Cán bộ Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (Công an tỉnh Bắc Ninh) đến các gia đình ở TP Bắc Ninh để tuyên truyền pháp luật. Đó là phương châm công tác mà thượng tá Phạm Văn Lương, Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (Công an tỉnh Bắc Ninh) thường xuyên quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.Thực tế chứng minh, nếu không có sự giúp đỡ của nhân dân thì lực lượng công an nhân dân nói chung, lực lượng cảnh sát truy nã tội phạm nói riêng khó có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Muốn được nhân dân giúp đỡ thì phải vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.Với quân số chưa đến vài chục cán bộ, chiến sĩ, thường xuyên phải truy bắt hàng trăm đối tượng, trong đó có nhiều đối tượng truy nã nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm, có đối tượng mai danh ẩn tích hàng chục năm ở những vùng xa xôi, hẻo lánh thì vai trò của công tác dân vận càng trở nên quan trọng, cấp thiết. Dân vận để tạo...
Cán bộ Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (Công an tỉnh Bắc Ninh) đến các gia đình ở TP Bắc Ninh để tuyên truyền pháp luật. |
Đó là phương châm công tác mà thượng tá Phạm Văn Lương, Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (Công an tỉnh Bắc Ninh) thường xuyên quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.
Thực tế chứng minh, nếu không có sự giúp đỡ của nhân dân thì lực lượng công an nhân dân nói chung, lực lượng cảnh sát truy nã tội phạm nói riêng khó có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Muốn được nhân dân giúp đỡ thì phải vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Với quân số chưa đến vài chục cán bộ, chiến sĩ, thường xuyên phải truy bắt hàng trăm đối tượng, trong đó có nhiều đối tượng truy nã nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm, có đối tượng mai danh ẩn tích hàng chục năm ở những vùng xa xôi, hẻo lánh thì vai trò của công tác dân vận càng trở nên quan trọng, cấp thiết. Dân vận để tạo ra mạng lưới nhằm phát hiện tung tích, lần theo dấu vết và bủa vây đối tượng có một ý nghĩa rất lớn. Nó giúp tiết giảm tối đa lực lượng, biện pháp, phương tiện tham gia nhưng vẫn bảo đảm bắt đúng, bắt trúng đối tượng truy nã nhanh chóng, kịp thời.
Dân vận càng có ý nghĩa hơn khi vận động được đối tượng truy nã tự giác ra đầu thú tại cơ quan công an. Điều đó giúp lực lượng công an đỡ nguy hiểm về tính mạng và mang ý nghĩa giáo dục và nhân đạo sâu sắc. Nhờ được tuyên truyền, vận động, đối tượng bị truy nã nhận thức rõ hơn về trách nhiệm, hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra. Đồng thời, đây cũng là căn cứ quan trọng để các cơ quan tố tụng xem xét giảm nhẹ hình phạt cho đối tượng, thể hiện chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước.
Theo Thiếu tá, Phó Trưởng phòng Nguyễn Kim Cương, để vận động được một đối tượng bị truy nã ra đầu thú cũng không ít gian nan, vất vả. Đó là quá trình nghiên cứu kỹ về nhân thân, quá trình phạm tội, đặc điểm tâm lý của đối tượng… và quan trọng là phải tìm được những người có uy tín với đối tượng để tiến hành công tác vận động. Nói thì dễ, nhưng để có được điều ấy lực lượng công an phải đi lại nhiều lần, nhiều nơi mới thu được kết quả mong muốn. Mỗi đối tượng mỗi hoàn cảnh, người có uy tín với đối tượng có khi không là thân nhân, mà là một ông bác họ xa, người hàng xóm hay bạn bè của đối tượng. Có được người có uy tín với đối tượng rồi, lực lượng công an phải tìm cách tiếp cận và thuyết phục họ cùng tham gia vận động, cảm hóa đối tượng bị truy nã. Quá trình này cũng không ít khó khăn, nhưng khi thuyết phục được họ rồi thì kết quả thu được có khi ngoài mong đợi.
Có người mẹ già, sau khi được trinh sát phân tích thiệt hơn, cầm trong tay thư ngỏ có chữ ký, con dấu của đồng chí Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, đã gọi điện ngay cho con trai đang sống chui lủi ở nước ngoài về trình diện. Con bị bắt, bà không vui nhưng cũng nhẹ lòng vì ít ra bà cũng được nhìn thấy mặt con một lần trước khi nhắm mắt xuôi tay và từ nay cả gia đình bà không phải sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu. Bà thấy như khỏe và vui hơn khi nghĩ đến việc con đi xa nhưng còn định ngày về.
Có đối tượng truy nã trốn vào tận miền nam, nhưng di biến động và tình hình, diễn biến tâm lý của đối tượng lực lượng công an đều nắm được thông qua người bạn thân của đối tượng. Tuy nhiên, các anh không tổ chức truy bắt, vì cũng chính người bạn nói trên cho biết “cứ ở trong hoàn cảnh sống không bằng đi tù như hiện tại, thì vài hôm nữa nó sẽ tìm cách gặp các anh”. Thực tế diễn ra đúng như những gì các trinh sát và người bạn của đối tượng đã dự đoán.
Đại úy, Đội trưởng Nguyễn Vũ Bẩy chia sẻ, muốn vận động có hiệu quả thì từ cách ăn mặc, đi đứng, nói năng của trinh sát phải tạo được thiện cảm, niềm tin với người cần tiếp xúc. Hơn nữa phải làm cho họ hiểu đường lối, chính sách, pháp luật liên quan và đôi khi phải có cả thực tế chứng minh mới thuyết phục được họ. Có trường hợp các trinh sát phải dùng chính người đã từng là đồng phạm với đối tượng, nay không những đã chấp hành xong hình phạt mà còn trở thành sinh viên của một trường cao đẳng đứng ra thuyết phục mới “đánh đổ” được rào cản tâm lý của thân nhân đối tượng bị truy nã. Từ đó họ mới gọi con em mình về đầu thú.
Dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ chú trọng đúng mức công tác dân vận, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và hiệu quả công tác bắt truy nã tội phạm ngày càng đi vào chiều sâu. Nếu như năm 2011, đơn vị vận động được 22 đối tượng ra đầu thú, trong đó có bảy đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm thì chỉ trong sáu tháng đầu năm nay, đơn vị vận động được 18 đối tượng ra đầu thú, trong đó có bảy đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.
Dân vận tốt để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của Phòng Cảnh sát Truy nã tội phạm đã và đang là một trong những nét tiêu biểu, thiết thực hưởng ứng phong trào thi đua “Ba Tốt” (tư tưởng tốt, tư cách tốt, việc làm tốt) của toàn lực lượng Công an tỉnh Bắc Ninh thời gian qua.
Theo Nhandan
Ý kiến ()