Dân “khát” nước sinh hoạt
LSO-Tình cảnh vào mùa khô, nhiều bà con và học sinh ở một số thôn thuộc xã Đông Quan, huyện Lộc Bình dùng nước ao tù, nước giếng ô nhiễm đã diễn ra từ nhiều năm nay. Nguyên nhân vì ở đây chưa có đường nước sinh hoạt.
Giáo viên Trường THCS xã Đông Quan bơm nước ao tù lên sử dụng |
Có mặt tại nhà ông Lường Văn Luân, thôn Thồng Niểng, xã Đông Quan, chúng tôi được chứng kiến cảnh toàn bộ chum, bể, téc chứa nước của gia đình đều cạn, khô. Để có nước sạch đun nấu, ông phải mua nước lọc đóng bình và dùng nước giếng bị ô nhiễm đem về tắm giặt. Ông Luân nói: “Nhà đã khó khăn về kinh tế nhưng tháng nào cũng phải mua từ 15 đến 20 bình nước lọc với gần 300.000 đồng về đun nấu. Tiền mua nước bằng tiền nuôi một đứa cháu đi học mầm non rồi”. Dẫn chúng tôi ra chiếc giếng mới đào năm ngoái, ông Luân ngao ngán: Năm ngoái, gia đình tôi dành dụm được 5 triệu đồng đào cái giếng này nhưng nước giếng cũng cạn. Lúc giếng có nước thì nước vàng suộm và tanh không thể dùng vào ăn uống được. Để có nước, tôi phải hứng nước mưa hoặc đêm hôm canh nước từ đập Bản Chành chảy qua mương gần nhà rồi gánh về”.
Tương tự cảnh nêu trên, nhiều năm qua, giáo viên, học sinh Trường Tiểu học, Trường THCS xã Đông Quan cũng không có nước sử dụng. Vào mùa khô thì thầy, trò của các trường càng khổ hơn trong việc tìm nước sử dụng. Để có nước nấu ăn cho trẻ hằng ngày, trường tiểu học phải xin nước giếng của dân. Việc xin nước cũng có giới hạn bởi giếng cũng khan hiếm nước. Còn Trường THCS xã có sẵn 2 bể, 3 téc chứa được tổng thể tích hơn 10 m3 nhưng nước chỉ sử dụng đủ trong mùa mưa. Vào mùa khô, trường phải tìm nhiều cách để có nước như: chi phí khoảng 300.000 đồng/tháng mua nước lọc đóng bình về đun uống; xin nước giếng, bơm nước ao tù nhà giáo viên gần trường, hứng nước mưa về dội vệ sinh, tưới cây…
Cô Triệu Thị Biên, Hiệu trưởng Trường THCS xã Đông Quan cho biết: “Lúc nước ao hết thì lại phải huy động học sinh lấy gáo, lấy xô đi bộ hơn 1 km cả đi và về ra suối Nà San múc từng xô nước hoặc lấy can vào nhà dân xin nước về chứa vào bể dùng dần. Cứ như vậy, các lớp trực tuần sẽ đảm nhiệm công việc này. Cảnh này vẫn còn tái diễn thì năm học tới, nhà trường sẽ tiếp tục xã hội hóa để xây thêm bể và mua téc chứa nước”.
Xã Đông Quan có 14 thôn bản với 1.078 hộ dân thì có hơn 450 hộ sống ở các thôn: Thồng Niểng, Khòn Phạc, Nà Miền, Hua Cầu và các trường học thiếu nước sinh hoạt. Những thôn này sử dụng các nguồn nước từ khe núi, hơn nữa lại chưa được đầu tư công trình nước sạch sinh hoạt nên luôn ở tình trạng khan hiếm nước vào mùa khô. Để khắc phục, người dân đã phải đào giếng lấy nước nhưng trên 70% số giếng không có nước hoặc nước không đảm bảo vệ sinh. Ngoài việc hứng nước mưa, mua nước đóng bình về đun nấu thì người dân thường xuyên phải sử dụng nước ao, nước suối và nước từ kênh mương về tắm, giặt… Bà Lý Thị Hạnh, Chủ tịch UBND xã Đông Quan cho biết: Năm nào cũng thế, cứ vào mùa khô thì gần một nửa số hộ dân trong xã cùng với giáo viên, học sinh khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt. Trước thực tế này, chính quyền xã nhiều lần kiến nghị HĐND, UBND huyện quan tâm đầu tư đường nước sạch sinh hoạt về các thôn thiếu nước. Năm 2016 và 2017, địa bàn có các đoàn đến khảo sát để đầu tư đường nước sạch sinh hoạt dẫn từ đập Bản Nùng của xã đến các thôn trên nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì.
Nếu chưa được quan tâm đầu tư thì người dân, học sinh ở đây vẫn phải chắt chiu từng giọt nước kể cả nước bẩn trong sinh hoạt hằng ngày. Trước nỗi khổ của người dân thì việc đầu tư hệ thống nước sạch sinh hoạt đến các thôn: Thồng Niểng, Khòn Phạc, Hua Cầu, Nà Miền, xã Đông Quan là hết sức cần thiết. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân cũng nên tính đến phương thức xã hội hóa theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để ước mơ nước sạch đến các thôn này trở thành hiện thực.
MINH ĐỨC
Ý kiến ()