Dân khổ vì đường xấu
LSO-Đến km 55 200 quốc lộ 1B địa phận thôn Giao Thủy, xã Tân Văn rẽ trái là tới đường huyện 60 (ĐH 60). Đây là con đường duy nhất liên kết giữa trung tâm huyện với các xã đặc biệt khó khăn Hồng Thái, Bình La huyện Bình Gia. Hàng chục năm nay, trên 500 hộ dân thuộc xã Hồng Thái sinh sống trong khu vực vẫn phải đi trên con đường “khổ ải” này.
Nước lũ làm cho đường huyện 60 thường xuyên bị chia cắt |
ĐH 60 Tân Văn-Bình La có tổng chiều dài 12km, hiện trạng nền đường đặc biệt xấu, vượt qua gần 10 km của tuyến đường không thấy đoạn nào bằng phẳng mà toàn ổ gà ổ voi. Nhiều đoạn trên mặt đường hiện lên những rãnh nhỏ bị xói mòn vì mưa lũ. Mỗi khi có trận mưa lớn, việc đi lại của người dân nơi đây vốn đã khó khăn lại thường xuyên bị cản trở do dòng nước con suối Nà Tấu dâng nhanh và chảy siết chia cắt đường huyện 60. Người dân nơi đây từ bao thế hệ đã quá quen với cảnh này nhưng khổ nhất vẫn là những giáo viên và các em học sinh mỗi khi đến trường.
Cô giáo Đinh Thị Giáng – giáo viên Trường Tiểu học xã Hồng Thái có nhà ở xã Tô Hiệu cho biết: 10 năm dạy học gắn bó với con em xã Hồng Thái, bản thân không biết bao nhiêu lần vào gần đến trường thì lại bị cản trở bởi dòng nước lũ dâng cao, không có cách nào để vào trường đành phải nghỉ buổi dạy. Hơn 10 năm công tác ở Hồng Thái, cô đã phải thay mới 2 lần xe máy vì đường quá xấu.
Không chỉ hiện trạng nền mặt đường xuống cấp, hiện trên toàn tuyến này còn có 2 điểm thường xuyên bị ngập. Khi có mưa lớn, phương tiện hoàn toàn không thể đi lại là đoạn qua ngầm Nà Tấu (thôn Bản Huấn) và điểm trũng Nà Mạ (thôn Nà Ngùa). Ngoài ra, hiện tượng sạt lở đất gây ách tắc giao thông cũng thường xuyên xảy ra vào mùa mưa bão. Trong đó, bức xúc nhất là đèo Mé Nàng, thôn Nam Tiến (giáp với xã Tân Văn) và đèo Khun Nin-Khun Rồng giáp ranh với xã Bình La và đèo Trang Đông thuộc địa phận xã Bình La. Ông Long Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết: hàng năm huyện cũng đã tổ chức duy tu bảo dưỡng nhưng do con đường hình thành ở địa hình chia cắt phức tạp, hệ thống thoát nước không có, vì vậy chỉ được thời gian ngắn rồi đâu lại vào đấy. Ông Hải cũng cho biết thêm: do tuyến đường đi lại quá khó khăn, hầu như người dân và cán bộ xã Bình La khi có việc công cán ra ngoài huyện không đi đường này nữa mà đi theo đường Hòa Bình-Bình La-Gia Miễn ra đến cuối thị trấn Văn Quan rồi theo quốc lộ 1B về Bình Gia (theo lộ trình này đi xa hơn đường Tân Văn – Bình La khoảng hơn 20km).
Được biết, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Lạng Sơn, tuyến ĐH 60 nằm trong quy hoạch đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2011-2015 đạt quy mô đường cấp VI miền núi (nền đường rộng 6,5m mặt đường rộng 3,5m). Những người dân ở đây cho biết: năm 2010, huyện Bình Gia đi kiểm đếm đất đai, tài sản của các hộ dân dọc tuyến đường và cứ ngỡ tuyến đường sẽ được cải tạo nâng cấp. Nhưng rồi đã hơn 4 năm nay, con đường vẫn thế và ước mơ của hơn 500 hộ dân thuộc xã Hồng Thái và cũng ngần ấy hộ dân thuộc xã Bình La về một con đường tốt phục vụ giao thương tiêu thụ nông sản trong khu vực vẫn đang chỉ nằm trên giấy.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()