Dán thẻ thu phí tự động không dừng: Các chủ phương tiện còn thờ ơ
(LSO) – Theo Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/3/2017 về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng, thì chậm nhất đến 31/12/2019, trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ (trong đó có trạm thu phí BOT Bắc Giang – Lạng Sơn) và các doanh nghiệp liên quan phải thực hiện thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.
Để thực hiện đúng lộ trình theo Quyết định số 07 của Thủ tướng Chính phủ thì khâu quan trọng nhất là việc dán thẻ thu phí tự động không dừng (thẻ E-tag, còn gọi là thẻ đầu cuối) lên kính phương tiện để khi đến trạm thu phí, thiết bị điện tử tại trạm có thể nhận biết phương tiện và tự động trừ phí.
Trạm thu phí BOT Bắc Giang – Lạng Sơn quản lý các phương tiện vận tải qua lại trên hệ thống camera quan sát từ xa
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai việc dán thẻ E-tag, số lượng phương tiện được dán thẻ còn quá thấp. Ông Nguyễn Thành Phương – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đăng kiểm xe cơ giới Lạng Sơn cho biết: Tính đến hết ngày 31/5/2019, mới chỉ có 1.674 phương tiện (ô tô tải, taxi, xe gia đình…) thực hiện dán thẻ đầu cuối E-tag, chiếm chưa đến 10% tổng số ô tô các loại trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Phương, Công ty Cổ phần Đăng kiểm xe cơ giới Lạng Sơn là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh được Bộ Giao thông – Vận tải cấp phép về hoạt động dán thẻ E-tag. Việc dán thẻ E-tag được công ty thực hiện miễn phí cho tất cả các phương tiện có nhu cầu. Mặc dù không mất bất cứ khoản phí nào nhưng hiện chủ các doanh nghiệp vận tải, chủ phương tiện tư nhân vẫn rất thờ ơ và chưa mặn mà với việc dán thẻ.
Tìm hiểu được biết, có nhiều nguyên nhân khiến các chủ phương tiện (ô tô) chưa thực hiện dán thẻ E-tag, trong đó có 2 nguyên nhân chính là: các trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ chưa thực hiện đồng bộ việc triển khai thu phí tự động không dừng; xung đột lợi ích giữ chủ phương tiện và công ty thu phí.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Lạng Sơn cho biết: Thời gian các trạm thu phí triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng quá chậm và riêng trên tuyến quốc lộ 1A vẫn còn nhiều trạm chưa triển khai việc thu phí tự động không dừng (trong đó có trạm BOT Bắc Giang – Lạng Sơn). Chính điều này khiến các chủ doanh nghiệp, các chủ phương tiện ô tô vẫn có quan niệm là dán thẻ E-tag không để làm gì, vì còn rất nhiều trạm vẫn thực hiện thu phí thủ công. Ngoài ra, một yếu tố khác khiến các chủ phương tiện còn thờ ơ với việc dán thẻ như: hiện các trạm thu phí BOT vẫn thực hiện bán vé tháng cho các phương tiện kinh doanh vận tải và để khuyến khích các doanh nghiệp này, các chủ phương tiện kinh doanh vận tải mua vé tháng, công ty thực hiện phương án giảm từ 10 – 15% giá vé theo quy định. Trong khi, nếu chủ phương tiện gắn thẻ để thực hiện thu phí tự động thì số tiền trừ qua thẻ vẫn theo giá quy định. Chính điều này khiến các chủ phương tiện, nhất là các chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải không mặn mà với việc dán thẻ E-Tag.
Có thể thấy, những nguyên nhân này khiến số lượng phương tiện dán thẻ E-tag còn quá ít và điều này sẽ ảnh hưởng đến lộ trình thực hiện việc thu phí tự động không dừng mà Thủ tướng đã đề ra theo Quyết định 07.
Qua trao đổi với ông Nghiêm Văn Hải, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Lạng Sơn, chúng tôi được biết: thu phí tự động không dừng là giải pháp giúp doanh nghiệp kiểm soát chính xác số phí thu được. Phương tiện qua trạm không mất thời gian dừng xe hay trả tiền mua vé nên giải quyết tình trạng ùn tắc trạm thu phí hiện nay. Và đây là hoạt động tham gia giao thông thông minh mà các nước tiến tiến trên thế giới đã thực hiện từ lâu. Ngoài việc đôn đốc doanh nghiệp BOT đẩy nhanh tiến độ triển khai các công việc liên quan đến thực hiện dịch vụ thu phí tự động không dừng đối với các phương tiện qua trạm, sở đã triển khai văn bản đến tất cả các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn, vận động các doanh nghiệp tham gia dán thẻ E-tag.
Thẻ E-tag được thiết kế nhỏ gọn, dán trên kính xe hoặc đèn xe. Chủ xe có thể tra cứu và quản lý việc trả phí trên trang web của đơn vị cung cấp. |
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()