỡi bạn xa gần hăng chiến đấu/ Trước sau xin giữ tấm lòng thành” (Nhắn bạn).
Họ chấp nhận hy sinh: “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu/ Dấn thân vô là phải chịu tù đày” (Tố Hữu).
Sự dấn thân, sự hy sinh của những con người mang trái tim Đan-kô ấy đã tạo nên một truyền thống cực kỳ vẻ vang của Đảng, tạo nên sự gắn bó máu thịt giữa nhân dân với Đảng-sự gắn bó không bất cứ tổ chức chính trị ở nước nào có được, sự gắn bó cần được đời đời quý trọng, giữ gìn. Sống cùng Đảng, chết không rời Đảng.
Đảng anh hùng vì dân anh hùng, coi trọng nghĩa khí, hy sinh bảo vệ Đảng: “Nghèo rau cháo từng lon gạo bữa/ Dành cho ta chút sữa cầm hơi/ Dù khi tắt lửa, tối trời/ Vững lòng quyết sống, không rời Đảng ta/ Dù khi giặc khảo, giặc tra/ Cắn răng thà chết, không xa Đảng mình…” (Tố Hữu).
Với một nhân dân như vậy, những ai muốn đứng trên đầu dân, mưu lợi riêng, cần nghĩ đến liêm sỉ!
Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, về mặt nào đó, là sự trả nghĩa, lấy lại lòng tin của nhân dân, chống lại những gì làm ô danh Đảng!
Thơ viết về Đảng đều là những bài thơ hay, có sức sống vượt thời gian. Năm 1949, nhà thơ Chế Lan Viên, một nhà thơ lãng mạn trước cách mạng được kết nạp Đảng ngay trên quê hương Quảng Trị của mình, đã có một bài thơ nổi tiếng, bài “Kết nạp Đảng trên quê mẹ”. Ở bài thơ này, tác giả không chỉ bày tỏ tình cảm chân thành, tha thiết của riêng mình mà còn thể hiện được tính chất nhân dân của Đảng: “Ngày vào Đảng đất trời như đổi khác/ Những vật vô tri cũng làm rưng nước mắt/ Đá sỏi cây cằn sao bỗng thấy thiêng liêng/ Giọng nói quen nghe, màu đất quen nhìn/ Bỗng chan chứa bao điều chưa nói hết…/ Mẹ ơi! Mẹ không là “Đồng chí”/ Nhưng Đảng kỳ đây chính là của mẹ/ Đời khổ đau mẹ đứng dưới cờ này/ Mẹ đói nghèo, hàng ngũ bên con đây/ Mẹ xem, con mặc áo nâu sồng xưa mẹ mặc/ Mai con hát khúc bình dân xưa mẹ hát/ Đảng mến yêu ơi có phải mẹ giới thiệu con vào?”.
Năm 1960, năm Đảng ta tròn tuổi ba mươi, nhà thơ Khương Hữu Dụng có một bài thơ nói lên cảm nhận, cảm xúc đẹp đẽ, dào dạt về Đảng, bài thơ “Những tiếng thân yêu”. Bài thơ này đã được phổ nhạc thành bài hát có sức lan truyền rộng rãi. Ở đó, Đảng được cảm nhận, được thể hiện như một phạm trù gia đình, phạm trù của những gì yêu thương nhất: “Khi còn ở trong nôi/ Đôi môi hồng bập bẹ/ Thân yêu nhất đời ta/ Tiếng đầu lòng Mẹ, Mẹ… Gia đình trong ba-lô/ Bước lên đường cách mạng/ Trong những tiếng thân yêu/ Đã thêm vào tiếng Đảng!”.
Trước đó, vào năm 1956, khi Mỹ – Diệm đàn áp gắt gao những người cộng sản và kháng chiến, từ miền nam, nhà thơ Thanh Hải (Phạm Bá Ngoãn) gửi ra bài thơ “Mồ anh hoa nở”. Ở bài thơ này và nhiều bài thơ khác, hình tượng của Đảng được khắc họa như hình tượng của nhân dân, vì thế mà trở nên bất diệt.
Hình tượng của Đảng được nhà thơ Xuân Diệu liên tưởng tới hình ảnh người khổng lồ, gánh vác mọi trách nhiệm lớn lao trước toàn dân tộc, trước mỗi ước mong cụ thể của mỗi người: “Có một người chất vạn gánh trên vai/ Vạn gánh đầy tràn, gánh to, gánh nhỏ/ Gánh như núi, gánh dồn như thác đổ/ Trên đôi vai người ấy gánh và đi…”.
Đề tài về Đảng là một đề tài đã thu hút được hầu như tất cả các văn nghệ sĩ nổi tiếng nhất. Về hội họa, có Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của Nguyễn Sáng, được coi là niềm tự hào của hội họa Việt Nam.
Về âm nhạc, càng có thành tựu hơn, vì đó là tiếng hát, tiếng lòng. Có thể kể đến “Ca ngợi Đảng Lao động Việt Nam” của Đỗ Minh; “Đảng là cuộc sống của tôi” của Nguyễn Đức Toàn; “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng, Đảng đã cho tôi một mùa xuân” của Phạm Tuyên; “Lời ca từ trái tim” của Văn An; “Đường đi có nắng mặt trời” của Hồng Đăng…
Những tác phẩm nghệ thuật ấy đã thật sự gây rung động trong triệu triệu con tim và làm nên vẻ đẹp, sức mạnh của thời đại Hồ Chí Minh.
Một hình tượng nghệ thuật cao đẹp, bao giờ cũng làm rung động trái tim người nghệ sĩ. Trái tim người nghệ sĩ rung lên trong cảm xúc chân thành, sẽ tạo nên những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, không chỉ làm giàu kho tàng văn hóa mà còn làm phát sinh và nhân lên sức mạnh của cả dân tộc.
Đảng mang vẻ đẹp tình cảm và trí tuệ của dân tộc; người nghệ sĩ gắn bó máu thịt với sự nghiệp của nhân dân, có lý tưởng và niềm tin; chắc chắn đề tài về Đảng, Bác Hồ còn có sức sống lâu bền và giành được nhiều thành tựu.
Theo Nhandan
Ý kiến ()