Dân khổ vì đường
LSO-Trong muôn vàn cái khó của xã vùng III Hữu Lễ, huyện Văn Quan, có lẽ khó khăn về đường giao thông là lớn hơn cả. Giao thông yếu kém đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt cũng như phát triển kinh tế và đó cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến cho tỉ lệ hộ nghèo của xã hiện nay vẫn còn đến trên 70%.
![]() |
Những đoạn đường trơn trượt dẫn vào trung tâm xã Hữu Lễ |
Lỗi hẹn Hữu Lễ
Đầu tháng 4/2014, trời mưa rả rích. Con đường đất dài chừng 10km từ ngã ba Bản Châu thuộc xã Tri Lễ vào đến trung tâm xã Hữu Lễ vốn đã lầy lội, trơn trượt lại càng thêm phần khó khăn. Khi biết chúng tôi có ý định vào Hữu Lễ công tác, anh Triệu Đức Dũng, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Văn Quan khuyên: trời nắng, đường khô đi còn khó lắm, nói gì đến việc mưa dầm kéo dài cả gần 4 tháng trời rồi, nếu không có việc gì quá gấp thì để nắng ráo lên hãy vào. Khuyên như thế nhưng thấy chúng tôi quyết tâm vào bằng được, anh Dũng vẫn chủ động liên hệ điện thoại trước vào UBND xã Hữu Lễ.
Vẫn biết đường đất lại gặp trời mưa thì rất khó đi nhưng chúng tôi vẫn nghĩ thầm trong bụng, đường Lâm Ca, Đồng Thắng ở Đình Lập rồi đến đường Khánh Long, Đoàn Kết ở Tràng Định, đường Xuân Dương, Ái Quốc ở Lộc Bình cũng toàn đường đất rồi đèo dốc như vậy còn đi được nên phải cố gắng vào Hữu Lễ bằng được. Hơn nữa anh em ở ủy ban xã đã đợi sẵn nên càng khiến chúng tôi “trèo đất, hất bùn” để đi. Tuy nhiên sự cố xảy ra khi chỉ còn khoảng 5 km nữa là đến xã, chiếc xe máy không còn sự lựa chọn nào khác phải lao xuống một cái “ổ voi” chiếm đến 2/3 lòng đường. Thế là nửa người, cả xe úp xuống bùn. Đang loay hoay dựng xe rồi tìm chỗ gột tạm quần áo thì một cô giáo tên Huyền (sau này mới biết là cô Lưu Kim Huyền, Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Hữu Lễ) với áo mưa, đôi ủng bết bùn đỡ dậy và khuyên: đường trong kia không đi được nữa đâu, bùn đùn lên kín mặt đường rồi, lại còn cả một cái đèo dốc cao, trơn trượt nữa, chị phải gửi xe bên ngoài rồi đi bộ cả cây số vào trường đấy. Cộng với bùn đất nhầy nhụa dính khắp người, chúng tôi đành lỗi hẹn Hữu Lễ. Đấy là chúng tôi mới đi có một lần, còn người dân nơi đây ngày ngày phải sinh hoạt, phải lao động sản xuất gắn liền với con đường thì khó biết chừng nào?
Dân khổ vì đường
Tháng 6, dưới cái nóng oi ả của ngày hè, chúng tôi quyết tâm về Hữu Lễ lần nữa. Trời nắng, đường đã khá hơn nhưng vẫn là một thử thách không nhỏ đối với một người chuyên “mò mẫm” đến vùng sâu vùng xa như tôi. Càng đi sâu vào xã càng thấy người dân nơi đây khổ, nghe người dân kể chuyện thì càng thấy họ gặp quá nhiều khó khăn. Chị Hoàng Thị Liền, người dân thôn Nà Lùng than thở: nhà cách ủy ban xã gần 10 cây số nhưng đi xe máy nhanh lắm cũng phải mất đến cả 2 tiếng. Đấy là thi thoảng mới có việc phải ra xã, còn đối với cuộc sống thường ngày của gia đình, con đường đất đã khiến cho mọi sinh hoạt rồi cả hoạt động sản xuất cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Kinh tế gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào gần một mẫu ruộng, sản xuất chủ yếu là mang tính tự cung tự cấp. Nếu có bán được ít ngô, con lợn thì cũng phải chở ra tận chợ Bản Châu, cách nhà cả chục cây số. Đấy là trời nắng, còn trời mưa thì không chỉ riêng nhà chị mà hầu hết các hộ dân khác trong thôn đành chịu. Từ đó kinh tế không phát triển được, gia đình chị Liền nhiều năm liền vẫn chưa thể thoát khỏi danh sách hộ nghèo.
Không xa trung tâm xã như chị Liền nhưng cuộc sống của gia đình ông Nông Văn Mừng, thôn Bản Rượi cũng gặp rất nhiều khó khăn từ con đường. Ông Mừng chia sẻ: từ bao đời nay, người dân nơi đây đã phải sống chung với cảnh đường lầy lội bùn đất như này rồi. Có nhà mua được xe máy nhưng một năm cũng chỉ dùng được mấy tháng mùa khô, thời gian còn lại để “đắp chiếu”. Rồi cả việc người dân trong thôn có lần phải đi cấp cứu, vất vả lắm người dân mới thay nhau “khênh” ra ngoài Bản Châu (xã Tri Lễ) rồi mới gọi xe đưa đi viện được.
Khó khăn về giao thông đang là nỗi trăn trở lớn nhất của cấp ủy, chính quyền và người dân Hữu Lễ. Thế nhưng người dân vẫn cứ phải chấp nhận với cuộc sống như vậy và chờ đợi. Ông Hoàng Thế Việt, Chủ tịch UBND xã cho biết: không chỉ có 10km từ ngã ba Bản Châu vào đến trung tâm xã mà phải đến trên 95% đường ở Hữu Lễ là đường đất. Năm 2010, vốn từ chương trình 135 đã cải tạo, nâng cấp một số đoạn đường vào xã. Tuy nhiên số lượng ít, hơn nữa do địa hình của xã chia cắt mạnh, sạt lở đất đá khiến cho những con đường dù được sửa nhưng chỉ sau một vài cơn mưa lại khó như cũ, thậm chí còn khó hơn. Từ những cuộc tiếp xúc cử tri đến những cuộc họp khác ở xã, thôn, đường giao thông lại được người dân phản ánh nhiều nhất bởi khó khăn từ đường giao thông dường như đã bao trùm lên tất cả những khó khăn khác của người dân trong xã.
Với tỉ lệ hộ nghèo còn trên 70%, Hữu Lễ còn quá nhiều việc phải làm để giảm nghèo. Một trong những việc quan trọng hàng đầu chính là giao thông. Để làm được điều đó, ngoài phát huy nội lực trong dân còn cần có sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành. Từ đó tạo thêm điều kiện để người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
ĐÌNH QUYẾT

Ý kiến ()