Kinh nghiệm ở xã nông thôn mới Bản Bo
Chúng tôi có mặt tại xã Bản Bo, một trong bốn xã nông thôn mới (NTM) đầu tiên của huyện Tam Đường (Lai Châu), đây cũng là xã nhiều năm liền được các cấp khen thưởng vì làm tốt công tác dân vận. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã vận động bà con chuyển đổi hơn 330 ha đất nương kém hiệu quả sang trồng chè chất lượng cao; áp dụng giống mới và kỹ thuật canh tác để chuyển gần 100 ha ruộng lúa một vụ sang trồng lúa hai, ba vụ một năm. Kết quả là, hiệu quả kinh tế và thu nhập của người dân trong xã được cải thiện rõ rệt, đời sống ổn định và ngày một nâng cao. Đồng thời, nhờ dân vận khéo, bà con nơi đây đã tự nguyện đóng góp hàng nghìn ngày công, hiến hàng chục nghìn mét vuông đất để làm đường giao thông nông thôn nội bản, nội đồng. Nhờ đó, tất cả 16 bản trong xã đều có đường bê-tông thuận lợi đến tận thôn, bản; đường nội đồng cũng được bê- tông hóa, thuận tiện cho sản xuất, canh tác và vận chuyển nông sản. Có được kết quả trên, theo đồng chí Nguyễn Xuân Hoàn, Bí thư Đảng ủy xã thì, công tác dân vận là quan trọng nhất. Nếu không làm tốt công tác dân vận, có lẽ còn lâu nữa xã Bản Bo mới có thể hoàn thành được các tiêu chí của một xã NTM như hiện nay.
Nói về kinh nghiệm thành công trong công tác dân vận của xã, đồng chí Nguyễn Xuân Hoàn chia sẻ : “Phương châm của chúng tôi khi đi vận động là phải thật, phải vì dân, dân vận bằng thực tế chứ không nói suông. Chúng tôi luôn yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi thành viên của các tổ chức, từ trường học, trạm y tế… đều phải là một cán bộ dân vận trong lĩnh vực công tác của mình. Xã có tám dân tộc anh em sinh sống, trình độ nhận thức không đồng đều; phong tục, tập quán cũng khác nhau, nên muốn dân vận có kết quả thì phải bằng thực tế”.
Với bà con trong xã, dù nhận thức chưa cao nhưng chỉ cần được “tay cầm, mắt thấy” là sẽ tự giác làm theo. Trước đây, khi đi vận động người dân trồng chè, cán bộ xã gặp rất nhiều khó khăn. Có những bản, cán bộ xã lên họp, vận động ba lần mà bà con vẫn chưa nghe, chưa thông. Cấp ủy, chính quyền xã sau đó đã tập trung làm mẫu ở một bản, làm tốt nhất có thể, huy động toàn bộ cán bộ xã, giáo viên, dân quân… đến tận bản làm giúp nhân dân trong những ngày nghỉ. Những gia đình trưởng bản, bí thư chi bộ, công an viên, đảng viên… gương mẫu làm trước và đạt kết quả tốt. Sau mấy vụ, bà con thấy rõ hiệu quả, cả bản mới làm theo. Bản này trở thành bản điểm để xã đưa dân những bản khác đến học hỏi. Nhờ vậy, sau 5 năm diện tích chè của xã Bản Bo từ mấy chục ha đã tăng lên hơn 360 ha như hiện nay. Kinh nghiệm và phương pháp này sau đó cũng được xã áp dụng trong việc bê-tông hóa đường giao thông nông thôn và rất thành công.
Đồng chí Đào Bích Vân, Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Lai Châu cho rằng, công tác dân vận trong các cấp cơ sở toàn tỉnh Lai Châu cũng được chú trọng triển khai tương tự như kinh nghiệm thực tế ở xã Bản Bo. Lai Châu là một tỉnh miền núi biên giới khó khăn, dân số tuy chỉ hơn 400 nghìn người, nhưng có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trình độ nhận thức không đồng đều và phong tục, tập quán lại rất khác nhau. Cùng với đó là điều kiện địa hình núi non chia cắt phức tạp, giao thông đi lại khó khăn; nhiều thôn, bản nằm ở vùng xa xôi hẻo lánh, nhiều xã xa trung tâm huyện và các huyện đều cách xa tỉnh lỵ. Chưa kể, thời gian trước đây, một bộ phận cán bộ, công chức ở các ngành, cấp, địa phương có tư tưởng cho rằng, dân vận là việc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, của ban dân vận các cấp, chứ không phải của mình. Chính vì vậy, việc đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào luôn gặp nhiều khó khăn.
Người dân xã Bản Bo (Tam Đường, Lai Châu) đóng góp ngày công làm đường bê-tông nông thôn.
Nhân điển hình, đổi mới, nâng cao hiệu quả
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác dân vận ở Lai Châu đã được chú trọng và xác định là nhiệm vụ hàng đầu của cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp. Dân vận đã không còn bị coi là “việc riêng” của các cơ quan đoàn thể, mà trở thành công việc hằng ngày của cả hệ thống chính trị. Mọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đều biết và phải biết gắn công việc, nhiệm vụ của mình với công tác dân vận; làm dân vận trong mọi nhiệm vụ chính trị của mình. Quan điểm xuyên suốt của Lai Châu là làm dân vận phải khéo. “Cái khéo ở đây chính là cái thật, cái mộc mạc, phải hết lòng vì bà con chứ không phải khéo kiểu hời hợt” – đồng chí Đào Bích Vân giải thích. Dân vận khéo là phải biết việc vận dụng linh hoạt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống của bà con; thuyết phục bằng nêu gương, bằng hiệu quả sản phẩm, bằng kết quả công việc cụ thể, thiết thực đối với người dân; để người dân đồng tình hưởng ứng…
Về kinh nghiệm dân vận, đồng chí Đào Bích Vân khẳng định, quan trọng vẫn phải là gần dân, sát dân, lắng nghe dân nói, nói dân hiểu và tôn trọng, vì dân. Xuống với bà con thì ngay cả cách ăn mặc cũng phải gần gũi với họ, nếu không biết tiếng thì phải có cán bộ biết tiếng đi cùng để truyền đạt, giải thích… Đồng thời phải tăng cường phối hợp giữa các lực lượng khi làm công tác dân vận để đem lại hiệu quả cao nhất có thể. Quan trọng hơn nữa là sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị. Thực tế đã chứng minh, năm 2014, nhờ dân vận khéo, Lai Châu từng giải quyết tốt vụ việc hàng nghìn người dân khu vực phải di dời, tái định cư (của các xã thuộc hai huyện Than Uyên, Tân Uyên), tụ tập khiếu kiện, manh động do những mâu thuẫn nhầm lẫn liên quan đến quyền lợi chưa được rõ ràng. Trong sự thành công của quá trình dân vận đó có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng khi tiếp xúc, đối thoại và giải thích về chế độ, chính sách; về những vướng mắc liên quan… giúp bà con hiểu được bản chất của vấn đề.
Từ công tác dân vận, người dân xã Bản Bo (Tam Đường, Lai Châu) đã chuyển đổi thành công diện tích đất nương năng suất thấp sang trồng chè chất lượng cao.
Hiện nay, tuy còn có những khó khăn nhất định, song quan điểm của tỉnh Lai Châu là: công tác dân vận vẫn phải luôn được chú trọng, tăng cường và đổi mới phương thức, nội dung để phù hợp với tình hình mới. Ban Dân vận Tỉnh ủy Lai Châu đang tham mưu giúp Tỉnh ủy xây dựng Đề án tăng cường đổi mới công tác dân vận giai đoạn 2016 – 2020, trong đó sẽ cụ thể hóa các nội dung cần chú trọng, tăng cường của công tác dân vận; cần đổi mới cái gì; đổi mới theo phương pháp nào… “Nhưng tựu trung vẫn phải chú trọng vào việc làm sao để đem lại hiệu quả dân vận cao nhất. Kiểu như, nếu dân vận về vấn đề bảo vệ biên giới là bà con thấy ngay cái lợi của nó giống như các mô hình tổ tự quản đường biên mốc giới, tổ tự quản an ninh trật tự hiện nay; hay khi vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng là bà con nhận ra được cái lợi từ việc chuyển đổi đó giống như người dân vùng chè, vùng cao-su… đã từng nghe, từng thấy, từng làm” – đồng chí Đào Bích Vân cho biết.
Ý kiến ()