Dân khổ vì đường
LSO-Thời tiết nắng ráo đi lại đã khó, những ngày mưa bão thì việc đi lại của hơn 780 hộ dân trên địa bàn xã Lâm Ca, huyện Đình Lập còn khó khăn hơn. Thậm chí họ gần như bị cô lập với bên ngoài, lương thực, thực phẩm đều tự cung tự cấp.
Đường trục chính nối liền trung tâm xã Lâm Ca với quốc lộ 31 |
Thời gian qua, những hình ảnh về con đường nối quốc lộ 31 với trung tâm xã Lâm Ca được lan truyền trên mạng xã hội Facebook bởi chính những giáo viên nơi đây.
Tìm hiểu về vấn đề này, những ngày cuối tháng 9/2016, chúng tôi đến Lâm Ca và được tận mắt chứng kiến những khó khăn về đường giao thông với người dân nơi đây. Trận mưa từ 2 ngày trước khiến đất nhão ra dẻo quánh, người đi bộ như bị chôn chân giữa đường, nhiều đoạn bị ô tô cày nát, đất nhào với nước quện lại đặc sánh ngập đến nửa thân xe. Đi trên con đường này, chúng tôi mới hiểu tại sao có những đôi giầy dép bị đứt quai, hở mõm bị bỏ lại. Đoạn đường từ quốc lộ 31 đến trung tâm xã Lâm Ca chỉ khoảng 8 km nhưng để đến được trung tâm xã thì phải mất hơn 1 giờ đi xe máy bởi hầu hết thời gian để dắt xe và kéo, đẩy qua các đoạn khó.
Anh Bế Văn Chiều, giáo viên Trường THCS xã Lâm Ca, huyện Đình Lập cho biết: Trong ba lô mỗi giáo viên xã này, ngoài giáo án còn có thêm 1, 2 bộ quần áo đề phòng lúc ngã xe. Những khi thời tiết xấu, con đường trở thành cơn ác mộng. Hầu hết các thầy, cô trong xã đều vài lần ngã xe. Mỗi khi bị ngã là cả người và xe bê bết bùn đất, đến được trường thì đã muộn giờ lên lớp. Không chỉ ngày mưa, những ngày nắng ráo, vượt qua đoạn đường này cũng là một thử thách bởi bụi tung mù mịt, những cục đá sắc nhọn lổn nhổn khắp đường, nếu không chắc tay lái thì có thể lao xuống rãnh, xuống vực bất cứ lúc nào.
Ông Tô Ngọc Kính, Chủ tịch UBND xã Lâm Ca, huyện Đình Lập cho biết: Xã có 19 thôn với 780 hộ. Hiện nay vấn đề cần thiết nhất của xã là đường giao thông. Nông sản bà con sản xuất được luôn bị tư thương ép giá do đường sá đi lại khó khăn. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị, huyện đã có chủ trương bê tông hóa đoạn đường này và tiến hành đo đạc nhưng chưa thấy triển khai thực hiện. Hằng năm, lượng xi măng được cấp để làm đường, xã ưu tiên cho những thôn khó khăn làm trước. Tuy nhiên, đường đến các thôn cũng không dễ dàng nên ngoài chi phí mua cát, sỏi, bà con còn phải chịu thêm phí vận chuyển vật liệu về thôn.
Đường khó người dân trên địa bàn chăn nuôi, trồng trọt chủ yếu tự cung cấp, trao đổi với nhau; chỉ những mặt hàng thiết yếu mới ra trung tâm huyện. Những gia đình xây dựng nhà ở thì chi phí đội lên rất nhiều do phải chịu cước phí vận chuyển vật liệu xây dựng cao. Khó khăn nhất là những giáo viên công tác trên địa bàn xã. Toàn xã có 16 điểm trường thì 100% chưa có nhà công vụ, do đó, giáo viên không có nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt. Vậy là ngày 2 lượt, giáo viên nơi đây đều phải vượt 8 km đường khó để đến trường. Những ngày mưa bão, đường lầy lội không đi lại được, thầy, cô phải xin ở nhờ các hộ dân quanh trường. Ít thì 1, 2 ngày, nhiều có khi cả tuần lễ.
Ngoài giải pháp thuê máy xúc xúc bớt đất, đá trên đường, hiện xã chưa có cách nào khác để cải thiện thực trạng giao thông trên địa bàn. Trước những khó khăn về giao thông tại xã Lâm Ca, cấp ủy, chính quyền huyện cần tiếp tục quan tâm, đẩy nhanh tiến độ thi công đoạn nối giữa quốc lộ 31 với trung tâm xã để người dân thuận tiện đi lại và thúc đẩy kinh tế phát triển.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()