Dân vận khéo nhìn từ vai trò cấp ủy
Nhiều năm qua, công tác dân vận ở các tỉnh Ninh Bình, Nam Định tiếp tục đổi mới từ cách thức vận động, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ, đảng viên, nhân rộng các mô hình, điển hình dân vận khéo,… tạo khí thế mới, quyết tâm mới trong thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.
Thực tế ghi nhận các cấp ủy trong toàn đảng bộ tỉnh đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác dân vận, quan tâm chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ những vấn đề liên quan đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, tăng thêm niềm tin của nhân dân với Đảng.
Sức lan tỏa từ những mô hình
Một thực tế ở xã miền núi Đồng Phong, huyện Nho Quan (Ninh Bình) là đơn vị đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2014) nhưng phần lớn diện tích đất canh tác kém hiệu quả, thậm chí bỏ hoang, trong khi có khá đông lao động của địa phương đi làm tại các khu công nghiệp. Khó khăn lớn nhất của xã là chuyển đổi trồng lúa bằng mô hình sản xuất mới cho hiệu quả cao hơn đã được hóa giải bởi nỗ lực tìm tòi, tiên phong của đồng chí Bùi Trần Dự, Bí thư Ðảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Ðồng Phong.
Bác Ðồng Văn Ðông ở thôn Liêu Thượng tâm đắc: “Ngày anh Dự mang kinh nghiệm trồng ổi từ tỉnh bạn về giới thiệu, vận động, ai cũng băn khoăn… Nhưng khi thấy anh ấy cùng vợ làm đất, chăm cây,… rồi bán hết cả tạ ổi ngay tại vườn, thì mọi người đều trầm trồ, tính ra mỗi sào thu 20 triệu đồng”.
Tham quan các khu, vùng sản xuất do xã định hướng tổng thể về quy hoạch, chúng tôi được biết, bên cạnh mô hình trồng ổi, cam canh, bưởi của gia đình anh Dự, Đồng Phong còn có nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp cho hiệu quả cao của cán bộ, đảng viên trong xã, như: mô hình cải tạo bãi rác để xây dựng trang trại nuôi gà Đông Tảo của đồng chí Lưu Văn Định, Phó Chủ tịch UBND xã; mô hình trồng cây ăn quả, nuôi cá của các đồng chí Phạm Quyết Chiến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã; Lưu Quang Chung, cán bộ văn hóa xã,… Các mô hình này đã “đánh thức” khát vọng làm giàu trên đồng đất của người nông dân.
Hiện nay, Đồng Phong có 9 hợp tác xã với hàng nghìn thành viên hoạt động trong các lĩnh vực: dịch vụ nông nghiệp, chăn nuôi (gà, cá), trồng cây ăn quả an toàn, sản xuất rau, củ, quả theo công nghệ cao trên cánh đồng mẫu lớn,… ước thu về vài chục tỷ đồng/năm, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của xã lên 52 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,65% năm 2020.
Theo đồng chí Hoàng Khắc Tiệp, Chủ tịch UBND huyện Nho Quan, thực tiễn công tác dân vận với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên xã Đồng Phong không những đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (năm 2020) mà còn là kinh nghiệm quý đối với các cấp ủy, tổ chức đảng của huyện trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thi đua xây dựng và nhân rộng mô hình dân vận khéo.
Năm 2021, huyện xây dựng được 79 mô hình dân vận khéo (38 mô hình phát triển kinh tế). Tại xã vùng cao Phú Long, mô hình nuôi hươu sao đã có từ lâu nhưng để trở thành mô hình điểm dân vận khéo thì mới được triển khai thời gian qua với sự vào cuộc sát sao của đội ngũ cán bộ chủ chốt và cấp ủy, chính quyền địa phương.
Chủ tịch UBND xã Phú Long Bùi Văn Hiếu cho biết: Trước kia người dân chăn thả tự do, hiệu quả không cao, dễ sinh dịch bệnh, còn nay bà con đều đã ý thức chú trọng xây dựng chuồng trại, bảo đảm vệ sinh, khoa học, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Trên cơ sở lợi thế từng vùng, xã còn xây dựng thành công mô hình trồng na trái vụ, nuôi trâu, bò, dê, kết hợp thả cá với trồng lúa, cấy lúa chất lượng cao,…
Trong khi đó, chọn việc khó mà có lợi cho dân để làm là phương châm hành động của Đảng bộ huyện Vụ Bản (Nam Định). Thực hiện thi đua dân vận khéo được gắn với chức năng, nhiệm vụ chính trị và được xem là tiêu chí đánh giá, xếp loại đối với tập thể và cá nhân cơ quan, đơn vị, địa phương.
Đồng chí Bùi Xuân Triệu, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Vụ Bản cho biết, ngay từ đầu năm các cấp ủy đều xây dựng chương trình, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác dân vận; trọng tâm là tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội trong huyện; chú trọng đổi mới phương thức tập hợp nhân dân, phát huy vai trò chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
Cùng với đó, Thường trực Huyện ủy, các đảng ủy xã, thị trấn thường xuyên gặp gỡ từng đơn vị để cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về cơ chế, kinh phí và công tác cán bộ. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thường xuyên gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân để nắm tình hình và trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cho cơ sở. Những giải pháp này đã giúp cho Vụ Bản xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình, điển hình dân vận khéo.
Trong xây dựng nông thôn mới, với phương châm nhân dân là chủ thể, nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ, thời gian qua, người dân các xã, thị trấn trong huyện đã tự nguyện góp 455,8 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, hiến 298 ha đất; tham gia 148.000 ngày công lao động. Phong trào thi đua xây dựng “Tuyến đường hoa” của hội phụ nữ đã trồng được 191 tuyến đường với gần 90 km.
Nhiều cán bộ, đảng viên tiêu biểu trong phong trào dân vận khéo như: đồng chí Hoàng Văn Bốn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Thuận Bốn, xã Hợp Hưng thi đua phát triển sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản. Đồng chí Trần Mạnh Hùng, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thị trấn Gôi tích cực tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện vì cộng đồng…
Vai trò hạt nhân và trách nhiệm nêu gương
Thực tế việc thi đua dân vận khéo ở nhiều địa phương, đơn vị của các tỉnh Ninh Bình, Nam Định cho thấy khá rõ trách nhiệm nêu gương, tự giác của người đứng đầu và cán bộ chủ chốt. Việc xây dựng mô hình dân vận khéo thể hiện rõ tác động, dấu ấn của tổ chức, cá nhân, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ, ghi nhận, đánh giá cao và hưởng ứng tham gia.
Theo đồng chí Trần Minh Thắng, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nam Định, thông qua phong trào thi đua dân vận khéo, phần lớn cán bộ, đảng viên đã nâng cao năng lực, kỹ năng vận động quần chúng, phát huy quyền được làm chủ của nhân dân, thu hút được nguồn lực của xã hội, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển của địa phương, giữ vững trật tự xã hội, an ninh, quốc phòng.
Đồng chí Đỗ Việt Anh, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Ninh Bình đánh giá: Thông qua phong trào thi đua dân vận khéo đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về công tác dân vận của Đảng; giúp các cấp ủy nắm chắc diễn biến tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân; tích cực tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, phát huy được sức mạnh đoàn kết của cộng đồng trong xây dựng quê hương giàu đẹp.
Thực tiễn công tác dân vận ở tỉnh Ninh Bình, Nam Định vừa qua cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Nguyên nhân phổ biến ở nhiều nơi vẫn là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt.
Nhận thức về công tác dân vận chính quyền của người đứng đầu chưa đầy đủ, còn cho rằng công tác dân vận là của cấp ủy đảng, của ban dân vận, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Ở một số nơi, ý thức trách nhiệm và đạo đức trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, ngại va chạm, né tránh, đùn đẩy; công tác cải cách hành chính chưa thật sự được quan tâm; việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương, Quy chế dân chủ ở cơ sở còn lỏng lẻo.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ phát triển tình hình mới và của các địa phương nói riêng, thiết nghĩ các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương ở các tỉnh nêu trên cần tiếp tục quán triệt, nắm vững quan điểm, chủ trương, quy định của Đảng về công tác dân vận, trước hết là Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị.
Theo đó, xác định rõ công tác dân vận là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị. Nhân tố quan trọng là, thực hiện phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu đối với công tác dân vận; phát huy dân chủ ở cơ sở, vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, có chương trình, kế hoạch hành động phù hợp, hiệu quả hơn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ■
Ý kiến ()