Dân với Đảng Trách nhiệm cá nhân
Buổi tối cuối tuần, ngôi nhà ông Lê Bân, Chủ tịch Hội Nông dân xã đông khách đến chơi.
– Bác vừa trong đoàn đại biểu của tỉnh đi chuyến tham quan xuyên Việt, chắc nhiều chuyện hay, bác kể cho bà con nghe với – Ông hàng xóm vừa châm điếu thuốc chủ nhà mời, vừa mở đầu câu chuyện.
– Chà, hay thì thật hay mà cũng nhiều ưu tư quá. Tham quan nhiều địa phương mới thấm thía vấn nạn “thiếu vốn thừa dự án” mà báo chí đã phản ánh.
– Thế là sao, bác nói cho bà con nghe nào?
– Này nhé, đi xuyên Việt, tôi chứng kiến ở tỉnh nọ còn nghèo mà làm cái đại lộ xuyên qua thành phố, đập không biết bao nhiêu nhà cửa, tốn hàng nghìn tỷ đồng đền bù giải phóng mặt bằng nhưng làm đường chỉ có mấy trăm tỷ đồng. Hay như có tỉnh xây tượng đài rất tốn kém giữa đồng không mông quạnh, lãng phí vô cùng.
– Đúng vậy, sau câu nói của ông Lê Bân lập tức mọi người bổ sung, qua thông tin đại chúng và một số kỳ họp Quốc hội, các đại biểu đã khuyến cáo tình trạng nhiều địa phương cùng thi “vẽ dự án và chạy đua xin vốn”. Vẽ đường cho lớn ra, vẽ cầu cho to ra, vẽ cảng biển, sân bay cho hoành tráng ra…, nhiều dự án đầu tư vượt khả năng sử dụng nhiều lần. Ngân sách có hạn, rải mỗi nơi một ít nên nơi nào cũng thiếu.
– Chúng ta đã có nhiều luật liên quan đến nội dung này như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Quản lý nợ công, Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… nhưng tình trạng trên vẫn tồn tại là sao?
– Vậy ông không nghe các đại biểu, trong đó có cả thành viên Chính phủ, tại kỳ họp này chỉ rõ: Luật phân cấp chủ trương phê duyệt chương trình dự án, đầu tư rõ ràng nhưng chưa gắn với sự kiểm soát chặt chẽ của từng cấp. Các địa phương, các ngành có kiểm điểm về trách nhiệm, nhưng rất ít người nhận trách nhiệm hoặc chỉ nhận chung chung, ít trường hợp có địa chỉ cụ thể. Dù hậu quả thấy rất rõ, nhưng cuối cùng không ai phải chịu trách nhiệm và cũng chưa thấy một văn bản nào chỉ ra trách nhiệm của người ra quyết định đó.
– Vậy là trước hết Quốc hội phải giám sát được các dự án, chương trình đầu tư thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Tương tự, các địa phương phải chịu trách nhiệm với các dự án thuộc thẩm quyền của mình. Vấn đề ở đây là cần sớm có chế tài, quy trách nhiệm người ra quyết định sai.
– Đúng vậy, việc này làm rõ thêm nội hàm về trách nhiệm của người đứng đầu, người ban hành quyết định và trách nhiệm cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, quản lý. Nội dung trên phải được gắn với quá trình triển khai, kiểm điểm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) – Bà con bàn thảo sôi nổi.
Theo nhandan
Ý kiến ()