Dán nhãn cho sách: Cần thiết và linh hoạt
Sau hiện tượng một số cuốn sách gây tranh cãi về nội dung, đại diện Cục Xuất bản, In và Phát hành đã đưa ra khuyến cáo: Các nhà xuất bản cần lưu tâm việc dán nhãn, phân loại sách để tác phẩm đến đúng đối tượng bạn đọc. Nhiều nhà xuất bản đã quyết định dán nhãn 18+ cho các tác phẩm sắp xuất bản, tái bản dựa theo nhận định về nội dung, ngôn ngữ trong sách.
Thực tế, việc dán nhãn, phân loại xuất bản phẩm đã được quy định tại Thông tư số 09/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong đó quy định xuất bản phẩm dành cho trẻ em (trừ sách giáo khoa) phải ghi rõ đối tượng phục vụ ở bìa 4. Thông tư cũng chia đối tượng ra ba lứa tuổi khác nhau là trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ em từ 6 đến 11 tuổi và trẻ em từ 11 đến 16 tuổi.
Đồng thời các tiêu chí cụ thể cũng được đặt ra cho xuất bản phẩm như: Chính xác về lịch sử, chủ quyền lãnh thổ, đề cao tình yêu dân tộc, phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, bồi dưỡng tâm hồn và phù hợp với mức độ trưởng thành của trẻ. Thông tư còn quy định với xuất bản phẩm dành cho trẻ em của tác giả nước ngoài cũng cần bảo đảm các yếu tố nêu trên. Luật Xuất bản năm 2012 còn quy định rằng nội dung liên quan truyền bá lối sống dâm ô, đồi trụy, phá hoại thuần phong mỹ tục đều bị cấm xuất bản. Điều khoản này cũng áp dụng với tác phẩm của tác giả trong nước và nước ngoài.
Tuy nhiên, các văn bản pháp luật mới chỉ quy định về phân loại đối tượng, chưa đề cập các nhóm nội dung của từng đối tượng. Do vậy, với thể loại sách thiếu nhi, các đơn vị xuất bản, phát hành thường tuân thủ điều này, song quy định dán nhãn 16+, 18+ lại chưa có. Do vậy, việc linh hoạt phân loại, dán nhãn cho sách trong trường hợp cần thiết đều phụ thuộc vào sự thẩm định và tự áp dụng của các đơn vị xuất bản.
Tại các cuộc tọa đàm, giao lưu về sách được tổ chức thời gian gần đây, rất nhiều thắc mắc của thầy cô giáo, cha mẹ học sinh chủ yếu xoay quanh các vấn đề: Chọn sách thế nào, đâu là ranh giới, cách xác định ra sao... và nhìn chung chưa có giải pháp mang tính thống nhất.
|
Nếu thực hiện những yêu cầu về dán nhãn cho sách thì chắc chắn ngành xuất bản cần xây dựng một kênh riêng chuyên thẩm định, đánh giá và phân loại tác phẩm theo các cách hội đồng phân loại phim.
Giám đốc Công ty HanoiBooks Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, trong khi chưa có quy định cụ thể, đơn vị này và nhiều công ty khác chủ động dán nhãn sách sau khi tự thẩm định nội dung. Nếu tác phẩm không phù hợp với lứa tuổi mới lớn, ban biên tập sẽ ghi chú trên trang bìa, thí dụ “sách 16+” hoặc “sách 18+”. Đại diện Nhà xuất bản Kim Đồng chia sẻ, trên các ấn phẩm dành cho thanh thiếu niên của đơn vị có ghi rõ đối tượng bạn đọc ở bìa sau của sách và bìa phụ. Với các ấn phẩm dành cho cha mẹ học sinh, nhà xuất bản có tủ sách “Làm cha mẹ” và logo nhận diện riêng xuất hiện trên trang bìa đầu tiên; mảng sách hướng đến tuổi trưởng thành, nhà xuất bản đề rõ lưu ý “Dành cho tuổi trưởng thành” ở bìa chính của ấn phẩm.
Lãnh đạo Cục Xuất bản cho biết, trước hết, các đơn vị cần chủ động phân loại, hướng dẫn bạn đọc, nhất là đối với sách có nội dung liên quan tình dục hoặc bạo lực. Tất nhiên, không phải tác phẩm nào có các yếu tố nêu trên cũng quy thành phản cảm hay cần thiết phải dán nhãn mà ranh giới “vùng cấm” cần được đội ngũ biên tập, thẩm định xác định phụ thuộc vào tỷ lệ chi tiết, ngôn ngữ và có đánh giá tác động về nhận thức, tâm lý của bạn đọc. Các đơn vị xuất bản cần nâng cao trách nhiệm trong thẩm định nội dung, nghệ thuật từ đó làm rõ thông điệp và đối tượng bạn đọc trước khi phát hành.
Theo đánh giá từ giới chuyên môn, sẽ là khiên cưỡng, cứng nhắc nếu so sánh lĩnh vực xuất bản sách với điện ảnh và áp dụng dán nhãn theo độ tuổi của sách giống như phim. Bởi lẽ, sự định lượng về hình ảnh, ngôn ngữ của điện ảnh có tính cụ thể hơn văn học. Ngoài ra, nếu một bộ phim ra rạp được thông báo về độ tuổi khán giả, có giám sát quản lý thì việc dán nhãn độ tuổi cho sách thật ra chỉ mang tính cảnh báo. Nó hoàn toàn không thể ngăn cản bạn đọc tiếp cận tác phẩm. Dù vậy, nhãn sách vẫn có tác dụng như một sự cảnh báo, góp phần tác động vào nhận thức, cho thấy bạn đọc cần cân nhắc hoặc xác định trước về hậu quả. Bên cạnh đó, nhãn sách cũng tác động đáng kể vào lựa chọn của nhà trường, gia đình khi muốn lan tỏa văn hóa đọc tới đối tượng nhỏ tuổi/trẻ tuổi.
Giới chuyên môn cho rằng, sách thường được nhà xuất bản phân loại, dán nhãn nhưng một chuỗi cung ứng sau đó, gồm: phân phối, phát hành, thư viện, gia đình vẫn có thể chủ động đưa ra những biện pháp để nhận định và phân loại sách nhằm định hướng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc.
Ý kiến ()