Dân vận khéo - Phát huy sức mạnh tổng hợp trong Nhân dân
(LSO) – Thực hiện lời dạy của Bác “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình có sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Tại xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hơn 3 năm qua, trên 90% đám tang của các gia đình được tổ chức đơn giản, văn minh. Kết quả đó phản ánh những nỗ lực không mệt mỏi của các cán bộ, đảng viên nhất là các bí thư chi bộ thôn, họ là những người tiên phong, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền người dân thực hiện.
Bà Vi Thị May, thôn Nà Mạ, xã Thống Nhất cho biết: Năm 2019, gia đình có tang. Ban đầu chúng tôi cũng dự định tổ chức đám hiếu riêng theo phong tục. Tuy nhiên, được đồng chí Bí thư chi bộ thôn phân tích, giải thích, gia đình đã không làm đám hiếu riêng, qua đó, đám hiếu tổ chức vừa gọn và tiết kiệm. Không chỉ gia đình tôi, những năm gần đây, nhiều hộ trong thôn cũng không còn duy trì hủ tục này.
Nhân dân xã Khánh Xuân, huyện Lộc Bình làm đường giao thông nông thôn
Đây là một trong số hàng nghìn mô hình điển hình “dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh đã triển khai có hiệu quả trong 3 năm qua. Theo báo cáo của Ban Dân vận Tỉnh ủy, giai đoạn 2017 – 2020, toàn tỉnh có 1.973 mô hình, điển hình “dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá – xã hội, củng cố hệ thống chính trị. Phong trào thi đua “dân vận khéo” đã lan toả sâu rộng đến từng địa phương, từng ngành, từng đơn vị và đến với từng người dân.
Để phong trào đạt hiệu quả, trong những năm qua, cấp uỷ, chính quyền các cấp đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đa dạng hình thức tuyên truyền, tập huấn công tác dân vận cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Trong đó, nổi bật là tổ chức hội thi sân khấu hoá “Dân vận khéo” từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh với trên 1.000 đội thi và hơn 5.000 thí sinh tham gia. Hội thi đã góp phần lan toả mạnh mẽ phong trào thi đua “dân vận khéo” trên địa bàn.
Bà Dương Lệ Mỹ, Trưởng Ban Dân vận Huyện uỷ, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện Văn Lãng cho biết: Việc đăng ký các mô hình “dân vận khéo” được triển khai gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ban Dân vận Huyện uỷ luôn chủ động theo dõi, khảo sát, đánh giá chất lượng từng mô hình đồng thời phối hợp tổ chức khen thưởng, biểu dương, nhân rộng những điển hình “dân vận khéo”. Theo đó, trong 3 năm qua, trên địa bàn huyện có hơn 200 mô hình điển hình trên mọi lĩnh vực.
Từng mô hình, điển hình “dân vận khéo” được triển khai trên các lĩnh vực với những cách làm khác nhau nhưng đều mang đến hiệu quả thiết thực. Qua phong trào thi đua đã phát huy sức mạnh tổng hợp trong Nhân dân, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Hơn 3 năm qua, Nhân dân trong tỉnh đã đóng góp được trên 78 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng nông thôn. Theo đó, với sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân, hết tháng 9/2020, toàn tỉnh có 51 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), dự kiến cuối năm 2020 sẽ có 65/181 xã trên toàn tỉnh đạt chuẩn NTM. Cùng với đó, giai đoạn 2017 – 2020, tỷ lệ giảm nghèo bình quân của tỉnh đạt 3,6%/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 36,5 triệu đồng (năm 2017) lên hơn 48 triệu đồng (ước năm 2020).
Bà Lục Thanh Hà, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp tục tham mưu, triển khai phong trào, đặc biệt là chú trọng nhân rộng những điển hình “dân vận khéo” để huy động mọi nguồn lực trong nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình, mục tiêu đã đề ra.
Ý kiến ()