Dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản: Nhiều hợp tác xã chưa chủ động
(LSO) – Dán tem truy xuất nguồn gốc và sử dụng mã QR code để truy xuất nguồn gốc nông sản là một giải pháp để doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nông sản khẳng định uy tín, thương hiệu sản phẩm của đơn vị mình. Tuy nhiên, còn rất ít hợp tác xã (HTX) sản xuất nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh triển khai dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm của mình.
Trên địa bàn thành phố Lạng Sơn hiện có 18 HTX chuyên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Nhưng đến năm 2019, mới chỉ có 1 đơn vị triển khai sử dụng mã QR code và dán tem truy xuất nguồn gốc là HTX An Sơn (xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn) đối với 2 sản phẩm là hạt dẻ và mật ong. Đến giữa tháng 10/2019, HTX An Sơn đã triển khai dán được hơn 3.000 tem truy xuất nguồn gốc cho 2 sản phẩm nêu trên.
Theo ông Chu Đức Khôi, Giám đốc HTX An Sơn, việc dán tem truy xuất nguồn gốc có rất nhiều lợi ích cho đơn vị sản xuất nông sản. Cụ thể việc dán tem truy xuất giúp minh bạch thông tin về sản phẩm, quy trình chăm sóc, sản xuất, khẳng định uy tín của nhãn hiệu sản phẩm; đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng khi mua sắm, tiêu thụ sản phẩm nông sản. Bên cạnh đó, dán tem truy xuất giúp người sản xuất tạo lập cơ sở pháp lý vững chắc nếu trên thị trường xuất hiện các sản phẩm hàng giả, hàng nhái kém chất lượng…
Các cửa hàng rau an toàn của các HTX tại chợ Bờ Sông chưa có tem truy xuất nguồn gốc nông sản và bày bán như ngoài chợ thông thường
Tuy vậy, hiện nay, số lượng HTX triển khai dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản còn rất ít. Theo số liệu thống kê của Chi cục Quản lý Chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trên địa bàn tỉnh có hơn 100 HTX sản xuất nông, lâm, thủy sản, nhưng chỉ có 17 đơn vị sử dụng mã QR code và dán tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản.
Các HTX, cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản sử dụng mã QR code và dán tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc nông sản thấp là do chưa nhận thức đúng, đủ những lợi ích và hiệu quả của việc dán tem truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, nhiều HTX chưa quan tâm đầu tư kinh phí làm tem mã QR code truy xuất nguồn gốc nông sản. Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến việc đăng ký sử dụng mã QR code và dán tem truy xuất của các HTX, cơ sở sản xuất là do chi phí để dán tem truy xuất còn khá cao.
Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc cho biết: Việc triển khai dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản tại các HTX còn gặp nhiều khó khăn do các HTX còn ngại đổi mới, chưa muốn đầu tư chi phí dán tem truy xuất nguồn gốc vì cho rằng như vậy sẽ làm tăng giá thành sản phẩm. Đây là một rào cản mà các cơ sở sản xuất nông sản trên địa bàn huyện chưa vượt qua được.
Tại các siêu thị và các cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, các sản phẩm nông sản của các doanh nghiệp trong tỉnh chỉ chiếm khoảng 20%, số sản phẩm có mã QR code chỉ có 1 đến 2 sản phẩm. Anh Hồ Nam, quản lý bán hàng tại siêu thị Vinmart (đường Lê Lợi) cho biết: “Hệ thống siêu thị Vinmart tại Lạng Sơn đang hướng đến bao tiêu sản phẩm nông sản của một số HTX sản xuất trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên hiện nay, các HTX đều chưa triển khai dán tem truy xuất nên cửa hàng chưa thể nhập hàng cho các cơ sở sản xuất trong tỉnh”.
Để giải quyết bài toán về tem truy xuất nguồn gốc nông sản, ông Trần Quốc Anh, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng cho biết: Trong thời gian tới, đơn vị sẽ hỗ trợ một số HTX sản xuất trên địa bàn tỉnh khi triển khai sử dụng mã QR code và dán tem truy xuất nguồn gốc nông sản theo dự án nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020. Đồng thời, đơn vị tiếp tục phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, tác dụng của việc sử dụng mã QR code và dán tem truy xuất cho các cơ sở sản xuất nông sản trong tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho các HTX và nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông sản của tỉnh; từng bước đưa các sản phẩm của địa phương có thể lên kệ tại hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh cũng như có đủ điều kiện xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, về lâu dài, các HTX, doanh nghiệp và hộ gia đình cần có chiến lược phù hợp trong phát triển sản xuất, tự nâng cao kỹ năng quản lý, mạnh dạn đầu tư phát triển thương hiệu. Có như vậy, các sản phẩm sản xuất ra mới có chỗ đứng trên thị trường.
Gia Khánh - Công Quân
Ý kiến ()